“Cơm sôi bớt lửa, vợ chửa bớt làm” - có một câu tục ngữ thế này sao? Cũng bởi lâu nay hầu như mọi người đều rất quen với câu “Cơm sôi bớt lửa, chồng giận bớt lời”. Ngữ nghĩa của nó tường minh đến mức không cần phải giải thích nhiều, chúng ta đều hiểu.
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
Câu tục ngữ có hai vế, vế một là một lời khuyên của dân gian trong việc nấu cơm. Nguyên liệu để đun nấu trước đây, mọi gia đình dùng chủ yếu là rơm, rạ, củi. Sau này dùng thêm than, dầu, ga, điện… Bất luận đun bằng gì thì khi nồi cơm trên bếp bắt đầu sôi thì ta phải giữ lửa cho phù hợp: rút bớt rơm rạ hoặc củi đóm đang cháy (hoặc tạm dập lửa) để gạo trong nồi thẩm thấu nước vừa sôi trương nở hết cỡ, rồi mới vần (vùi kín nồi trong than nóng hoặc vẫn đặt trên kiềng, trên bếp). Có thế cơm mới chín nục và không bị khê (khê: cơm, cháo bị cháy quá, gây ra mùi nồng khét khó chịu, không ăn được hoặc ăn mất ngon).
Từ bài học về kỹ năng điều chỉnh lửa đó, dân gian tiếp tục đưa ra một lời khuyên khác: Trong gia đình khi xảy ra xô xát, thì ông chồng (với bản tính đàn ông) thường nóng nảy, giận dữ, thiếu kiềm chế thì vai trò của người vợ lúc đó rất quan trọng. Nếu người vợ cũng to tiếng, sẵn sàng cãi nhau tay đôi không chịu nhường thì không khí gia đình sẽ bị đẩy lên đỉnh điểm.
Chuyện “cả anh và em cùng nói, hàng xóm nghe” (và rất có thể bát đũa, nồi niêu bay qua cửa sổ) là một kết cục chẳng hay gì. Nhưng nếu người vợ biết giữ lời, nhường nhịn, “bớt lời” thì điều này không khác gì liệu pháp “rút củi đáy nồi”, giải tỏa nỗi bất hòa, làm cho tình hình dần trở lại bình thường. Cơn nóng qua đi, “ông xã” sẽ bình tâm mà nhận ra hành vi quá mức của mình và nhận ra điều hay lẽ phải, thông cảm với thái độ của vợ. Hòa bình được thiết lập trở lại. “Cuộc đời vẫn đẹp sao!”
Nhưng lại có một biến thể “hơi khác” mà tôi vừa dẫn ở đầu bài này: “Cơm sôi bớt lửa, vợ chửa bớt làm”. Chính vế thứ hai (vợ chửa bớt làm) đang phân tán thành hai cách hiểu.
Cách hiểu thứ nhất, với những cô gái có chồng đang mang bầu (vợ chửa) thì phải hết sức giữ gìn để thai nhi được phát triển bình thường. Đó là: 1) ăn uống sao cho đúng cách, đủ dinh dưỡng, tuyệt đối không ăn những thức ăn lạ, những chất kích thích (ớt cay, rượu, bia, thuốc lá…); 2) không để mình rơi vào trạng thái căng thẳng về tinh thần và đặc biệt là 3) không lao động, làm việc quá sức. Bởi khi “bà bầu” vận động mạnh, mất nhiều năng lượng là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thai nhi.
Nhưng lại còn cách hiểu thứ hai nữa. Đó là lời khuyên về chuyện quan hệ tình dục với các cặp vợ chồng trong thai kỳ.
Cá tài liệu y học đều không nghiêm cấm việc quan hệ vợ chồng khi vợ mang thai. Nhưng các chuyên gia đều khuyến cáo là việc quan hệ tình dục trong ba tháng đầu tiên (thai mới hình thành, dễ bị tổn thương hoặc phát triển lệch lạc) phải hết sức thận trọng. Với phụ nữ bình thường, vẫn có thể quan hệ tình dục nhưng tránh thô bạo, phảinhẹ nhàng với những tư thế an toàn, vào thời điểm phù hợp và giảm số lần quan hệ. “Bớt làm” chính là mang nghĩa đó.
- Chữ và nghĩa: Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng
- Chữ và nghĩa: Nhìn miệng cho nhai…
- Chữ và nghĩa: 'Sáng tai họ, điếc tai cày'
Nói thêm một chút vè ngôn ngữ. Tiếng Việt có từ "làm", thường được sử dụng với nghĩa “dùng công sức tạo ra cái trước đó không có” (làm nhà, làm đồ chơi, làm bánh ...). Nhưng “làm” cũng kết hợp với các động từ để tạo ra một nghĩa mới: làm một bát (có nghĩa "ăn một bát"), làm một cốc (uống một cốc), làm một giấc (ngủ một giấc), làm một keo (vật một keo), làm một chuyến (đi một chuyến), làm một ván (chơi một ván), làm một bài (hát một bài), v.v... Trong đó, kết hợp làm một cái lại mơ hồ, đa nghĩa. Nó sẽ có nghĩa khác trong mỗi bối cảnh khác nhau. Có thể làm một cái là “ăn một cái bánh” (Thôi cứ làm một cái bánh đi cho đỡ mệt) hay “mua một cái ô tô” (Cưới xong rồi, nếu đủ tiền mình sẽ làm một cái ô tô). Và “làm một cái” cũng có thể là “(nam nữ) quan hệ một cái” (Em chiều anh, ta làm một cái đi!).
Như vậy, “vợ chửa bớt làm” đang phân tán thành hai hướng nghĩa. Nhưng dù nghĩa nào thì cũng đều theo một lập luận đồng hướng: Với người phụ nữ “bụng mang dạ chửa” thì các cặp uyên ương phải hết sức thận trọng trong chuyện “làm”.
Chỉ “bớt” một chút thôi em
Nhẹ nhàng, thận trọng mới nên “cơ đồ”
PGS - TS Phạm Văn Tình
Tags