(Thethaovanhoa.vn) - Đám cưới chuột nằm trong số những tranh hàng đầu của làng tranh dân gian tranh Đông Hồ, xuất hiện ở cụm tranh đầu tiên cùng tranh gà lợn, vinh hoa-phú quý, đánh ghen- hứng dừa, nhân nghĩa - tri lễ… Nhưng nó có phải chỉ là một bức tranh châm biếm, đả kích hay không?
1. Đám cưới chuột mô tả cảnh vu quy vợ chồng nhà chuột. Tranh có hai tầng nhân vật tách biệt trên cùng một mặt phẳng. Hàng trên là cảnh tiến dâng lễ vật. Gia nhân nhà chuột mang cá chép, ôm bồ câu cùng đám thợ kèn tấu nhạc inh ỏi đưa lên cho mèo. Hàng dưới là cảnh đón dâu, cô dâu chuột hạnh phúc ngồi trên kiệu hoa, chàng rể chuột cưỡi ngựa song hành với vẻ ung dung tự tại viên mãn.
- Tranh Đông Hồ bao giờ 'sáng bừng trên giấy điệp'?
- Tranh Đông Hồ và Hàng Trống được trình diễn tại phố cổ Hà Nội
Khung cảnh thật hòa bình giữa hai loài mèo chuột đối kháng thật quá tuyệt vời! Dù cuộc sống đó không bao giờ có thật trên đời này, mà chỉ có ở trên tranh!
Xem tranh, ai cũng biết đây không phải câu chuyện mèo chuột, mà chính là chuyện con người, là lối ứng xử giữa kẻ dưới với người trên sao cho hài hòa nhất ở xã hội loài người. Một cách cách dàn xếp nhẹ nhàng để triệt tiêu đối kháng giữa hai phía đối lập.
2. Lâu nay, tranh Đám cưới chuột được giới thiệu nhiều, và ý kiến cũng tập trung rằng đó là tranh đả kích, vạch mặt bọn tham nhũng - quan mèo - và dân chúng - nhà chuột. Nhà chuột muốn yên thân trong đại hỉ lễ vu quy thì hãy nhớ mang lễ hậu, cá chép, bồ câu dâng tiến cho mèo thì được yên thân.
Chả phải thời phong kiến đã từ có câu “Kim ngân phá lề luật” và cay đắng hơn “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” đó sao?! Nhưng gần như xã hội phải chấp nhận điều đó, để tiền bạc đứng trên pháp luật! Tôi đã nghe câu nói trên từ miệng ông nội tôi từ khi tôi biết cầm sách đến trường. Bức tranh đã phơi bày một thực trạng đáng buồn trong xã hội.
3. Nhưng tôi nghĩ, về sâu xa, Đám cưới chuột thuộc thể loại tranh phong tục, tập tục, một thứ lệ tục hình thành từ thời phong kiến. Đó là cung cách ứng xử với nhau của các giai tầng xã hội, kẻ dưới phải cung phụng người trên như là chuyện đương nhiên, không cần che giấu. Nói như dân gian là phải “biết điều” với nhau, chắc chắn như vậy! Ở đây, mèo là kẻ quyền lực bề trên, đương nhiên có quyền được nhận quà biếu. Còn lại bề trên sẽ ban ơn cho kẻ dưới được sống yên ổn. Với chuột, quà cống là vật bảo kê hữu hiệu nhất cho giống loài nhà mình, nên khôn nhất vẫn là chủ động sắm quà mua lễ trong những dịp cần sự an toàn nhất đó là đám cưới!
Suy ngẫm này càng được củng cố thêm khi tôi xem một “biến thể” khác: Song song với Đám cưới chuột, có bức tranh thứ hai y hệt nhưng chú thích khác đi. Đó là tranh quan trạng “Vinh quy”. Vẫn câu chuyện họ nhà chuột. Chuột chồng đỗ ông nghè, vinh quy bái tổ, chàng cưỡi ngựa đi trước, vợ ngồi kiệu theo sau, vậy mà bên trên đầu cũng vẫn cánh người nhà chuột biện lễ cá, bồ câu tấu nhạc dâng lễ cho quan mèo.
“Vu quy” là lễ cô dâu chuột được đón về nhà chồng. Gia cảnh muốn yên phải biện lễ cho bậc trưởng thượng là mèo già như là lẽ đương nhiên. Còn “Vinh quy” là học trò đỗ ông nghè, được vua ban võng lọng về làng “vinh quy bái tổ”. Việc này sang trọng hơn nhiều vậy mà nghè chuột vẫn phải sắm sanh lễ lạt cho vị trưởng thượng trong làng mà hiện thân là lão mèo quyền lực. Rõ ràng thời phong kiến ở làng quê thì chuyện biện lễ cho bề trên mỗi khi có việc trọng đại của mỗi cá nhân ở tầng lớp bên dưới như là thứ mặc định, như là lệ tục. Phép vua thua lệ làng chắc là từ đây, đơn vị hành chính nhỏ nhất trong một xã hội có màu sắc dân sự, tự trong làng cai quản lấy nhau theo hương ước lệ làng. .
4. Phải chăng, thời phong kiến, chuyện lễ lạt, biếu xén được coi là tập tục, nên hệ thống quyền lực không coi Đám cưới chuột là đả kích, nói xấu, châm biếm giai tầng họ? Nếu nghĩ là đả kích châm biếm thì chắc chắn bức tranh Đám cưới chuột sẽ không thể tồn tại đến ngày nay, chắc chắn đã bị vùi dập, phế bỏ. Tôi đồ rằng tầng lớp cai trị còn khoái trí với Đám cưới chuột để tuyên truyền cho uy thế vị thế cai trị của mình và đám dân đen phải nhìn đó mà biết điều phục tùng làm theo. Sẽ là như vậy nên tranh mới còn!
Sâu xa hơn, phải chăng ý nghĩa của bức tranh này nằm trong cặp phạm trù triết học: Sự thống nhất giữa hai mặt đối lập. Hai phía song song tồn tại, không thể triệt tiêu nhau. Nếu mèo giết hết chuột thì mèo lấy đâu ra cái ăn quà biếu, còn chuột mà không chịu cống nạp thì chắc chắn sẽ là nạn nhân của mèo, không thể chống đỡ và không thể tồn tại. Tuy mâu thuẫn đối kháng nhưng cuộc sống cộng sinh, muốn cùng nhau tồn tại thì ắt phải như thế. Cho nên việc biếu xén ra đời, kẻ mạnh hưởng lợi, kẻ yếu phải cung phụng như một thực trạng của xã hội loài người.
Biếu nhau nhưng không phải xuất phát từ tình thân, mà là sự việc xảy ra dưới áp lực của kẻ mạnh và cách hóa giải mâu thuẫn, tìm sự yên bình của kẻ yếu. Đây nó cũng là quy luật tự nhiên của vạn vật, từ cỏ cây cho đến con người. Trước sự sống và cái chết người ta phải tìm con đường thoát bằng mọi cách có thể.
Tất nhiên, không thể phủ nhận, đến thời hiện đại, Đám cưới chuột có thêm ý nghĩa châm biếm, đả kích đối với một thứ tệ nạn nhức nhối trong xã hội, cần phải đấu tranh phòng chống.
Đó là hai góc nhìn thẩm định tranh đám cưới chuột của hai giai đoạn lịch sử khác nhau. Tính đa nghĩa của tác phẩm nghệ thuật là như vậy.
Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý
Tags