“Phân gio (tro) chẳng bằng cấy mò tháng Sáu”. Đây là câu tục ngữ nói về công việc trồng lúa của nhà nông.
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
Tháng Sáu đến rồi. Đây cũng là lúc nông dân ta chuẩn bị làm đất để cấy lúa vụ mùa. Lúa mùa là “lúa gieo cấy vào đầu hay giữa mùa mưa [tháng Năm, tháng Sáu], thu hoạch vào cuối mùa mưa hay đầu mùa khô [tháng Mười, tháng Mười một]; phân biệt với lúa chiêm” - (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Câu tục ngữ trên còn có 2 biến thể nữa: “Phân gio không bằng cấy mò tháng Sáu”, “Thêm phân thêm gio chẳng bằng cấy mò tháng Sáu”. Nhưng bất luận biến thể nào thì tựu trung, các câu tục ngữ này cũng đều có cấu trúc so sánh giống nhau. Cái so sánh là “phân gio”. Cái được so sánh là “cấy mò tháng Sáu”. “Phân” là “tên gọi chung các chất dùng để bón cây”. Phân Bắc, phân chuồng, phân xanh, phân đạm… đều nằm trong nhóm phân phổ biến dùng cho cây trồng. Còn “gio (tro)” là “chất còn lại của một số vật khi bị cháy hết, nát vụn và thường có màu xám - như gio bếp, gio củi, gio rơm, gio xương” (từ điển đã dẫn). “Phân gio” là từ ghép chỉ phân bón nói chung.
Chúng ta đều biết, khi canh tác, trồng trọt bất kỳ loại cây gì, nhà nông đều phải tìm loại phân thích hợp để bón. Có thế cây cối mới có thể cho sản phẩm (lá, hạt, nhựa, quả…) nhiều và có chất lượng tốt.
Nhưng, đối chiếu với câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” (thứ tự của 4 nhân tố quan trọng nhất, ảnh hưởng tới canh tác cây trồng) thì “phân” còn đứng sau “nước”. Nước tưới giữ vai trò số một khi bắt tay vào trồng trọt. Cây nào cũng cần nước. Cây lúa nước (khác với “lúa cạn”) còn cần hơn nữa. Ta biết, cây mạ (cây lúa non được gieo ở ruộng riêng - ruộng mạ) sau một thời gian nhất định sẽ được nhổ lên để cấy lại (vào khoảnh đất/đám ruộng khác). Khi chuẩn bị cấy thì ruộng phải cày bừa kĩ và đặc biệt nước trên mặt phải ngập đều (tới mức thích hợp) thì cây mạ cắm xuống mới có thể bén rễ và phát triển nhanh.
Vậy “cấy mò” là gì? Đó là một kết hợp từ hai thành tố “cấy + mò”. “Mò” là “làm một việc gì đó mà ta không nhìn thấy được trong không gian hoặc (môi trường) thao tác”. “Cấy mò” là một hình thức cấy mà công đoạn cắm mạ vào đất phải “mò mẫm” vì mặt nước phía trên đục nên không nhìn thấy chính xác mặt ruộng (phải tự phán đoán, áng chừng khoảng cách, độ nông sâu). Cấy mò, gặt mò (gặt lúa bị chìm sâu trong nước) là chuyện thường ngày của nhà nông. Thực hiện việc “cấy mò” dĩ nhiên là có khó khăn hơn cấy bình thường. Sao người cấy không chọn cách cấy bình thường nhỉ?
- Chữ và nghĩa: Năm ăn năm thua!
- Chữ và nghĩa: 'Nhất củ khoai đầu vồng…'
- Chữ và nghĩa: Sấm trước cơn sấm no…
Tất nhiên là có lý do của nó. Câu tục/ thành ngữ này đã chuyển tải một thông điệp về kinh nghiệm trồng cấy của ông cha ta. Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải nghĩa: “Bón thêm phân tro cũng chẳng giúp lúa tốt lên bằng cắm cây mạ xuống vào lúc mặt ruộng đang còn ngập trong nước mưa của tháng Sáu (âm lịch). Hay dùng để đề cao tầm quan trọng của nước đối với năng suất của cây lúa nước”.
Tháng Sáu, tháng Bảy “mưa xuống nước trôi đầy đồng”. Đây là thời điểm thật thuận lợi để nhà nông bắt tay vào công việc chuẩn bị cho vụ mới.
Tháng Sáu em đi cấy mò
Nhọc công sẽ được ấm no mùa màng
PGS -TS Phạm Văn Tình
Tags