(Thethaovanhoa.vn) - Nhà ngôn ngữ Ferdinand de Saussure đã từng nói: “Trong tất cả các thiết chế xã hội, ngôn ngữ là thiết chế ít chịu tác dụng của sáng kiến hơn cả. Nó luôn bị sự kháng cự của tập thể đối với mọi sự cách tân”. Điều này cũng đúng đối với chữ viết. Với những phản ứng hiện nay của xã hội về đề xuất cải tiến chữ viết của ông Bùi Hiền chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao.
- Đến chuyên gia Nga cũng phải 'thảo luận' về ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS-TS Bùi Hiền
- Thăng trầm và những cuộc cải cách bất thành của chữ Quốc ngữ
- 'Ý tưởng cải tiến tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, chỉ là cơn bão trong tách trà'
Để có cái nhìn xuyên suốt hơn về lịch sử hình thành và thay đổi chữ quốc ngữ, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ ngôn ngữ Nguyễn Thị Bạch Nhạn (Huế), một chuyên gia trong lĩnh vực này.
* Thưa chị, tiến trình và lịch sử chữ quốc ngữ đã tương đối dài, nếu lấy cột mốc từ “Từ điển Việt - Bồ - La” (ấn hành tại Roma năm 1651) đến nay, chữ quốc ngữ đã có những thay đổi đáng chú ý nào?
- Về tiến trình lịch sử của chữ quốc ngữ, tài liệu xưa nhất có các dấu tích liên quan đến chữ viết ghi âm tiếng Việt là Bản tường trình hằng năm của tỉnh dòng tên Nhật Bản (1620) với một số hình thức phiên âm địa danh và nhân danh như Anam (An Nam), Sinoa (xứ Hóa), unsai (ông Sãi), ungue (ông nghè) v.v…
Những công trình về sau cũng vậy, như trong bản du ký của Cristoforo Borri có 70 hình thức chữ viết với 129 lần xuất hiện phiên âm tên đất, tên người, như Anam, Ciampa (Chăm Pa), Tunchina (Đông kinh), Cacciam (kẻ Chàm) Quanguya (Quảng Ngãi), Quinhin (Qui Nhơn), Renran (Đà Rằng), kemoi (kẻ mọi).
Nếu lấy cột mốc từ Từ điển Việt - Bồ - La đến nay, chữ quốc ngữ có nhiều thay đổi. Về mặt hệ thống, có thể ghi nhận sự thay đổi chữ viết này qua những cuốn từ điển đã được xuất bản hoặc đã được hình thành từ giữa thế kỷ thứ 17 (1651, năm xuất bản Từ điển Việt - Bồ - La) đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (thời điểm xuất bản cuốn từ điển đơn ngữ tiếng Việt đầu tiên: Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của), trong đó thay đổi nhiều nhất ở giai đoạn từ 1651 đến 1772 (năm hoàn thành Từ điển Việt - La của Pignau De Béhain, bản chép tay), những thay đổi ở giai đoạn này sẽ được bảo lưu khá đầy đủ trong Dictonarium Annamitico - Latinum (Nam Việt Dương hiệp tự vị) của J.l. Taberd (năm 1838) và Dictonarium Annamitico - Latinum của J.l. Taberd và J.S. Theurel (năm1877).
Năm 1888, Le Grand De Laliray trong Dictonaire élémentaire Annamite - FranCaise (Từ điển Việt - Pháp) có đề nghị thay đổi một vài con chữ như bỏ chữ đ thay bằng chữ d, và chữ d thay bằng dz, bỏ s thay bằng sh, bỏ x thay bằng s cho phù hợp với cách phát âm của tiếng Anh, tiếng Pháp. Như vậy đá sẽ viết là dá, còn dá viết là dzá, sạch sẽ viết thành shạch shẽ, xinh xắn thay bằng sinh sắn… Tuy nhiên những đề nghị thay đổi ở cuốn từ điển này không được xã hội đồng tình.
