(Thethaovanhoa.vn) - Nữ nhà văn Kim Hài đã “làm quen” với sách giáo khoa mới từ năm học trước, khi nhóm thực hiện sách Tiếng Việt 1 bộ Chân trời sáng tạo chọn của bà truyện ngắn Đôi chim để biên soạn thành tiết kể chuyện Đôi bạn và hai chú chim non (trang 88 tập 2).
Nhóm biên soạn Tiếng Việt 2 bộ Cánh diều chọn của bà truyện ngắn Con kênh xanh xanh lấy từ tập truyện ngắn cùng tên, bắt đầu sử dụng từ năm học 2021-2022.
Ở sách Chân trời sáng tạo, truyện Đôi bạn của Kim Hài đến với học sinh chỉ bằng 4 tranh minh họa, để học sinh nhìn vào tranh mà kể lại truyện.
Cảm thông để tránh bất đồng
Nhằm giúp thầy cô giáo hướng dẫn học sinh kể được, truyện Đôi bạn được tóm lược trong sách giáo viên như sau:
“Lâm và Nam là đôi bạn thân. Một hôm hai bạn nhặt được hai chú sẻ non. Nam nói với Lâm: Lâm à, ta mua lồng nuôi chim nhé. Lâm bảo: Hay mình thả chúng về với bố mẹ”. Không! Mình giữ lại nuôi. Đây, con này của bạn”. Lâm đành mang chú sẻ nhỏ về, định chăm cho nó lớn rồi thả. Tách bạn chưa đầy buổi, chú sẻ nhỏ đã bỏ ăn, nằm bẹp một chỗ. Thương quá, Lâm bèn mang nó tới nhà Nam. Đến nơi, Lâm thấy chú chim sẻ của Nam cũng đang nằm ủ rũ. Gặp nhau, hai chú chim vui mừng, vỗ vỗ cánh như muốn bay lên. Nam lí nhí nói: Mình xin lỗi bạn. Ta chăm vài hôm rồi trả cho bố mẹ chúng. Vừa lúc đó, bỗng có tiếng sẻ ríu ran. Thì ra bố mẹ chim sẻ đã tìm đến. Rồi cả gia đình nhà chim ríu rít như hòa chung niềm vui với hai bạn nhỏ”.
Ở sách Cánh diều, từ một truyện dài cả ngàn chữ, những người biên soạn sách chỉ chọn hơn trăm chữ, hợp với sức đọc, sức hiểu của học sinh lớp 2. Cách chọn của nhóm Cánh diều là lược bỏ những dòng có xung đột nhân vật, có kịch tính thắt nút truyện, giữ lại cho người học đoạn văn xuôi giàu chất thơ:
“Nhà Đôi và nhà Thu cách nhau một con lạch nhỏ… Có con lạch, nước ra vô mạnh theo thủy triều, nên không đục bùn như những đường dẫn nước khác. Hai nhà đều treo sẵn vài cái võng lên những cây dừa bên bờ lạch để nằm chơi, hưởng gió mát… Hè đến, Đôi và Thu thường nằm trên võng ôn bài, đố vui. Có lần, Thu ví con lạch này là con kênh xanh xanh của hai nhà. Cái tên “con kênh xanh xanh" giống hệt tên một bài hát mà Đôi biết: Con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi…/ Thuyền ai lướt qua hàng chuối với bờ kênh/ Thuyền ai lướt qua bông lúa thướt tha”.
Bài học khơi gợi nhiều hơn là mô tả, thâu tóm. Bằng ca từ một bài hát được trích dẫn, nó nối kết việc gìn giữ môi trường hôm nay với việc bảo vệ chủ quyền trong 9 năm kháng chiến chống Pháp ngày xưa. Bài học như là một gợi ý, tổ chức một lớp học trên dòng kênh xanh, dưới bầu trời xanh hôm nay.
Thủy chung với nghề viết
Với tác phẩm đầu tiên viết cho thiếu nhi ra mắt vào năm 1970 tại Sài Gòn (truyện dài Trông về quê mẹ, Kim Hài thuộc lớp nhà văn sống ở các đô thị miền Nam viết cho thiếu nhi từ ngày ấy cùng Minh Quân, Từ Kế Tường, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thái Hải (Khôi Vũ)… và tiếp tục viết cho thiếu nhi cùng Nguyễn Quang Sáng, Trần Thanh Địch, Thy Ngọc, Cửu Thọ, Trần Hoài Dương… sau ngày đất nước thống nhất.
Thêm tên Kim Hài vào sách giáo khoa, là thêm nét, thêm chi tiết vào bức toàn cảnh văn học hiện đại Việt Nam, mà những người biên soạn muốn đưa tới cho thế hệ trẻ hôm nay. Để có thể góp sức bút như thế, những ngày sau giải phóng, nhà văn trẻ Kim Hài đã bươn chải thật can trường để kiếm sống để thủy chung với nghề viết!
Bà từng ngồi bán vé rạp hát, từng làm thợ thủ công sản xuất guốc. Nhà văn Kim Hài hồi tưởng: “Cái nghề tay trái đã nuôi sống gia đình tôi vào thập niên 1975 - 1985 là một câu chuyện dài với nhiều may mắn bất ngờ khó thể kể hết, chỉ có thể nói đó là những hồng ân ban cho tôi và những người trong gia đình, chúng tôi gặp được rất tình cờ sự hướng dẫn giúp đỡ của rất nhiều ân nhân để biết mài bóng guốc mộc bằng giấy nhám, biết đứng máy cưa tạo phôi guốc, biết dùng bút điện trang trí guốc, biết mang guốc ra chợ như một bạn hàng… biết đấy cũng là một nghệ thuật…”.
