(Thethaovanhoa.vn) - Nhân kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, hôm nay, 25/9, tại Hà Tĩnh, sẽ diễn ra Hội thảo khoa học Tiếng Việt trong Truyện Kiều; trao Giải thưởng Văn học Nguyễn Du; giải cuộc thi “Bạn đọc thuộc Truyện Kiều” và cuộc thi “Viết văn tế Nguyễn Du”. Ngày mai sẽ diễn ra là Lễ giỗ, Lễ kỷ niệm và tưởng niệm Đại thi hào.
Tiếp theo loạt bài “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn...” của PGS-TS Lê Thị Bích Hồng, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của nhà văn Lê Phương Liên - một bài viết vừa thấm đầy ký ức, vừa đưa ra một cách cảm nhận rất mới mẻ về Truyện Kiều.
1. Tôi đã đọc rất nhiều bài viết của các học giả với trình độ uyên thâm sâu sắc viết cả ngàn trang phân tích văn chương cùng tư tưởng của Nguyễn Du mà sao câu kết của tác phẩm “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh” vẫnluôn luôn ám ảnh tôi… Nhân 200 năm ngày mất của Nguyễn Du, tôi muốn bàn đến hai chữ “Lời quê” ấy.
Từ thuở ấu thơ, tâm hồn non nớt của tôi đã được ôm ấp, lớn lên bằng những câu Truyện Kiều từ giọng ru à ơi của bà ngoại tôi. Những đêm Hè oi ả, những chiều Đông lạnh giá nơi phố cổ tôi đã được “vịn vào” tiếng kể chuyện của bà tôi trong từng đoạn “Kiều trao duyên”, “Kiều bán mình chuộc cha”, “Kiều bị Sở Khanh lừa”, rồi “Kiều đoàn viên”…
Thời học trò lớp 1, tôi được được nghe tiếng trống khai giảng đầu đời là tiếng trống Trường Tiểu học Nguyễn Du (25-27 Lý Thái Tổ, Hà Nội). Năm 1965, thanh niên Hà Nội đốt đuốc rừng rực ở quảng trường Nhà hát Lớn, hô vang: “Sẵn sàng lên đường chiến đấu!”.Hàng ngàn học sinh thủ đô tết mũ rơm, nhuộm áo trắng thành áo xanh lên đường đi học đường xa, tôi ra đi mang theo bài giảng Kiều thế nào là “Mai cốt cách”, thế nào là “Tuyết tinh thần” của cô giáo Vũ Bội Trâm (phu nhân nhà văn Phùng Quán) cô giáo dạy văn của tôi năm học lớp 7 (1964-1965) ở trường THCS Trưng Vương (26 Hàng Bài, Hà Nội).
Trong những năm tháng sơ tán tại làng Đông Côi, Thuận Thành(Bắc Ninh) tôi được biết Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1965) là nhờ tôi sơ tán cùng làng với cụ Phạm Khắc Hòe. Ngày ấy tôi chưa biết cụ là tác giả cuốn sách Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc. Tôi chỉ biết cụ là cán bộ Bộ Nội vụ đi sơ tán mang theo nhiều hòm sách lớn.
Cụ Hòe cho làm một cái chòi bằng tre bên bờ sông nông giang Bắc Hưng Hải ngày ngày ngồi đọc sách. Thấy tôi là một cô học trò ham đọc, cụ Phạm Khắc Hòe vui vẻ cho tôi mượn các tạp chí Nghiên cứu Văn học thời ấy đăng nhiều bài trao đổi ý kiến về Truyện Kiều và cũng nhờ cụ Hòe tôi đã được đọc toàn văn Truyện Kiều (bản của Bùi Kỷ,Trần Trọng Kim).
Như theo một hướng đạo từ trong tâm, Truyện Kiều và Đại thi hào Nguyễn Du đã đồng hành với tôi suốt cuộc đời. Khi trở thành cán bộ NXB Kim Đồng, được làm việc với nhà văn Sơn Tùng (tác giả Búp sen xanh).Năm 1987 nhà văn Sơn Tùng có ý định viết tiểu thuyết về Nguyễn Du, tôi đã được cùng ông và họa sĩ Lê Lam về Nghệ Tĩnh.Đó là lần đầu tiên tôi được đến quê hương Nguyễn Du, được thăm Khu di tích họ Nguyễn Tiên Điền, được viếng nấm mộ ngày ấy còn đơn sơ “sè sè nấm đất”… Khi đó bao nhiêu cảm xúc trào dâng mà tôi vẫn tự cảm thấy mình chỉ là người đang đi tìm hiểu tư tưởng của Nguyễn Du.
2. Sau “Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” về tài tình của Thúy Kiều, sau tiếng than đau đớn của một cuộc đời truân chuyên khổ nạn, người đọc được nhẹ lòng khi Thúy Kiều đoàn viên cùng gia đình. Vẫn chưa xong, một lần nữa người đọc lắng nghe cho thấukhúc đàn tri kỷ,tiếng rung tận đáy lòng của cô Kiều giờ phút tái hợp với Kim Trọng chỉ để:“Khi chén rượu, khi cuộc cờ/Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”.
Kết thúc một tác phẩm vĩ đại, nhà thơ lớn thở dài và nhã nhặn chào độc giả: Tôi “mua vui” cho các bạn “cũng được một vài trống canh”!
