(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 7/5, trước thềm khai mạc LHP Cannes lần thứ 71 năm 2018, ông Thierry Fremaux, Giám đốc LHP đã tổ chức cuộc họp báo bất ngờ nhằm thông báo một số vấn đề liên quan đến sự kiện điện ảnh năm nay, từ "mối thù" của Cannes với Netflix tới phòng trào #MeToo và việc cấm chụp ảnh "tự sướng" trên thảm đỏ.
- Tại sao LHP Cannes lại quan trọng đến vậy?
- LHP Cannes 2018: Cuộc đua tranh giải Cành cọ Vàng xuất hiện nhiều gương mặt mới toanh
- Phim đồng tính của Kenya lần đầu được giới thiệu tại LHP Cannes nhưng bị cấm chiếu tại quê nhà
Tại cuộc họp báo này, ông Fremaux cam kết LHP, từ lâu được biết đến là "sân chơi" của ông trùm Hollywood thất sủng Harvey Weinstein, sẽ thích nghi với khung cảnh văn hóa đang chuyển dịch của thế giới.
"Chúng tôi muốn bắt kịp với một thế giới đang thay đổi" – Fremaux tuyên bố.
Trong khi Fremaux nhắc lại quan điểm của mình rằng, việc lựa chọn các bộ phim tham gia tranh giải và trình chiếu tại LHP được dựa trên chất lượng nghệ thuật chứ không phải giới tính của các nhà làm phim.
LHP sẽ cải thiện tỷ lệ nam-nữ trong hội đồng tuyển chọn, trong tương lai sẽ mời nhiều nghệ sĩ hơn nữa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ban giám khảo, tuyển chọn nhiều phim của các đạo diễn nữ hơn. Chủ tịch Ban giám khảo LHP Cannes năm nay là nữ diễn viên Australia Cate Blanchett.
Trong số 21 phim tham gia tranh giải Cành cọ Vàng năm nay có 3 phim của các nhà làm phim nữ, trong đó chỉ có nữ đạo diễn Jane Campion từng đoạt giải Cành cọ Vàng.
"Nền điện ảnh luôn nằm trong tay của phái nam" – ông Fremaux nói. “Trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà làm phim nữ hơn".
Ông Fremaux còn thông báo rằng trên thảm đỏ năm nay sẽ có khoảng 100 nghệ sĩ có cử chỉ tượng trưng nhằm "khẳng định sự hiện diện của họ".
Giới quan sát theo dõi chặt chẽ Cannes có phản ứng như thế nào với sự sụp đổ của nhà sản xuất Weinstein, từng là một nhân vật xuất hiện thường xuyên tại LHP Cannes. Năm nay, LHP còn mở đường dây nóng cho các nạn nhân bị quấy rối và chăm sóc trẻ em cho các bà mẹ.
"Không chỉ LHP Cannes sẽ thay đổi. Cả thế giới đã thay đổi" – ông Fremaux khẳng định.
Fremaux còn nhắc đến hai đạo diễn gây tranh cãi là Roman Polanski và Lars von Trier.
Polanski, một gương mặt quen thuộc tại Cannes và hồi năm ngoái đã giới thiệu phim mới tại LHP này, đã bị Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đuổi, tước bỏ vai trò thành viên.
Khi được hỏi liệu Cannes có thể có hành động tương tự, ông Fremaux đáp: "Có những vấn đề phức tạp. Chúng ta đang nhìn vào quá khứ bằng cặp kính của hôm nay".
Trong khi đó, nhà làm phim Đan Mạch Von Trier đã được các nhà tổ chức LHP Cannes mời trở lại sự kiện điện ảnh này 7 năm sau khi bị "cấm cửa" với câu nói đầy tranh cãi rằng ông là một phát xít Đức và cảm thông với Hitler.
"Von Trier không phải là phát xít Đức, không phải là người bài Do Thái. Ông ta đã bị trừng phạt và Chủ tịch LHP, Pierre Lescure, cùng ban giám đốc nhận thấy trừng phạt Von Trier như vậy là đủ rồi" - Fremaux giải thích.
Nói về việc chụp ảnh "tự sướng" trên thảm đỏ, Fremaux quả quyết: "Thật nực cười khi "mượn" một sự kiện quan trọng như thế để khoe mình. Đừng tới LHP Cannes để ngắm bản thân mà hãy xem phim".
Tuấn Vĩ
Theo AFP
Tags