(Thethaovanhoa.vn) - UBND thị xã Sơn Tây đang khẩn trương triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây nhằm hình thành một không gian giải trí, văn hóa, du lịch cho người dân và du khách, đồng thời phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây, kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn.
Dự kiến, dịp lễ 30/4 và 1/5, tuyến phố đi bộ này sẽ được đưa vào hoạt động.
Tuyến phố đi bộ thí điểm đoạn từ cổng cũ trụ sở UBND thị xã Sơn Tây (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (ngã ba phố Quang Trung – Nguyễn Thái Học). Với chiều dài 820 m, tuyến phố đi bộ gồm: Tuyến phố Phó Đức Chính, Phan Chu Trinh; đường dạo phía ngoài của Thành cổ Sơn Tây; vườn hoa trung tâm thị xã; quảng trường khu vực vườn hoa trung tâm; sân trước khu vực Trung tâm văn hóa thị xã; quảng trường sân vận động thị xã. Thời gian hoạt động tuyến phố đi bộ từ 19 giờ ngày thứ Bảy đến 12 giờ ngày Chủ nhật.
Khi đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ, người dân và du khách có thể trải nghiệm, thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại, ca nhạc đường phố, nhảy dân vũ, vẽ chân dung, ký họa, thư pháp, đua thuyền, câu cá, múa rối nước… Tại đây tổ chức triển lãm tranh, ảnh, giới thiệu sách, báo, tạp chí; hoạt động vui chơi của thanh niên, thiếu nhi. Bên cạnh đó, thị xã tổ chức các dịch vụ ẩm thực; giới thiệu hàng lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của Sơn Tây. Các gia đình nằm trong khu vực này vẫn có thể mở cửa kinh doanh những mặt hàng hiện có.
Theo ông Nguyễn Huy Khánh, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, đến thời điểm hiện nay, các đơn vị đã hoàn thành toàn bộ công tác chỉnh trang hè phố, sơn kẻ vạch đường các tuyến phố xung quanh Thành cổ và một số tuyến phố lân cận khu vực hoạt động của phố đi bộ; hoàn thành lắp đặt biển thông tin, biển chỉ dẫn quanh hào Thành cổ; triển khai lắp đặt hàng rào tiểu cảnh.
Công tác chỉnh trang các hạng mục bên trong Thành cổ Sơn Tây cũng được gấp rút thực hiện. Trong đó, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây đã thi công được khoảng 80% khối lượng, các hạng mục chính đã cơ bản hoàn thiện như hệ thống đường dạo, sân nghỉ…
Dự án gia cố, cải tạo các đoạn kè bờ hào bị sạt lở và số hóa hệ thống cây xanh tại di tích Thành cổ Sơn Tây được giao cho Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm triển khai. Dự án đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật.
- Cổng thành cổ Sơn Tây: Sẽ có dự án riêng để bảo tồn nguyên trạng?
- Đã có lời giải về “cây hoa lạ” trong Thành cổ Sơn Tây
Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã lắp đặt chuồng và nuôi đàn chim bồ câu; đang huấn luyện, gây đàn để hình thành, phát triển “Đàn chim Thành cổ Sơn Tây”. Việc lấy nước vào hào Thành cổ đã được thực hiện đợt 1, chuẩn bị tiếp tục lấy nước đợt 2 để đảm bảo cốt nước phục vụ việc tổ chức lễ hội đua thuyền và các sinh hoạt khác. Mặt hào thường xuyên được vớt rác đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường. Toàn bộ hệ thống lan can đá xung quanh bờ hào Thành cổ được vệ sinh sạch sẽ, phát quang cây cỏ để đảm bảo cảnh quan cho di tích.
Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Các tổ chức đoàn, hội, các câu lạc bộ nghệ thuật, các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn sẽ tham gia thực hiện các hoạt động này… Các đơn vị chức năng đang bố trí các gian hàng trên tuyến phố đi bộ; lắp đặt cổng chào, trang trí chiếu sáng và cụm tiểu cảnh.
Như vậy, khi đi vào hoạt động, phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây là không gian đi bộ thứ 4 của Hà Nội được hình thành, sau không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội (Hàng Đào – Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 Phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía Nam khu Phố cổ Hà Nội) và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn. Sắp tới, thành phố Hà Nội sẽ có thêm một số không gian đi bộ khác ở các quận, huyện.
Đinh Thuận/TTXVN
Tags