(Thethaovanhoa.vn) - Đó không chỉ là cuộc “ghép đôi” lạ lùng - khi lần đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt Nam, nghệ thuật cải lương được kết hợp cùng xiếc để trở thành một vở diễn hoàn chỉnh. Xa hơn thế, “Cây gậy thần” cũng là sự dũng cảm và nỗ lực tột cùng của hai Nhà hát để hướng tới một cái đích không hề dễ: Đưa khán giả trở lại với một nền sân khấu đang “đóng băng” vì bệnh dịch.
“Chúng tôi vẫn nói với nhau: Lần kết hợp này không phải là một cộng một bằng hai mà phải là ba, thậm chí bốn, năm” - NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương VN cho biết - “Có đạt hiệu quả được vậy, chúng ta mới bù đắp lại gì mà Covid-19 lấy đi trong một năm lận đận”.
Bị động...
“Năm 2020 khởi đầu khá thuận lợi, khi chúng tôi liên tục có 3 suất diễn kín rạp từ mùng 2 Tết. Để rồi, tới ngày mùng 5, tất cả phải dừng lại vì dịch Covid-19 trong hàng tháng trời” - NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chia sẻ - “Chưa bao giờ, trong lịch sử ngành xiếc, chúng tôi gặp một cú sốc lớn như vậy. Thậm chí, vì không có doanh thu, nhiều diễn viên ngoài biên chế đã chấp nhận chia sẻ khó khăn bằng cách... lên đường về quê ăn Tết tiếp và không nhận lương, chúng tôi chỉ đóng bảo hiểm cho anh em”.
- Độc đáo vở cải lương - xiếc 'Cây gậy thần'
- Kết hợp nghệ thuật xiếc và cải lương trong vở diễn 'Cây gậy thần'
Con số thống kê được Liên đoàn Xiếc Việt Nam đưa ra khiến nhiều người giật mình: Tính đến giữa năm 2020, đơn vị này đã phải hủy 38 suất diễn: tại Đà Nẵng, Thanh Hoá, Hà Nội, Nghệ An...
Chỉ riêng về tiền in tờ rơi và quảng bá cho những suất diễn này, họ đã phải bỏ ra cả trăm triệu đồng. Chưa kể, cũng vì dịch bệnh, nhiều chương trình thường niên của Liên đoàn vào các ngày 8/3, 14/2 hay dịp biểu diễn phục vụ bế mạc năm học cho các trường cấp 1, cấp 2 cũng không thể diễn ra suôn sẻ.
Kịch bản tương tự cũng xảy ra với Nhà hát Cải lương Việt Nam. Là năm đầu tiên đảm nhiệm vai trò Quyền Giám đốc, NSND Triệu Trung Kiên từ sớm đã phác thảo hẳn một “chương trình hành động” cho năm 2020, với những điểm nhấn về nghệ thuật cũng như cơ chế mở để thu hút hợp đồng biểu diễn. Tất cả đã “sẵn nong sẵn né” - như lời anh - và bước đầu thể hiện tính hiệu quả tương đối trong những suất diễn đầu tiên sau Tết Dương lịch 2020. Để rồi, khi Covid-19 ập tới, tất cả những hợp đồng đã có đều phải hủy bỏ.
“Chúng tôi còn có một cái khó riêng, khi là Nhà hát trực thuộc Bộ VH, TT&DL hiếm hoi đang hoàn toàn không có rạp biểu diễn. Thiếu rạp, chúng tôi không thể tự bán vé, tự khai thác các chương trình của mình mà phải tìm cách đi ký hợp đồng trọn gói với từng doanh nghiệp hoặc cơ quan”- anh nói - “Và, chẳng có gì lạ khi tất cả đều... lắc đầu trong mùa dịch này”.
... phải thành chủ động
Chuyện của hai Nhà hát ấy cũng là câu chuyện chung của hàng loạt đơn vị sân khấu trên cả nước. Vốn đã loay hoay với cảnh “chợ chiều” từ nhiều năm nay, nền sân khấu Việt Nam lại càng có lắm tiếng... thở dài trước cú sốc mà Covid-19 mang lại.
Nhưng, như cách nói của NSND Tống Toàn Thắng, nhịp sống chậm trong thời Covid-19 khiến mỗi người đều có cơ hội nhìn lại mọi chuyện thấu đáo và rõ ràng. Trong quãng thời gian vắt óc để không “mất trắng” năm 2020, họ liên tục tổ chức tập luyện các tiết mục nhỏ, có dung lượng dưới 10 người (để phù hợp với nhịp giãn cách trong mùa dịch). “Chúng tôi bảo nhau: Tập, tập và tập. Bây giờ các ngành biểu diễn đang ngủ đông nhưng khi tan băng, ai chuẩn bị tốt hơn thì người đó sẽ có cơ hội cho mình”.
