(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airlines - Hanoi Concert 2019 tối 5/10 tới đây sẽ là màn tái ngộ của người dân Thủ đô với Dàn nhạc giao hưởng London (London Symphony Orchestra). Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên nhạc trưởng Sir Simon Rattle chỉ huy dàn nhạc trong một đêm diễn đầy màu sắc tại Hà Nội.
Vietnam Airlines Classic-Hanoi Concert là sự kiện văn hóa lớn thường niên nằm trong thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Vietnam Airlines và thành phố Hà Nội. Năm nay, dàn nhạc giao hưởng London quy tụ hơn 100 nhạc công tài năng hứa hẹn sẽ đem đến trải nghiệm khác lạ cho khán giả thưởng thức âm nhạc tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm từ 19h00 đến 21h00 ngày 5/10/2019.
Dàn nhạc giao hưởng lâu đời nhất của Anh Quốc
Dàn nhạc Giao hưởng London (London Symphony Orchestra - LSO) được thành lập vào năm 1904, và là dàn nhạc giao hưởng lâu đời nhất của nước Anh. Một nhóm nhạc công quyết định rời khỏi Dàn nhạc Nữ hoàng của Henry Wood vì một số quy tắc không phù hợp, họ đã hợp lại và thành lập nên LSO.
Buổi hòa nhạc đầu tiên của LSO được tổ chức vào ngày 9/6/1904 dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng tài ba Hans Richter tại Queen’s Hall (Hội trường của Nữ hoàng), London. Chính từ nơi đây đã “phát hiện” hàng loạt những nhạc trưởng nổi tiếng của thế giới khi họ tham gia LSO với cương vị của một nhạc trưởng khách mời. Có thể kể đến những cái tên như Artur Nikisch (1904), Fritz Steinbach (1904), Edouard Colonne (1905) và Sir Edward Elgar (1905). Vào năm 1906, LSO đã có chuyến lưu diễn nước ngoài đầu tiên tại Paris và cực kỳ thành công.
LSO đã trải qua thời kỳ “đen tối” nhất vào những năm của thập niên 1930 và 1950, khi âm nhạc bị đánh giá là kém chất lượng hơn hẳn những dàn nhạc mới của London lúc bấy giờ như Dàn nhạc Giao hưởng BBC.
Cuộc tranh luận giữa các thành viên trong dàn nhạc về việc chuyển hướng sang nền âm nhạc điện ảnh cũng đã khiến LSO mất đi khá nhiều những nhạc công lâu năm. Tuy nhiên, đến năm 1960, LSO đã lấy lại vị trí hàng đầu sau nhiều năm và giữ vững tới tận bây giờ.
Từ năm 1982, LSO mở trụ sở tại Trung tâm Barbican ở thành phố London, nước Anh. Trong số các chương trình biểu diễn của mình, LSO đã có những buổi trình diễn quy mô lớn nhằm tôn vinh các nhà soạn nhạc nổi tiếng như Berlioz, Mahler và Bernstein. LSO cũng tuyên bố họ là dàn nhạc giao hưởng được thu âm nhiều nhất thế giới. Các bản ghi âm được thực hiện từ năm 1912 và đã phát hành trên 200 bản ghi âm cho rạp chiếu phim, trong đó nổi tiếng nhất là nhạc nền của loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao.
Trong nhiều năm, LSO nổi tiếng là một dàn nhạc giao hưởng hầu như chỉ có đàn ông, ngoài trừ một vài nữ nhạc công chơi đàn harpe nhưng không được công nhận là thành viên của LSO.
LSO lúc đó được miêu tả là “một câu lạc bộ của những chàng trai cuồng nhiệt đi khắp thế giới”. Đến tận năm 1975 mới có người phụ nữ đầu tiên được bầu làm thành viên của LSO là Renata Scheffel-Stein, trong khi đó, các dàn nhạc giao hưởng khác của London đã bỏ xa LSO về vấn đề này. Đến nay, số lượng nữ nhạc công đã chiếm tới hơn 40% trong dàn nhạc, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng: “Dù kỹ thuật đã được cải thiện, họ chơi rất tuyệt. Nhưng dường như đã mất đi chất hào hùng, nam tính của dàn nhạc”.