Khi người viết bài nhắc chuyện nhà thơ - họa sĩ Ly Hoàng Ly mang guốc Việt Nam lên sân khấu quốc tế làm nhạc, làm kịch, làm hội họa, bà Kim Hài hào hứng: “Nghệ thuật sơn mài trên guốc đã có từ trước năm 1975 với loại guốc cao cấp gót sắt vẽ hoa sang trọng. Đến năm 1975, loại guốc này không ai dám làm vì giá cao, nói đúng là, không ai dám mua… khoảng 1985, khi guốc Việt Nam bắt đầu xuất nhiều sang các nước Đông Nam Á, tôi có thấy một số mẫu guốc sơn mài, nhưng khi đó…”.
Khi đó, nhà văn Kim Hài đã lấy lại phong độ văn chương, đã vào nhịp viết và liên tục nhận được các giải thưởng! Giải thưởng kịch bản văn học phim thiếu nhi do Hãng phim Trẻ TP.HCM tổ chức với tác phẩm Giọt sương hèn mọn; giải B cuộc thi Văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước lần I do NXB Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp tổ chức với tác phẩm Cánh diều mơ ước; giải Ba cuộc thi viết truyện ngắn cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UNICEF và Hội Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Việt Nam tổ chức với tác phẩm Ngày khai trường trong mơ… cùng với các giải thưởng là nhiều hợp đồng viết sách, làm phim.
Nếu coi tập truyện Con kênh xanh xanh, bài tập đọc Con kênh xanh xanh trong sách giáo khoa như một cột cây số trên đường văn chương của cá nhân nhà văn, thì có thể nói con kênh xanh Kim Hài, như một li ti dòng chảy trong “văn mạch phương Nam” (chữ của cố nhà văn Lê Trí Viễn) cùng những bạn viết của mình, cứ âm thầm, tự tin, tự tạo những mạnh ngầm tìm ra cửa sông hội nhập. Sách giáo khoa mới, có những cửa sông như thế!
Nước mắt chấm câu
Những truyện viết cho thiếu nhi và được giải của Kim Hài phần nhiều là những truyện buồn! Buồn như cuộc chia tay giữa Linh và Chuột Anh khi “cánh diều mơ ước” mới chỉ là một khung xương khiến nhân vật “… liên tưởng đến niềm mơ ước của Chuột Anh cũng giống như cánh diều kia, không có cơ hội, không được bồi dưỡng nâng đỡ, dù là với những bàn tay vụng về, nhỏ bé của chúng tôi, thì cũng nằm yên bất động như cái khung rỗng tuếch cứng đơ” dù Chuột Anh mù chữ nhưng với Linh thì là bậc thầy về sinh vật học.
Buồn như cảnh 2 anh em nhà kia, đã mồ côi mẹ lại bị biển cướp mất cha khiến “Quân nắm tay em len lỏi vào giữa đám đông đang đứng lố nhố trên bãi biển. Toàn những người quen trong làng chài. Tất cả đều ngóng nhìn ra ngoài khơi tít xa. Từ nơi ấy, các con sóng theo nhau hăm hở vào bờ. Sóng sủi bọt trắng đầy mặt biển. Bầu trời vẫn nhờ nhờ một màu buồn bã… Giờ đây, sự hoang mang, lo lắng, tuyệt vọng như một gánh nặng mới mẻ oằn lên vai Quân mà chẳng biết chia sớt cùng ai”.
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Thị Kim Hòa - Người biết 'gõ cửa trái tim'
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Nhật Ánh - một danh tiếng bền vững…
- Gặp lại tác giả được đưa vào SGK: Đặng Hấn - Thơ hiền như ca dao
Buồn đến mức truyện thiếu nhi này chấm hết bằng nước mắt khi biển lại cướp hết thành quả lao động của Quân khiến em trắng tay, chỉ có thể ghé nằm bên em mình khi nó đang nói mơ về “ngày khai giảng trong mơ” để Quân chỉ biết “đưa cánh tay lên che mắt và khóc”.
Với phong cách nước mắt chấm câu như thế, Kim Hài có một danh sách khá dài tên các nhân vật thiếu nhi, mà chỉ nghe đọc lên, đã biết các em đang ở dưới đáy xã hội, cần quan tâm, chia sẻ. Nhà ấy nghèo thì đói cả chữ, cho nên thằng lớn tên Chuột thì thằng nhỏ là Chuột Em. Nhà nghèo tới phải sinh ra bên các núi rác, thằng anh tên Bỏ thì con em vội vàng nhận lấy tên Lượm! Lại còn thằng Lủi, thằng Mót…
Luôn quan tâm tới loại nhân vật thiếu thốn, thiệt thòi như thế với nhà văn Kim Hài viết là để “… bảo vệ các em và giúp các em tự bảo vệ mình trước những tác động xấu của xã hội”. Một lý tưởng thẩm mỹ, một nguyên tắc sáng tác như thế rất cần có trong các trang giáo khoa!
Vài nét về nhà văn Kim Hài Nhà văn Kim Hài sinh 1946 tại Quảng Nam. Học ngành địa chất ở Đại học Khoa học Huế rồi Đại học Khoa học Sài Gòn. Là tác giả của 30 tác phẩm văn học và 4 kịch bản đã dựng thành phim. Hiện sống và viết tại TP.HCM. |
(Còn tiếp)
Trần Quốc Toàn
Tags