(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 14/1, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) phối hợp cùng sở, ngành tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị thi công Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh: Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình”, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, vị thế tiên phong của Thành phố trước vận hội mới.
Năm nay, Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ mang đến cho người dân và du khách diện mạo của một Thành phố năng động, phát triển phồn vinh trong sự hài hòa với những giá trị văn hóa cốt lõi, phù hợp với tinh thần “Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”. Công trình do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, với sự chủ trì thực hiện của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) phối hợp với các sở, ban, ngành cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Saigontourist), Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 được chia thành 2 chương là “Con đường hội tụ bản sắc” và “Con đường hướng tới tương lai”, với 13 phân cảnh lớn, nhỏ khác nhau.
Trong đó, có 4 điểm nhấn độc đáo, tạo nét khác biệt cho Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay. Chương I biểu trưng linh vật của năm Tân Sửu - con trâu, vừa là nguồn cảm hứng trong ca dao, câu hò, điệu lý vừa là một con vật sống gần gũi với con người, với thiên nhiên. Thay vì tạo hình trâu được nhân cách hóa như những linh vật của những năm trước, linh vật trâu năm nay được thiết kế bằng ngôn ngữ mới thiên về tính tạo hình và kiến trúc.
Còn hình tượng đàn trâu ở chương II biểu trưng cho sự phát triển vững chãi, coi trọng giá trị tinh thần và duy trì bảo tồn những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc. Cũng ở chương II, tiểu cảnh mùa len trâu - một đặc trưng văn hóa của vùng Đồng bằng châu thổ Nam Bộ lần đầu tiên được tái hiện tại Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2021. Xuyên suốt 720 m của Đường hoa Nguyễn Huệ, linh vật trâu hầu như luôn xuất hiện có đôi, theo bầy, nhất là ở những phân đoạn con người và trâu đồng hành, ẩn chứa tình cảm ấm áp, thân tình ánh lên trong từng cử chỉ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Nghệ nhân Văn Tòng - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất Mỹ thuật Văn Tòng (Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, hình tượng con trâu phục vụ cho Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 được tạo hình từ đa nguyên vật liệu mút xốp có trọng lượng nhẹ và dễ thi công thiết kế. Ngoài việc tạo hình với kích cỡ lớn khá dễ dàng, nguyên vật liệu này còn có độ bền tốt, khi bọc thêm lớp vải và phủ keo chuyên dụng...
Nếu quá trình thi công đảm bảo quy trình và chất lượng thì sản phẩm không chỉ đẹp, sinh động mà trong điều kiện ngoài trời có thể sử dụng khoảng 6 tháng. Để hoàn thành khoảng 60 hình tượng trâu, cùng với các hình tượng khác để tạo nên những tiểu phẩm, tiểu cảnh cho Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay, Công ty tập trung nguồn nhân lực với 5 thợ chính, 3 kỹ sư cùng với đội ngũ thợ sắt, sơn nước, thủ công mỹ nghệ...
Với kinh nghiệm 5 năm tham gia thi công thiết kế phục vụ Đường hoa Nguyễn Huệ trong những năm gần đây, anh Nguyễn Thanh Phương, công nhân thi công các thiết kế tại Khu du lịch Văn Thánh, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, mỗi năm Đường hoa Nguyễn Huệ lại được thiết kế đổi mới sáng tạo và đa dạng màu sắc hơn.
Tuy vẫn giữ nét truyền thống với linh vật năm là điểm độc đáo riêng nhưng Đường hoa Nguyễn Huệ luôn được thổi làn gió mới cũng như xu hướng thời đại thể hiện qua những tác phẩm nghệ thuật và tiểu cảnh. Điển hình, cũng chỉ với chiếc nón lá truyền thống của người Việt nhưng thiết kế chiếc nón lá trong Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán 2021 được cách điệu và sử dụng đa dạng nguyên vật liệu như dây thừng hoặc được tạo hình bằng khung kim loại.
Ghi nhận thực tế tại các đơn vị thi công cho thấy, hầu hết đơn vị tham gia thi công Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã thực hiện các khâu chuẩn bị từ thiết kế, phối cảnh, tìm kiếm nguyên vật liệu từ khoảng 2 tháng nay và đang khẩn trương hoàn thành những hạng mục của công trình. Trong đó, đại cảnh “Thành phố thông minh” nằm ở cuối Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ được tạo hình như cánh cổng rộng mở vươn đến tương lai bằng hình ảnh bông lúa được thể hiện đầy tính nghệ thuật, với những bông lúa được phun tạo màu tỏa ánh sáng dọc thân sẽ trở nên lung linh nổi bật trong đêm. Còn tính năng động, sáng tạo, phát triển vượt bậc của Thành phố Hồ Chí Minh được khắc họa qua hình ảnh những khối nhà tạo hình bằng chất liệu thân thiện với môi trường gắn với đa dạng biểu tượng của công nghệ 4.0.
- Sắc thái văn hoá hội tụ trên Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Canh Tý 2020
- Đường hoa Nguyễn Huệ 'khởi động' trước Xuân Canh Tý 2020
- Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Hợi: Ấn tượng từ những chú lợn mũm mĩm
Mặt khác, ngôn ngữ bao trùm trong thiết kế Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 là thiết kế hữu cơ chuyển tải thông điệp xanh, lối sống thân thiện với môi trường. Sự chuyển động, hòa quyện giữa nước, ánh sáng nghệ thuật trên nền công nghệ 4.0 được thể hiện xuyên suốt Đường hoa Nguyễn Huệ trong đại cảnh, tiểu cảnh như: An yên Xuân về, Mừng Xuân mừng Đảng, Vòm lan rực rỡ, Hào khí Việt Nam, Bức tranh đồng dao, Vòm đoàn kết, hay đoạn trưng bày sản phẩm đặc trưng của khu nông nghiệp công nghệ cao… Thiết kế hữu cơ đóng vai trò như mạch dẫn kết nối đại cảnh, tiểu cảnh trên Đường hoa Nguyễn Huệ thành một thể thống nhất đầy tính mỹ thuật. Đặc biệt, chuyển động cơ học cũng được sử dụng trên Đường hoa Nguyễn Huệ mang lại hơi thở động của cuộc sống trong phân đoạn gia đình trâu tại cổng hay chuyển động đa chiều của hoa sen khổng lồ được tạo hình bằng mây tre.
Tích hợp những giá trị văn hóa cổ truyền vào ngôn ngữ thiết kế hiện đại, các nghệ nhân mong muốn Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ tiếp tục tạo nên một không gian trải nghiệm đáng nhớ đối với người dân Thành phố và du khách trong những ngày Xuân mới.
Mỹ Phương/TTXVN
Tags