Rồi, một sáng kiến khác cũng được bổ sung: Khi hết đợt cách ly, thay vì chờ các trường học ký hợp đồng cho các em tới xem biểu diễn như trước kia, phía Liên đoàn chủ động đề nghị họ tổ chức luôn các chương trình bế giảng, liên hoan cuối năm học... tại rạp xiếc để theo dõi những tiết mục dành cho các em. Rồi, các chương trình biểu diễn định kỳ như Cướp biển 2020, Xiếc truyền thống... cũng được biểu diễn trong thời điểm sau giãn cách, chưa kể 3 đêm diễn tại Quảng Ninh trong chương trình Gala xiếc 3 miền 2020. Số đêm diễn “góp nhặt” ấy tính ra chỉ bằng khoảng 1/3 so với năm 2019, nhưng vẫn là một nỗ lực rất lớn để “ngược dòng” của những người làm nghệ thuật.
Còn với NSND Triệu Trung Kiên, quãng thời gian ngừng lại vì dịch bệnh cũng là thời điểm “dưỡng quân” và lên kế hoạch chuẩn bị. Như so sánh của anh, đó là giai đoạn mà Nhà hát Cải lương Việt Nam “chạy đua” cùng Covid-19. Khi hết giãn cách, họ kịp hoàn thành vở Bão ngầm, tham dự Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” để giành giải Bạc cho vở diễn và 4 huy chương vàng, bạc cá nhân. Rồi lại nghỉ - diễn - nghỉ tùy theo tiến độ của dịch bệnh. “Chúng tôi có số lượng đêm diễn bằng khoảng 50% so với năm ngoái” - NSND Triệu Trung Kiên cười - “Kèm theo đó là hàng loạt huy chương tại các cuộc thi tài năng cải lương, tài năng sân khấu, diễn tấu nhạc cụ dân tộc để vớt vát lại phần nào cho một năm kém vui”...
Để rồi, như một phép thử trong ước muốn kéo khán giả trực tiếp đến rạp trong giai đoạn cuối năm, cả hai Nhà hát ấy đã đi đến một quyết định đặc biệt: “Góp gạo thổi cơm chung” với Cây gậy thần.
Chung một mái chèo
“Góp gạo” ở đây ngoài góc độ về chuyên môn còn chính là câu chuyện kinh phí. Như chia sẻ, số tiền đặt hàng của Bộ VH,TT&DL cho các nhà hát hiện khá hạn chế trong bối cảnh hiện tại. Bởi vậy, thay vì dựng một vở tầm tầm, cả hai bên cùng quyết định gộp nguồn kinh phí lại để dựng một vở hoành tráng như Cây gậy thần, với lượng diễn viên lên tới cả trăm người.
Gắn với huyền tích về Chử Đồng Tử - Tiên Dung, vở diễn đặc biệt này đòi hỏi các diễn viên xiếc và cải lương đã phải trải qua một quá trình tập luyện rất công phu để tìm hiểu về nghệ thuật bạn. Cộng vào đó, 2 đạo diễn Triệu Trung Kiên và Tống Toàn Thắng cũng đã mất rất nhiều thời gian cho những sáng tạo và xử lý độc đáo của mình. Để rồi, khi công diễn từ giữa tháng 12, người xem không khỏi cất lên những tiếng ồ, à thú vị khi thấy sự “ghép đôi” này phát huy khá tốt hiệu quả của nó.
Ở đó, trên không gian sân khấu được mở rất rộng (không chỉ có sân khấu chính mà còn có 3 sân khấu nhỏ xung quanh), hàng loạt cảnh diễn độc đáo xuất hiện nhờ kết hợp các kỹ xảo đặc trưng của nghệ thuật xiếc, cũng như sự xuất hiện của một số diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Chẳng hạn, ở cảnh Chử Đồng Tử và Tiên Dung gặp gỡ, nhiều người đã bất ngờ khi cặp nhân vật chính này vừa ca cải lương vừa bước lên đu dây và được kéo lên không gian vòm của rạp. Hoặc, ở cảnh Chử Đồng Tử vượt biển trên chiếc thuyền độc mộc, con thuyền được “treo” lơ lửng giữa không trung, trong khi dàn thủy quái vây quanh (do các diễn viên xiếc thể hiện) lại không ngừng tìm cách đu lên thuyền... Rồi bên cạnh đó là các màn biểu diễn cách điệu từ ảo thuật, tung hứng và cả... xiếc thú – khi khá nhiều dê, trâu, lợn cũng được lên sân khấu trong những cảnh sinh hoạt đặc thù của dân làng...
“Chúng tôi dồn hết sức cho mục đích tối thượng – vốn cũng là niềm mơ ước của nhiều nhà hát: trực tiếp đưa khán giả tới rạp bằng chất lượng vở diễn của mình. Vẫn biết, đó là điều khó, nhưng nghệ sĩ cũng chỉ biết dốc hết những giọt mồ hôi của mình và chờ sự chia sẻ, đồng tình từ khán giả” - NSND Triệu Trung Kiên nói.
Như thế, với những người trong cuộc, câu chuyện “chung một mái chèo” giữa hai loại hình sân khấu ấy không chỉ là một sáng tạo nghệ thuật, mà còn là nỗ lực “phá băng” của hai nhà hát để tìm thêm những con đường đến với khán giả trong một giai đoạn lao đao.
Trí Uẩn
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021
Tags