Thiết nghĩ rằng chính sự lui mình của nhà thơ lớn càng làm cho sức mạnh tác phẩm tăng thêm bội phần. Nguyễn Du hoàn toàn ý thức được thân phận của thơ ca, sức mạnh nhẹ như sợi tơ của thơ ca “Văn chương tàn tức nhược như ty” - (trích trong bài Chu hành tức sự(1). Ý thức được sự “nhược như ty” (yếu như sợi tơ), Nguyễn Du dồn hết tâm can để viết nên những câu thơ bất hủ và ông tin ở sức sống nghệ thuật của mình: Ba trăm năm sau có ai khóc Tố Như chăng?(2).
Trước khi hạ câu “mua vui”, Nguyễn Du lại nói một câu thật đắt giá hơn nữa:“Lời quê chắp nhặt dông dài”.Cả một áng văn nghệ thuật câu chữ tu từ điêu luyện, bao nhiêu điển tích uyên thâm, vần điệu thánh thót, thơ như nhạc, chữ như hoa, vẽ cảnh trong thơ như tranh “thi trung hữu họa”… Ấy thế mà nhà thơ nói là “lời quê”?
Nguyễn Du sinh ra ở phường Bích Câu, trong kinh thành Thăng Long, sống trong gia đình quý tộc con quan tể tướng. Dẫu sau này ông phải chịu cảnh loạn lạc gian khổ 10 năm gió bụi… nhưng rồi ông lại là Cai bạ Quảng Bình rồi Cần chánh điện Học sĩ, Chánh sứ thay mặt triều đình sang nhà Thanh (Trung Quốc), lúc về lại thăng Lễ bộ Hữu tham tri…Vậy sao ông tự nhận là nói “lời quê”?
Chúng ta đều biết người Việt ta rất trọng quê hương. Gặp ai sau vài lời trò chuyện xã giao làhỏi: “Bạn quê ở đâu?”. Người Việt nào cũng đáp lại bằng một giọng thật tự hào: “Quê tôi ở…”. Khi nói về quê mình, ai ai cũng có sựhãnh diện như được đeo một tấm huy chương danh giá trên ngực. Quê là gắn với làng quê, hoàn toàn khác chốn kinh kỳ mà người ta vẫn gọi là Kẻ Chợ.Kẻ Chợ là nơi“tứ chiếng giang hồ” hội tụ, tinh hoa rất nhiều, nhưng cũng có khi bởi chiến tranh, loạn lạc mà trở nên hỗn tạp, xô bồ như thời của Nguyễn Du.
Bởi thế, thi hào Nguyễn Du nói “lời quê”chính là lời nói thuần khiết giữ được hương vị bản sắc của nguồn cộibản thân mình. Chữ “chắp nhặt dông dài” theo tôi hiểu chính là sự chọn lọc tìm kiếm lời hay chữ đẹp người viết phải chọn, phải “nhặt”, phải “chắp” vừahội tụ uyên bác lại vừa phóng khoáng ngẫu hứng hàm chứa trong chữ “dông dài”.
Hai câu lục bát: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh” là lời nói của một ông quan lớn Cần chánh điện Học sĩ của triều đình Huế lại sinh ra lớn lên ở Thăng Long nên chất “quê” ở đây là “quê” mà “không quê”!“Lời quê” ở đây bản sắc tinh túy của người có gốc rễ văn hóa sau khi đã bôn ba phong trần gió bụi mà chất văn hóa nguyên thủy của mình vẫn còn vững chắc, sáng hơn, trong hơn, đẹp hơn,sang trọng hơn mà thôi.
- 'Truyện Kiều' với 'lời ăn tiếng nói' của nhân dân
- Bản 'Kiều Kinh' 1898 và con số ước lệ trong 'Truyện Kiều'
- Giải mã 'Truyện Kiều' từ… nước
3. Truyện Kiềulà một kiệt tác tiếng Việt bất hủ, tác phẩm đó đã trở thành vĩ đại không chỉ bởi bản thân câu chuyện nàng Kiều tài sắc truân chuyên mà có lẽ hơn tất cả chính bởi tư tưởng nhân văn Việt Nam thấm đẫm trong những câu từ “Lời quêchắp nhặt dông dài” của Đại thi hào Nguyễn Du.
Nhân tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (1820-2020) và nhân một câu nói của nhà văn hóa Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn tiếng ta còn” đã được nhắc lại nhiều lần trong dịp kỷ niệm này,tôi chỉ xin được bàn góp một ý kiến nhỏ về tinh hoa tiếng Việt của Truyện Kiềutrong thời kỳ tiếng Việt đang hội nhập sâu với nhiều ngôn ngữ lớn thế giới hôm nay. Vẻ đẹp của văn học Việt Nam không phải là cái gì khác mà chính là vẻ đẹp hiện hình thành ngôn từ tiếng Việt trong sáng tinh tế sâu sắc. Có lẽ đấy cũng chính là thông điệp mà Nguyễn Du mong muốn để lại cho hậu thế 300 năm sau…
(1): “Chu hành tức sự” trong tập “Bắc hành tạp lục”- trang 313 Nguyễn Du toàn tập-Tập I- Thơ chữ Hán- Mai Quốc Liên chủ biên với sự cộng tác của Nguyễn Quảng Tuân,Ngô Linh Ngọc, Lê Thu Yến (NXB Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, tháng 1/1996).
(2): “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (bài “Độc Tiểu Thanh ký”,trang 185, sách đã dẫn trên).
Lê Phương Liên