Năm 2003, với sự hỗ trợ từ ngân hàng UBS, dàn nhạc đã mở ra trung tâm giáo dục âm nhạc LSO St Luke, trong một nhà thờ cũ gần Barbican. Đến năm sau, LSO đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm của dàn nhạc bằng một buổi dạ tiệc với sự tham gia của Nữ hoàng Anh - Người bảo trợ của LSO.
Hàng năm, LSO có hơn 120 buổi trình diễn trên thế giới và được Gramophone vinh danh là một trong 5 dàn nhạc giao hưởng uy tín nhất thế giới. Với hơn 100 năm kinh nghiệm biểu diễn và nhận được những đánh giá cao từ các nhà phê bình nghệ thuật và báo chí. Cho đến nay, LSO vẫn đang đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc cổ điển của Anh, các bản thu âm của LSO với nhạc trưởng Sir Simon Rattle đã được sử dụng nhiều nhất trong các đài phát thanh và truyền hình của nước Anh.
Nhạc trưởng tài ba hiện nay của LSO
Năm nay, LSO được chỉ huy bởi nhạc trưởng tài ba Sir Simon Rattle - huyền thoại làng nhạc cổ điển thế giới từng được vinh danh tại Giải thưởng âm nhạc cổ điển Anh Quốc. Hiện nay, ông đang chỉ huy LSO và Giám đốc nghệ thuật của dàn nhạc giao hưởng Berlin.
Với người yêu nhạc cổ điển, cái tên Simon Rattle đã nói được nhiều điều: đây là một nhạc trưởng tài năng từng kế nhiệm Claudio Abbado ở vị trí nhạc trưởng chính của Berlin Philharmonic, sau màn trình diễn ra mắt xuất sắc Bản giao hưởng số 6 của Mahler vào năm 1987.
Trong sự nghiệp của mình, dù xây dựng một kịch mục âm nhạc với biên độ không ngừng mở rộng, nhưng Simon Rattle được biết đến nhiều nhất cùng các tác phẩm của các nhà soạn nhạc cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 như Gustav Mahler, Dvorak, Claude Debussy, Anton Bruckner…
Simon Rattle còn là một người đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới, coi đó là một cách mới để tiếp cận khán giả trẻ. Dù từ buổi đầu mở ra Digital Concert Hall, gặp không ít phản đối, nhưng ông vẫn không chùn bước khi cho rằng đây sẽ là tương lai của nhạc cổ điển… Với những buổi hòa nhạc được phát trực tiếp qua internet, Berlin Philharmonic đã góp phần mở ra một chương mới về số hóa cho âm nhạc cổ điển và sau được rất nhiều dàn nhạc khác trên thế giới áp dụng.
Lần thứ 3 đến Hà Nội 19h ngày 5/10 tại Quảng trường Lý Thái Tổ (Hà Nội) là lần thứ 3 LSO đến với khán giả Thủ đô. Tại Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2019 lần này, LSO sẽ trình diễn tám tác phẩm, bắt đầu bằng Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao. Sau đó là bảy tác phẩm của các nhà soạn nhạc quốc tế gồm: Khúc mở đầu: Lễ hội La Mã (Op.9) của Louis Hector Berlioz, Bản giao hưởng số 5 (chương 4) của Gustav Mahler, Vũ khúc Slavonic (Op.46) của Antonín Dvorák, Bản giao hưởng số 2 (chương 3 và 4) của Johannes Brahms, Bản Gymnopedie số 1 của Éric Alfred Leslie Satie, Bản Dẫn lối tới Dàn nhạc dành cho người trẻ của Benjamin Britten và Vũ khúc Slavonic Dance (Op.72) của Antonín Dvorák. Trình diễn trong Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2019, LSO hứa hẹn sẽ mang đến những tiết mục âm nhạc đầy màu sắc, đặc biệt hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. |
Quỳnh Trang
Tags