Gia đình nhạc sĩ An Thuyên rút toàn bộ tác phẩm khỏi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc VN

Thứ Sáu, 13/04/2018 00:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn một năm kể từ ngày nhạc sĩ An Thuyên qua đời, gia đình ông quyết định rút toàn bộ tác phẩm của cố nhạc sĩ khỏi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam. 

Khi nhạc sĩ An Thuyên còn sống, nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông như Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi... được ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

Theo tiết lộ từ gia đình, trung bình mỗi quý nhạc sĩ được trả 12 triệu đồng tiền tác quyền. Quý cao nhất lên đến 32 triệu đồng. 

Tuy nhiên, nghệ sĩ Huyền Lâm - vợ cố nhạc sĩ An Thuyên cho biết gia đình không rõ số tiền trên được thu từ nguồn nào, có những ai đang sử dụng tác phẩm của ông. "Ngày trước gia đình đến tận nơi lấy tiền còn được cho xem danh sách tác phẩm. Nhưng từ khi trung tâm trả tiền qua tài khoản, họ nói gia đình xem trên web thì chúng tôi chịu", vợ nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ.

Và theo gia đình nhạc sĩ An Thuyên, VCPMC chưa đáp ứng được nhu cầu của gia đình về việc khai thác, quảng bá và phổ biến các tác phẩm của cố nhạc sĩ. Nhiều tác phẩm của nhạc sĩ hiện vẫn chưa được công bố. Bởi vậy, gia đình quyết định rút tác phẩm về để tự bảo vệ, khai thác và phát triển. 

Chú thích ảnh
Từ trái qua: Vợ nhạc sĩ An Thuyên cùng hai con, nhạc sĩ An Hiếu và đạo diễn Bông Mai

Cụ thể, kể từ ngày 17/1 trở đi, VCPMC không còn là đại diện bảo vệ, quản lý và khai thác các tác phẩm của nhạc sĩ An Thuyên. 

Đạo diễn Bông Mai - con gái cố nhạc sĩ An Thuyên cho biết: "Gia đình không quan tâm đến vấn đề lợi nhuận hay số tiền thu về. Cái chúng tôi đặt lên hàng đầu là những giá trị nghệ thuật đối với xã hội mà các tác phẩm của cha tôi mang lại". 

Chị chia sẻ từ ngày rút tác phẩm đến nay, gia đình đã tìm hiểu được tất cả lượt nghe, lượt tải, lượt sử dụng và nắm chắc những đơn vị nào đang dùng tác phẩm của cố nhạc sĩ. Gia đình đã gửi thông báo đến các đơn vị nói trên và một số bên tỏ ý hợp tác. 

Cũng theo đạo diễn Bông Mai, hợp đồng của VCPMC ký kết với các nhạc sĩ "chưa làm tròn nhiệm vụ của một hợp đồng khai thác tác phẩm nghệ thuật. Chưa hỗ trợ được cho các nhạc sĩ để họ có được đời sống vật chất và tinh thần tốt hơn". 

Còn theo nhạc sĩ An Hiếu - con trai nhạc sĩ An Thuyên: "Một việc trung tâm chưa làm được là quảng bá cho tác phẩm". Anh cũng cho biết gia đình đang làm việc với một số đơn vị khác phù hợp hơn. 

Chú thích ảnh

Ngày trước, khi nhạc sĩ An Thuyên còn là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam ông từng rất ủng hộ VCPMC cũng như nhạc sĩ Phó Đức Phương - người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của trung tâm. "Ông mà còn sống thể nào cũng chặc lưỡi cho rằng thế nào cũng được ấy mà", phu nhân nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ. 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương khi biết tin gia đình xin rút từng gọi điện thuyết phục. "Anh Phương nói gia đình muốn tự thu thì thu phần biểu diễn thôi, còn tiền phí từ các công ty hay nhánh khác thì để trung tâm thu cho gia đình đỡ thiệt. Nhưng tôi nói rằng thiệt cũng không sao", bà Huyền Lâm bộc bạch. 

Gia đình nhạc sĩ An Thuyên khẳng định việc xin rút này không bắt nguồn từ lý do thu nhập hay mâu thuẫn cá nhân, mà bởi muốn phát triển tác phẩm của cố nhạc sĩ. 

Trung tâm tác quyền Âm nhạc Việt Nam thu hơn 83 tỷ đồng trong năm 2017

Trung tâm tác quyền Âm nhạc Việt Nam thu hơn 83 tỷ đồng trong năm 2017

Bất chấp "sóng gió", việc thu phí của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đang dần khả quan qua các năm.

Hà My

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›