(Thethaovanhoa.vn) - Lễ hội 100 năm Chợ tình Khâu Vai sẽ được tổ chức từ ngày 28/4 - 1/5/2019, tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với nhiều hoạt động phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao nguyên đá. Đặc biệt, nhân dịp này, tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức công bố việc UNESCO tái công nhận Công viên đá Đồng Văn là Công viên địa chất toàn cầu lần thứ II.
Chương trình khai mạc Lễ hội 100 năm Chợ tình Khâu Vai sẽ diễn ra vào tối 29/4/2019 (tức ngày 25/3 âm lịch), tại khu vực Mê cung đá ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Tại đây, du khách được trải nghiệm hóa thân thành các chàng trai, cô gái người dân tộc địa phương, cưỡi ngựa về Chợ tình tìm bạn. Lễ hội còn có các hoạt động như: dâng hương tại miếu Ông miếu Bà; hát đối giao duyên; lễ cầu duyên; lễ hội chèo thuyền trên sông Nho Quế; ra mắt Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông; trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương; thưởng thức ẩm thực vùng cao; thi chim họa mi hót; thi làm bánh dày; tổ chức Giải marathon quốc tế và nhiều nhiều hoạt động phong phú khác.
Nhân dịp này, tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức công bố việc UNESCO tái công nhận Công viên đá Đồng Văn là Công viên địa chất toàn cầu lần thứ II. Việc này rất có ý nghĩa giúp Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch. Du lịch phát triển sẽ giúp cho đồng bào các dân tộc vùng cao có nhiều cơ hội tăng thu nhập từ dịch vụ du lịch, đây là thu nhập rất bền vững.
- Cận cảnh Lễ hội Chợ tình Khau Vai giữ Mèo Vạc, Hà Giang
- Liên hoan hát Then đàn Tính năm 2018 sẽ kết hợp với chợ tình Khâu Vai
- 2/9 đi chợ tình Mộc Châu, ăn Tết Độc lập cùng người H'mong
Chợ tình Khâu Vai còn được gọi là chợ Phong Lưu có lịch sử tròn 100 năm. Theo một số tài liệu, chợ có từ những năm 1919. Chợ nằm ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) họp mỗi năm một lần vào ngày 27/3 âm lịch. Sự tích chợ tình Khâu Vai bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba và cô Út. Chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khâu Vai, khôi ngô tuấn tú, tài giỏi. Cô Út xinh đẹp là con tộc trưởng người Giáy.
Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chê nhà chàng Ba nghèo và khác dân tộc, không cùng con ma. Do bị ngăn cấm, chàng Ba và cô Út đã trốn nhà đưa nhau lên hang núi Khâu Vai sống. Từ đó, xung đột, tương tàn giữa hai gia đình, hai dòng họ đã xảy ra. Thương bố mẹ, thương dân bản hai bên bỗng trở nên thù hận, tương tàn chỉ vì tình yêu của mình, chàng Ba và cô Út đã quyết định chia tay nhau quay về làng, họ thề kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng. Ngày họ chia tay đúng vào ngày 27/3 âm lịch.
Chàng Ba và cô Út đã cắt máu ăn thề, dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 27/3 âm lịch, họ lại lên Khâu Vai hát cho nhau nghe, kể cho nhau những chuyện buồn vui trong cuộc sống. Hai người ca hát hết đêm đến hôm sau họ lại trở về với cuộc sống ngày thường của mỗi người. Ngày cuối cùng họ tìm đến nhau cũng vào ngày 27/3, họ tìm đến gốc cây rừng, bên hòn đá thề năm xưa, ôm chặt nhau và ra đi mãi mãi. Từ đó, dân làng đã dựng hai miếu thờ là miếu Bà và miếu Ông ngay chính nơi họ mất để tưởng nhớ về một mối tình này.
Lễ hội Chợ tình Khâu Vai không chỉ mang giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương, mà còn có ý nghĩa làm phong phú thêm đời sống tâm linh của nhân dân các dân tộc tại vùng Cao nguyên đá Hà Giang. Hơn thế nữa, Chợ tình Khâu Vai còn là điểm nhấn để quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với chợ tình Khâu Vai nói riêng và đến với Hà Giang nói chung./.
Nguyễn Chiến/TTXVN
Tags