(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những nội dung đang được cử tri và giới du lịch quan tâm tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV là việc Quốc hội sẽ thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đối với chính sách thị thực (visa), mặc dù đã nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý nhưng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua, vẫn còn nhiều nội dung chưa thực sự thông thoáng, hợp lý.
Nhiều cử tri và chuyên gia rất băn khoăn với quy định “đơn phương miễn thị thực cho công dân một số nước” với điều kiện nước đó “phải có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam…” trong dự thảo Luật. “Có qua có lại” được xem là nguyên tắc vàng trong kinh doanh, ngoại giao, chính trị, nhưng vận vào chính sách thị thực xem ra không ổn. Đã “đơn phương” mà còn đòi hỏi “có qua có lại” thì còn đơn phương nữa không? Tưởng thế giữ được vị thế nhưng kỳ thực đã đánh mất lợi thế, khả năng cạnh tranh. Muốn phát triển mạnh du lịch, chúng ta phải chấp nhận có những thị trường ưu đãi đơn phương. Đó cũng là cách mà nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện. Tại phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 4.10 vừa qua, ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị không bổ sung điều kiện bắt buộc nước khác phải có chính sách tạo điều kiện hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam trước mà giữ nguyên như trước đó là hoàn toàn chính xác và hợp lý.
Hơn nữa, cùng với việc “nới lỏng” chính sách thị thực thì cũng cần kéo dài thời gian du khách được phép miễn thị thực lên 30 ngày như các nước trong khu vực so với 15 ngày vốn đã phát sinh nhiều thủ tục phiền hà, gây tâm lý không thoải mái không đáng có cho du khách. Có như vậy mới cạnh tranh, lôi kéo và giữ chân du khách ở lại, mua sắm nhiều hơn.
Du lịch đang được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng mức độ ưu tiên đã thực sự tương xứng? Như Văn Hóa từng phản ánh, theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành Lữ hành và Du lịch do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2019 vừa công bố cho thấy, ở chỉ số “mức độ ưu tiên cho du lịch”, Việt Nam chỉ đứng thứ 100, tụt rất xa với hầu hết các nước trong khu vực như Singapore (vị trí thứ 6), Indonesia (10), Thái Lan (27), Campuchia (44), Philippines (56), Malaysia (62), Lào (64); chỉ hơn được Brunei (vị trí 127). Liệu có mâu thuẫn giữa “ngành kinh tế mũi nhọn” và “mức độ ưu tiên”? Đành rằng đây cũng chỉ là số liệu tham khảo quốc tế nhưng với những con số khách quan và biết nói không thể không làm cho chúng ta suy ngẫm.
Đương nhiên chính sách thị thực liên quan mật thiết tới ngoại giao, an ninh, quốc phòng và cần phải đảm bảo chặt chẽ để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của Việt Nam. Nhưng mặt khác rất cần chính sách thị thực thông thoáng, hợp lý, tạo điều kiện cho du lịch phát triển, nhất là trong bối cảnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh đang là xu hướng chung tất yếu của thời đại.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn được du khách quốc tế bình chọn là điểm đến hàng đầu, hấp dẫn nhất thế giới. Du lịch Việt Nam liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng danh giá của quốc tế. Trên thực tế, khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng và chắc chắn sẽ đến nhiều hơn nếu chính sách thị thực được cải thiện, thông thoáng hơn. Khách đã sẵn lòng, sao chủ không mở lối mời khách đến chơi?
Báo Văn hóa
Tags