Kết thúc Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế 2019: Phía sau giám khảo là… khán giả

Thứ Hai, 14/10/2019 07:25 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế 2019 đã đi hết hành trình của mình với 21 vở diễn. Và câu hỏi tất yếu được đặt ra: sự kiện đặc biệt này liệu có tác động gì tới một nền sân khấu đang trong cảnh… ngủ Đông?

Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế 2019: Chỉ cần vài vở như 'Cậu Vanya' là thành công rồi!

Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế 2019: Chỉ cần vài vở như 'Cậu Vanya' là thành công rồi!

Không chiếm số nhiều, nhưng một vài vở diễn tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ IV đã nhận được sự đánh giá rất tích cực của khán giả, bạn nghề và Hội đồng nghệ thuật, đặc biệt là vở "Cậu Vanya" do Nhà hát Tuổi trẻ và đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng.

Tối qua 13/10, trong lễ bế mạc Liên hoan, 4 vở diễn thử nghiệm đã được trao Huy chương Vàng, bao gồm Cậu Vanya (Nhà hát Tuổi trẻ), Sự sống (Nhà hát kịch Việt Nam), Thân phận nàng Kiều (Nhà hát múa rối Việt Nam) và Bpolar (Nhà hát Ayit - Israel).

Muôn nẻo đường “thử nghiệm”

Giống như 3 lần tổ chức trước, một câu hỏi lại được xới lên tại các cuộc hội thảo trong Liên hoan lần này: đâu là một vở diễn thử nghiệm theo đúng nghĩa - khi gắn 2 từ ấy với cách hiểu về sự mới lạ tìm tòi, thậm chí là… chưa ai thực hiện?

Nhìn lại, quả thật 21 vở diễn của Liên hoan đều có cách dựng tương đối mới, so với những gì mà khán giả Việt Nam vẫn được xem hàng ngày. Và để có sự “mới” ấy, mỗi đạo diễn làm vở đều có những giải pháp riêng của mình. Ở đó, có người chọn mở rộng không gian vở diễn xuống tận… hàng ghế khán giả, có người áp dụng công nghệ hiện đại để tạo ấn tượng thị giác, có người giảm sự chi phối của lời thoại để tập trung cho khả năng biểu hiện của hình thể và cũng có người chọn cách làm tối giản: sân khấu trang trí đơn giản, chỉ cần một vài diễn viên để đảm nhiệm tất cả các vai.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở rối “Thân phận nàng Kiều” giành HCV tại LH

Để rồi, cũng như 3 kỳ Liên hoan trước, rất nhiều vở gây ra các tranh luận trái chiều.

Chẳng hạn, khi trao đổi, vở Hà Nội của những giấc mơ (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) bị một số chuyên gia chê là rời rạc, nhạt nhòa và thiếu tính thử nghiệm. Nhưng ngược lại, đến từ Ấn Độ, đạo diễn Satanu Das lại ấn tượng đến mức khẳng định sẽ sớm tìm hướng hợp tác với Liên đoàn Xiếc Việt Nam để dựng một vở tương tự. “Chúng tôi không bao giờ nghĩ tới việc nghệ thuật xiếc - vốn là các tiết mục nhỏ lẻ và sử dụng kỹ thuật biểu diễn của nghệ sĩ - lại có thể trở thành một vở diễn hoàn chỉnh, có chủ đề và bản sắc văn hóa rất riêng như các đồng nghiệp Việt Nam” - ông nói.

Ngược lại, khi nhiều chuyên gia trong nước dành lời khen cho Bpolar (Israel), thì đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng việc sử dụng những kỹ thuật chiếu video hay màn hình đen cắt lớp trên sân khấu đã phổ biến trên thế giới từ rất lâu và hiện tại ít nơi còn áp dụng. Nếu bỏ hết các hiệu ứng này ở Bpolar, phần diễn xuất của nghệ sĩ trong vở thực ra lại đơn giản và bình thường.

Rồi nữa, trước một số vở diễn được “lồng ghép” nhiều thể loại sân khấu như cải lương, tuồng, chèo, kịch dân ca. Nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành tỏ ra dè dặt khi nói tới hiệu ứng mang về. Theo ông, thực ra đó là cách làm đã được tìm tòi áp dụng từ nhiều năm nay, nhưng cũng chỉ dừng ở đó. Thậm chí, nếu làm không khéo, vở diễn sẽ bị xóa nhòa ranh giới giữa các thể loại đặc trưng của mình…

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở “Sự sống” giành HCV tại LH

Hướng về khán giả

Không hẳn là tình cờ, 3 vở diễn Việt Nam nhận HCV tại Liên hoan đều thuộc về những đơn vị sân khấu lớn. Đó không chỉ là câu chuyện về năng lực sáng tạo, mà xa hơn, còn là sự chuẩn bị và đầu tư khá công phu của người làm nghề.

Cụ thể, trước khi dàn dựng, các diễn viên của Cậu Vanya (Nhà hát Tuổi trẻ) và Sự sống (Nhà hát kịch Việt Nam) đều đã tham gia những chương trình workshop để trao đổi kinh nghiệm với đối tác Nhật Bản. Tiếp đó, 2 vở diễn này cũng ra mắt khán giả từ rất sớm (đầu 2019) và có một thời gian dài để tiếp tục hoàn thiện trước khi dự Liên hoan.

Riêng với Thân phận nàng Kiều (Nhà hát múa rối Việt Nam), dù khởi dựng vào giữa năm 2019 nhưng đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng đã ấp ủ kế hoạch đưa nàng Kiều lên sân khấu rối từ rất lâu, và cũng đã sớm có trong tay kịch bản của 2 tác giả Nguyễn Hiếu và Lê Chức. Bởi vậy, khi dàn dựng, vở diễn đã “vào guồng” rất nhanh, với ý tưởng khá rõ ràng và rành mạch về cấu trúc, ngôn ngữ thể hiện, cũng như sự đầu tư rất công phu cho những con rối đặc thù.

Ở một góc độ khác, như phân tích của nhiều chuyên gia, những sáng tạo trong các vở diễn cũng không hẳn là quá mới, nếu nhìn vào lịch sử sân khấu, nhưng lại được thực hiện nhuần nhuyễn và hấp dẫn. Đặc biệt, nội dung của cả 3 vở diễn này đều không xa lạ với cách hiểu, cách xem của khán giả thông thường. Đó là điều dễ hiểu, khi mà những Cậu Vanya, Sự sống, Thân phận nàng Kiều… đều nằm trong kế hoạch biểu diễn lâu dài của các đơn vị dàn dựng.

Như thế, dù thành công hay còn dang dở, tất cả những vở diễn tại Liên hoan lần này vẫn là những nỗ lực của người làm nghề để “lạ hóa” mình. Xa hơn, điều mà người ta trông đợi chính là việc những vở diễn ấy, dù được giải hay không, vẫn tiếp tục kéo dài đời sống của mình trước khán giả, thay vì chỉ giới hạn ảnh hưởng ở những tranh luận của bạn nghề hay Hội đồng giám khảo.

Bởi như nhiều lời khẳng định trước Liên hoan, xét cho cùng, thử nghiệm cũng chỉ là việc tìm thêm một con đường mới và lạ để chạm tới suy nghĩ và trái tim khán giả.

Bên cạnh 4 HCV cho các vở diễn, LH còn trao 5 HCB cho vở diễn, 20 HCV và 35 HCB cho các diễn viên. Ngoài ra, LH còn trao một số giải cá nhân, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc cho NSND Lê Tiến Dũng (vở rối Thân phận nàng Kiều).

Anh Bảo

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›