(Thethaovanhoa.vn) - Khan hiếm kịch bản là thực trạng nhiều năm tại các sân khấu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Để khắc phục tình trạng trên, với mong muốn tạo sức hút cho khán giả, nhất là khán giả trẻ, nhiều đạo diễn, nhà quản lý sân khấu chọn hình thức dàn dựng vở diễn dựa trên kịch bản nước ngoài hoặc chuyển thể từ văn học.
* Nỗ lực thu hút khán giả
Thời gian gần đây, sân khấu Kịch Hồng Vân - Chợ Lớn nhận nhiều sự quan tâm từ khán giả dành cho vở kịch ngắn "Ivan bé bỏng" được cảm tác từ tiểu thuyết "Lolita" của nhà văn Nga Vladimir Nabokov, do đạo diễn Thanh Thủy dàn dựng. Theo đó, khán giả xúc động không chỉ bởi tính nhân văn sâu sắc của câu chuyện xoay quanh Ivan mà còn bởi cách mà lực lượng diễn viên trẻ thể hiện mang một màu sắc mới mẻ, vui vẻ.
Tiếp nối niềm vui ấy, tại sân khấu Kịch Phú Nhuận, chùm kịch ngắn, trích đoạn, trong đó có các kịch bản nước ngoài như "Tiếng chim vườn Ngọc Lan", "Những người khốn khổ", "Người mẹ trước vành móng ngựa" do Nghệ sỹ nhân dân Việt Anh dàn dựng cũng nhận được những phản hồi tích cực từ người xem.
Đạo diễn Thanh Thủy cho biết, thông qua cách dàn dựng mới, người xem còn có thể cảm nhận được năng lượng tới từ dàn diễn viên trẻ không ngừng tích cực, sáng tạo. Bên cạnh đó, kịch bản nước ngoài dường như sinh ra để uốn nắn các bạn diễn viên trẻ, tạo nền tảng, kiến thức cũng như xây một "nền móng" vững chắc cho các bạn thỏa sức thể hiện tài năng một cách tự nhiên, chân thật.
Đồng quan điểm, theo Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân, Giám đốc sân khấu Kịch Hồng Vân – Chợ Lớn và Phú Nhuận, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, sàn diễn cần lắm những tác phẩm kinh điển của các nước, được chuyển thể hoặc Việt hóa để diễn viên trẻ có cơ hội đắm mình trong sáng tạo và nâng cao khả năng diễn xuất.
Tương tự, Nghệ sỹ Ưu tú Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ cho biết, nhiều năm trước, kịch nước ngoài đã để lại những dấu ấn rực rỡ cho sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh. Những vở diễn từng làm mưa, làm gió một thời tại Nhà hát như: "Con cáo và chùm nho" với màu sắc Hy Lạp cổ đại; "Lôi Vũ", "Tiếng chim vườn Ngọc Lan" với màu sắc Trung Hoa; "Nỗi đau nhân loại" với góc nhìn mới mẻ khi tác giả Lê Duy Hạnh sáng tạo để các nhân vật trong tác phẩm văn học phương Tây đối thoại với "Truyện Kiều" của Nguyễn Du tạo nên một tác phẩm thể nghiệm mang màu sắc mới mẻ.
Bên cạnh đó, với kho tàng kịch bản cải lương nước ngoài của Thành phố với hàng trăm vở đã từng làm xao xuyến hàng triệu trái tim người xem như "Hòn đảo thần vệ nữ", "Tháp đoạn hồn", "Khuất Nguyên", "Âm mưu tình yêu", "Nàng Xê Đa", "Truyền thuyết tình yêu"… khi được đưa vào tái dựng phục vụ công chúng cũng tiếp thêm động lực, nguồn cảm hứng cho lực lượng tác giả, đạo diễn trẻ.
Tối 28/4 tới, vở diễn "Romeo và Juliet" cũng do đạo diễn - Nghệ sỹ Nhân dân Việt Anh dàn dựng sẽ được công diễn tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận, hứa hẹn tạo dư âm tốt về một thế hệ diễn viên trẻ. Cùng với đó, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ đưa vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" lưu diễn từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 6 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk sau khi công diễn tại Hà Nội.
