Hội họa ấn tượng đang hồi sinh trên quê hương Pháp

Thứ Tư, 16/06/2010 07:21 GMT+7

Google News
(TT&VH Cuối tuần) - Nếu như khi mới ra đời vào nửa cuối thế kỷ 19, xu hướng hội họa ấn tượng tại châu Âu ngay lập tức được Tân Thế giới (châu Mỹ) biết đến và ủng hộ trong khi bị “hắt hủi” tại sân nhà, thì nay, trường phái này đang tìm lại được sắc màu tại “chính quốc”.

Tại Mỹ và tại Nhật, mỗi năm đều có nhiều cuộc triển lãm về Monet và nhiều danh họa khác, họ thật sự trở thành những ngôi sao sáng chói nhất trên bầu trời mỹ thuật châu Mỹ và châu Á. Thế mà, nước Pháp, cái nôi của trường phái ấn tượng, từng bỏ rơi những sự kiện như vậy. Tuy nhiên, bối cảnh đã từng bước thay đổi từ đầu thế kỷ 21, cụ thể là vào năm 2008, khi mới chân ướt chân ráo bước vào vị trí giám đốc Bảo tàng Orsay, ông Guy Cogeval đã tuyên bố ý định “đặt lại các bức tranh của trường phái ấn tượng vào vị trí trang trọng nhất của viện bảo tàng”, bởi “đó chính là các đại sứ của nền văn hóa của chúng ta (nước Pháp)”.


Tác phẩm của những tên tuổi hội họa ấn tượng
Bốc hơi một trào lưu

Trở lại chuyện cũ, tình cảm lạnh nhạt của người Pháp với các bức tranh thuộc trường phái ấn tượng trên thực tế đã nảy sinh từ rất lâu. Lần đầu tiên là vào thế kỷ 19. Nói như giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Rouen mới đây: “Nhà nước Pháp đã chậm trễ trong việc ý thức được tầm quan trọng của phong trào hội họa ấn tượng”. Vì sao? Vì dòng tranh này được đánh giá là “hời hợt”, là đi ngược lại, và thậm chí đối lập, với truyền thống hàn lâm của văn hóa Pháp, cho nên đã vấp phải nhiều ý kiến chống đối, kể cả thù địch. Thuật ngữ “hội họa ấn tượng” ra đời vào năm 1874 được cho là “ba xu” và bị cười nhạo.

Và hậu quả là vào giai đoạn trước 1900, nước Pháp chỉ sở hữu được 3 tác phẩm: một của Sisley, một của Renoir và một của Morisot. Sau đó, chính phủ đã nhận thêm một phần di sản nghệ thuật của Gustave Caillebotte, với khoảng 40 tranh mà hiện nay Bảo tàng Orsay đang lưu giữ. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu là quá ít ỏi. Cùng thời gian đó, người Mỹ đã nhanh tay, họ là những người đầu tiên “tậu” được các bộ sưu tập tranh rất lớn về trường phái ấn tượng thông qua các thương gia người Pháp, như Paul Durand- Ruel chẳng hạn. Theo nhận xét của Jacques - Sylvain Klein, một nhà kinh tế và một sử gia về nghệ thuật: “Hoa Kỳ lúc đó mới là một đất nước non trẻ và cuộc cách mạng về hội họa này đã diễn ra hết sức ngoạn mục”. Trong khi đó, nước Pháp đã tỉnh ngộ quá muộn, chỉ sau khi đệ nhị thế chiến kết thúc. Khi đó rất nhiều tác phẩm ấn tượng đang ở nước ngoài và đã được cả thế giới biết đến. Nhiều bức đã được bán với giá rất cao. Và hiện nay, cho dù Pháp cố gắng sưu tập lại nhiều bộ đặc sắc nhưng đa số các danh phẩm đã bị “bốc hơi” ra khỏi châu Âu. Đơn cử, trong bộ tranh nổi tiếng về ngôi giáo đường Rouen, với 28 bức do Monet vẽ, thì nay chỉ có 7 bức còn “yên vị” trên đất Pháp.

Lần “lỡ nhịp” thứ hai có nguyên nhân xuất phát từ họa sĩ Marcel Duchamp. Dưới tác động ảnh hưởng của các lý thuyết mang tính “tiên phong” của ông, mùi hương hoa nhài bỗng chốc biến thành mùi xú uế. Là một con người của những tác phẩm “ready-made”, tức bất kỳ một đồ vật nào cũng có thể được tôn lên thành một tác phẩm nghệ thuật, từ chiếc giá để rượu cho đến chiếc bồn vệ sinh, Marcel Duchamp đã khơi gợi lên một trào lưu “không thân thiện” với những tác phẩm được vẽ ra bằng cọ và màu nước. Cần nhấn mạnh thêm rằng, trào lưu nghệ thuật thiên về “vật chất hữu hình” ấy đã trải dài suốt thế kỷ 20.


