Lễ là gì?
“Lễ” là lễ bái (vái lạy, kowtow), là lo lót (hãy soạn một cái lễ, lễ lạt, bribe), là tế lễ (dâng đồ cúng, worship), là lễ nghĩa, lễ giáo (rites), lễ nghi (ceremony), là thủ tục (formality), là lễ hội (festival, holidays)…
Bao giờ trẻ em lại được “tới trường trong muôn vàn tình yêu thương”?
Chữ lễ đối với thế hệ “bao cấp” còn gợi lên “lễ giáo phong kiến” - đầy áp đặt, khắc nghiệt đến mất tình người, bất công với phụ nữ…Chúng tôi tiếp thu được rằng Lễ giáo là công cụ để thực thi đẳng cấp (tôn ti). Tôn ti ở đây không phải là trật tự xã hội văn minh dưới nhà nước pháp quyền, mà là thứ bậc trong gia đình, họ hàng, trong thôn làng… tương xứng với thời của ông Khổng tử.
Chúng tôi tiếp thu được rằng Lễ giáo cũng là biểu hiện sự thần phục của con người trước các thế lực siêu nhiên, thể hiện ở các lễ hội cúng thần linh. Thời còn nhỏ, nhiều trong chúng tôi (và cha mẹ mình) xem hoạt động này là mê tín, và có phần lãng phí… Những cảm nhận này, tiếc thay, hôm nay càng mạnh lên.
Từ khi “tiên học lễ”
Có thể là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng từ khi xuất hiện khẩu hiệu này, thấy bắt đầu rộ lên chuyện thầy cô đánh, dùng nhục hình với trò (U60 không bị đánh, và không nghĩ rằng có thể xảy ra chuyện thầy cô đánh mình). Có không việc “Tiên học lễ…” đã được dùng để biện minh cho hành động pham pháp là “đánh người” (đánh học trò, thường bị xử lý ở mức độ phạt hành chính là cùng). Tôi được biết câu “yêu cho roi cho vọt” chẳng hạn, đã được dùng để lý giải cho chuyện “đánh cháu”, và rất khó tiêu cho phụ huynh học sinh của thế kỷ 21.
Một khẩu hiệu phải có những yêu cầu cảm quan của nó. Chẳng hạn, không ít phụ huynh U60 chúng tôi vẫn hậm hực với khẩu hiệu “nói không với tiêu cực…”, tại sao không thẳng thừng là “Tránh tiêu cực…”, “Đấu tranh với tiêu cực”. Cứ hoa lá cành như thế, để rồi có người chỉ “nói” không bằng mồm, tay vẫn “làm” tiêu cực…
Có lần tôi hỏi một cô giáo trẻ về “Tiên học lễ”. Cách giải thích của cô làm lớp “lớn lên trong kháng chiến” hiểu "Tiên học lễ" như là… quỵ lụy, khúm núm. Cô lại còn chắp tay vào ngực, cúi khom người, làm mẫu cho “các con (?) học sinh” của mình - một tư thế “nô dịch” mà tôi không cho con cháu mình làm.
Ở các nước phương Tây có khái niệm “lễ giáo” (ethical behaviour). Hiện trong các trường công như ở Mỹ chưa thấy có môn này, nhưng nó có thể được dạy bởi các giáo sĩ đạo Thiên chúa, đạo Phật, hay đạo Do thái tại các giáo đường. Nhưng trong trường học có các quy định gần với chữ “lễ” chẳng hạn: Quy chế xử trong trường (“The code of school behaviour), nói về quyền được học của học sinh, quyền được dạy của giáo viên, quyền của học sinh và giáo viên được an toàn trong không gian trường… Một khẩu hiệu về chủ điểm này là “cư xử tốt hơn sẽ học tốt hơn” (better behaviour better learning), nghe không được oai hùng mấy, nhưng cũng giống về nội dung, và đỡ áp đặt, đỡ “già”, đỡ mông lung, đỡ… mặc cảm hơn, là khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”…
Tiên DẠY Lễ?
Trường đâu chỉ là nơi tiếp thu kiến thức, mà còn là môi trường xã hội đòi hỏi các nguyên tắc xử thế lành mạnh, đúng mực, đoàn kết. Trẻ em có thể gặp khó khăn khi mới nhập vào môi trường này. Các nhà tâm lý trên toàn thế giới đều khuyên các bậc phụ huynh, thầy cô giáo chú ý xây dựng hành xử trong những ngày đầu đến trường của các em, kẻo một tình huống ngẫu nhiên có thể ảnh hưởng đến quan niệm về trường lớp của trẻ suốt đời.
“Học lễ” như U60 được ông bà dạy lúc nhỏ, chỉ là học cách cư xử khoan hoà (tolerance) trong môi trường nhiều cá thể. Với nghĩa đó, tinh thần của “Tiên học lễ…” không nên đợi đến cuối tiểu học mới treo thành khẩu hiệu, mà cần được NGƯỜI LỚN chú trọng dạy ngay từ giai đoạn “cháu lên ba, cháu đi mẫu giáo”.
Nhưng hiện nay, vào cái ngày các cháu đến nhận lớp - 16/7, nhiều bố mẹ nhận được tin nhắn bán hợp pháp: “Có tham gia lớp học thêm (của cô chủ nhiệm) không”? Học thêm cái nỗi gì ở lớp mẫu giáo, lớp 1, lớp 2…, hay vẫn một kiểu đi (lễ) cô/thầy? Và không ít phụ huynh có con học đúng tuyến lại len lét đưa con đến lớp, rồi tìm cớ “lễ” cô và giám hiệu… Cứ như là “quyền được học” của con mình là thứ phải đi mua?!