- Kịch 'Rồi… mắc cái gì cười?': Tựa đề bông lơn, nhưng xem xong phải khóc
- Ra mắt kịch 'Dế mèn': Dạy trẻ em cách nói không với sự vô cảm
- Nhà hát Tuổi trẻ tuyển diễn viên cho vở nhạc kịch quy mô lớn
* Đổi mới tư duy về kịch bản
Nhiều chuyên gia cho hay, muốn có những kịch bản sân khấu hay về đề tài hiện đại, quan trọng nhất là phải đầu tư, nuôi dưỡng tài năng trẻ và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để tài năng phát triển. Các cây bút tiềm năng cần có cơ hội tham gia vào các buổi giao lưu, lớp tập huấn ngắn và dài hạn; thậm chí gửi đi học nước ngoài để tiếp cận những vùng có nền văn học nghệ thuật phát triển, từ đó làm giàu vốn hiểu biết, kỹ năng xây dựng kịch bản hay.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, đại diện quản lý Sân khấu Kịch Idecaf, kịch bản nước ngoài rất chuẩn chỉ, bởi tác giả luôn có sự đầu tư kỹ lưỡng trong từng tình huống, bố cục, bứt phá lột tả được đặc tính của nhân vật và nền văn hóa nơi tác phẩm xuất xứ. Trên thực tế, kịch bản văn học nước ngoài hiện là hướng đi tích cực cho một vài sàn diễn đang trong tình trạng khan hiếm kịch bản. Bên cạnh đó, kịch nước ngoài được chuyển thể và dàn dựng sẽ tạo tiền đề để sân khấu Thành phố hướng đến tổ chức một liên hoan dành cho các kịch bản văn học nước ngoài.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần quan tâm công tác dàn dựng và đầu tư, quảng bá tác phẩm. Trong bối cảnh các đơn vị đang thiếu hụt tác giả, mỗi nhà hát cần tìm riêng cho mình một vài tác giả sân khấu có phong cách sáng tác phù hợp với quan điểm, hướng đi của mình để đặt hàng; đồng thời, có sự đối xử bình đẳng với kịch bản, không phân biệt của quan chức, tác giả tên tuổi hay mới vào nghề, tiêu chí quan trọng nhất phải là kịch bản hay.
Đồng quan điểm, theo đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Ðào Bá Sơn, với kinh nghiệm gần 40 năm làm diễn viên, gần 25 năm làm giảng viên tại Trường Đại học Sân khấu Ðiện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, để có những kịch bản sân khấu hay, cần quan tâm công tác đào tạo biên kịch tại các trường nghệ thuật, vì đây là giải pháp cơ bản để có một lớp tác giả kế thừa. Song song đó, Hội sân khấu thành phố phải thường xuyên có lớp tập huấn, trại sáng tác cho đội ngũ biên kịch và tiếp tục nâng chất cho hoạt động này. Nhà nước cũng cần thay đổi, không đầu tư dàn trải cho sáng tác mà nên đầu tư có trọng tâm, đúng người, đúng đề tài để có được những kịch bản có giá trị.
Ở góc độ cố vấn chuyên môn, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc cho rằng, mỗi tác phẩm kinh điển đều mang nhiều giá trị, trong đó giá trị ngôn ngữ rất quý giá bởi nó tạo cho người xem khả năng tiếp cận văn học tốt, nhất là với đối tượng người trẻ. Dù những vấn đề kịch nước ngoài đề cập đã vượt thời gian nhưng vẫn sẽ mang tính thời sự. Vì vậy, yếu tố tiên quyết phụ thuộc vào cách dàn dựng phản ánh những bài học, sự cảnh giác từ câu chuyện đó trong đời sống xã hội thời hiện đại.
Theo Nghệ sỹ nhân dân Trần Minh Ngọc, hầu hết thế hệ diễn viên trưởng thành sau năm 1975, đều được đào tạo từ giáo trình các nước phương Tây. Từ sự chuẩn hóa trong dàn dựng nguồn kịch bản văn học nước ngoài đó đã đào tạo cho sân khấu Thành phố một nguồn nhân lực quý. Vì vậy, nhà nước cần có kế hoạch mỗi năm đầu tư cho sân khấu Thành phố vài vở kịch nước ngoài và hỗ trợ vé cho lớp khán giả trẻ đến xem, coi đó là một phương án giáo dục kèm yếu tố văn học. Theo đó, nguồn kịch bản văn học có thể khai thác từ các quốc gia châu Á, Trung Đông, Nam Mỹ, Bắc Mỹ... để đáp ứng nhu cầu hội nhập, giao lưu quốc tế.
Tương tự, đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho rằng, cải lương cũng cần kịch bản nước ngoài. Theo đó, nhà hát đang nỗ lực tìm kiếm nguồn kịch bản mới được chuyển thể từ những tác phẩm văn học, đó là sự cộng hưởng mới mẻ nhưng góp phần phong phú thêm kịch mục của nhà hát và thu hút khán giả đến rạp.
Thu Hương - TTXVN
Tags