Nếu xét về thực tế sử dụng thì những thay đổi có thể phức tạp hơn, do điều kiện phổ biến chưa rộng rãi nên những cải tiến nhiều khi chưa đến người sử dụng. Người viết vẫn bảo lưu hệ thống cũ dù đã có hệ thống chữ viết mới, ví dụ trong Sách sổ sang chép các việc (1822) Philipphe Bỉnh vẫn sử dụng hệ thống chữ viết từ thế kỷ 17 trong Từ điển Việt - Bồ - La, mặc dù lúc đó chữ quốc ngữ đã thay đổi. Hoặc là một trong tờ báo quốc ngữ đầu tiên là Nông cổ mín đàm, hình thức chữ quốc ngữ vẫn còn những cách viết tùy tiện chẳng hạn viết jữ jìn, ja đình…
Có hai nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong hệ thống chữ quốc ngữ: Thay đổi cho phù hợp với sự biến đổi của hệ thống ngữ âm tiếng Việt qua các giai đoạn lịch sử; Thay đổi do sự hoàn thiện hệ thống chữ viết cho phù hợp, chặt chẽ và tiết kiệm.
Tất cả những sự thay đổi này đều xảy ra trong thời kỳ chữ quốc ngữ đang còn sử dụng hạn chế trong nhà thờ vì mục đích tôn giáo. Sau này, khi nó đã được phổ biến rộng rãi trong xã hội, ngay đầu thế kỷ 20, nhiều người cũng đã đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ với những cuộc hội thảo rầm rộ và những công trình đã được xuất bản. Nhiều ý kiến đề nghị cải tiến khác nhau. Đến những năm 1960 ở cả hai miền Nam Bắc cũng đã tổ chức hội thảo cải tiến chữ quốc ngữ, nhưng những đề xuất đưa ra không tác động gì đáng kể đối với hệ thống chữ quốc ngữ đã được xác lập.
* Trong những thay đổi đó, cái gì là căn bản, là hồn cốt được gìn giữ lại cho đến tận ngày nay?
- Nguyên nhân những thay đổi, như đã trình bày ở trên, hoặc do sự biến đổi hệ thống ngữ âm của tiếng Việt trong chiều dài lịch sử. Những sự biến đổi ngữ âm này có tính chất hoàn toàn, chứ không phải là những sai biệt do cách phát âm địa phương, trừ trường hợp của các tổ hợp phụ âm ml, tl, bl. biến đổi muộn hơn, sau thế kỷ 17 và có sự khác nhau trong cách phát âm của các phương ngữ.
Những thay đổi do sự hoàn thiện hệ thống chữ viết cho chặt chẽ và tiết kiệm, liên quan đến một số vần đặc biệt (được nêu ở phần sau) những vần này có sự kết hợp giữa nguyên âm chính và phụ âm cuối thường tạo ra những biến thể đặc thù mà việc tách ra thành những âm tố cụ thể không đơn giản. Do đó, các nhà truyền giáo có cách xử lý khác nhau khi thể hiện chữ viết trong các thời kỳ, đặc biệt nhất là trong Từ điển Việt - Bồ - La.
Điều căn bản luôn được bảo lưu đó là chữ quốc ngữ luôn hướng đến mục tiêu phản ánh đầy đủ đặc điểm ngữ âm của tiếng Việt. Nếu chúng ta đọc Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh, ở phần chữ và vần gồm trong tiếng này trong Từ điển Việt - Bồ - La thì thấy việc lựa chọn con chữ để ghi tiếng Việt được làm rất thận trọng và được chọn từ nhiều nguồn khác nhau cho thích hợp với cách phát âm của người Việt. Chính vì vậy mà nó làm nên nền tảng cơ bản cho chữ quốc ngữ được bảo lưu cho đến nay. Những chữ có nhiều cải tiến thường do những biến thể kết hợp làm thay đổi đặc điểm ngữ âm trong những điều kiện xuất hiện khác nhau khiến việc lựa chọn chữ viết để thể hiện trở nên phức tạp.
Kỳ 2 và hết: Chữ Quốc ngữ - sự kế thừa và những lần cải cách thảm bại
Văn Bảy (thực hiện)
Tags