Bức Đàn cừu quay về của Charles Sprague Pearce.
Ấn tượng trên đường hồi sinh

Vậy, từ lý do gì mà hiện nay trường phái ấn tượng đang trên đường lấy lại danh tiếng mà từ bấy lâu nay luôn bị dè bỉu? Trước hết, bởi quan điểm của các chuyên gia đã thay đổi. Sử gia nghệ thuật Jacques- Sylvain Klein đã chứng minh: “Trước đây, tất cả bị đông cứng. Chúng ta nghiên cứu trường phái ấn tượng theo dạng chuyên khảo, cứ như là mỗi một họa sĩ chỉ biết sống thu mình trong một thế giới riêng khép kín của họ. Còn hiện nay, chúng ta đi vào phân tích những ảnh hưởng, và những triển vọng tương lai của trường phái này. Mà nếu như chúng ta có thể cảm nhận được những câu chuyện về bạn bè, về tình yêu giữa các họa sĩ và các nhân vật của họ trong tranh, thì bỗng chốc, tất cả sẽ trở nên sống động”. Tại cuộc hội thảo về ấn tượng tại Paris mới đây, giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Rouen, ông Laurent Salomé, nói thẳng: “Công chúng không bao giờ bỏ rơi các danh họa, nhưng chính các viện bảo tàng và giới trí thức đã bàng quan. Rất nhiều các sử gia và các giáo sư đại học Pháp đã không quan tâm đến trường phái ấn tượng nổi tiếng này”.


Màn trình diễn Nhìn Monet từ không trung với 1.250 người tại Rouen (Pháp) ngày 5/6/2010 trong Liên hoan Normandie về trường phái ấn tượng

Bên cạnh đó, lý do khủng hoảng kinh tế góp phần khiến hội họa ấn tượng được hồi sinh bởi các bảo tàng phải tìm mọi cách để tạo nguồn thu mà cách trực tiếp nhất là đánh thẳng vào tình yêu với trường phái ấn tượng của công chúng. Ý tưởng về Liên hoan Normandie về trường phái ấn tượng tại Pháp đã thật sự thổi một luồng sinh khí mới vào trường phái hội họa lâu đời này. Thậm chí trước khi khai mạc, đã có nhiều phóng viên Anh, Mỹ, Nhật và thậm chí Úc, đăng ký tham dự. Thế rồi, đến ngày 5/6/2010 vừa qua, khoảng 1.250 người đã tề tựu về Rouen, trên tay mang một mảnh ghép từ một bức tranh của danh họa Claude Monet, rồi sau đó kết nối chúng lại thành một bức tranh hoàn chỉnh. Sáng kiến này mang tên Nhìn Monet từ không trung, đã chiếm một diện tích 600 m2 trên quảng trường Tòa thị chính thành phố Rouen, và được quay phim và chụp ảnh từ một trực thăng và một cần cẩu lớn. Màn trình diễn hoành tráng này mở màn cho Liên hoan Normandie về trường phái ấn tượng diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9/2010 nhằm tôn vinh các danh họa Monet, Pissarro và Gauguin.


Người ta bắt đầu hiểu rằng, trường phái ấn tượng bắt đầu hồi sinh, và thú vị là sự hồi sinh ấy lại diễn ra ngay chính trên quê hương đã sản sinh và từng hắt hủi nó.

Ảnh hưởng của trường phái ấn tượng Pháp với hội họa Mỹ

Trong khoảng thời gian nửa cuối thế kỷ 19, nước Pháp đã tiếp đón nhiều họa sĩ người Mỹ đến học tập tại các xưởng vẽ của các danh họa nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Đến đầu thế kỷ 20, vây quanh Claude Monet tại Giverny là cả một trại sáng tác hội họa của các họa sĩ người Mỹ, và chính những người này sau đó đã góp phần truyền bá trường phái ấn tượng sang Mỹ. Điển hình là Charles Sprague Pearce với xu hướng vẽ tranh thiên nhiên và đồng quê. Bức Đàn cừu quay về được vẽ vào cuối năm 1880, khi họa sĩ sống tại Auvers- sur- Oise. Chủ đề về người mục đồng đơn lẻ thường xuất hiện trong tranh ông, và bức tranh này là điển hình nhất, bởi tông màu sáng tối được thể hiện một cách nhuần nhuyễn và nét cọ chắc tay đã mang lại một khung hình sống động của một miền quê yên bình.


Tường Nguyễn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›