(Thethaovanhoa.vn) - Nhà hát Sân khấu Nhỏ 5B (TP.HCM) vừa ra mắt vở kịch Bên đàng dệt mộng (kịch bản: Phạm Trường Long, đạo diễn: Quách Hồ Ninh) với sự tham gia diễn xuất của ê-kíp toàn diễn viên trẻ: Võ Minh Lâm, Như Huỳnh, Quốc Thịnh, Thanh Tuấn, Minh Tuyền, Thu Hiền, Nguyễn Sơn…
Lấy bối cảnh một làng nghề dệt nổi tiếng ở miền Tây, Bên đàng dệt mộng kể câu chuyện về những người thợ lành nghề quanh năm chăn tằm, ươm tơ, dệt vải, nhuộm lụa mong muốn giữ gìn tinh hoa nghề truyền thống.
Một ngày nọ, Hoàng - cậu sinh viên ngành dệt ở Sài thành - tìm về làng nghề thực tập, làm đề án tốt nghiệp. Mang trong mình hoài bão lớn: xây dựng thương hiệu và đưa lụa truyền thống Việt Nam vươn ra thế giới, Hoàng được những người thợ làng nghề yêu mến, tận tình truyền kiến thức, kinh nghiệm, bí quyết trong nghề dệt và nhuộm lụa.
Nhưng ân tình đó và cả mối tình chớm nở cùng cô thợ dệt tên Lụa đẹp nhất làng cũng không giữ được chân Hoàng. Gây dựng thành công “đế chế lụa” nhưng mải chạy theo những khoảng lợi nhuận khổng lồ, Hoàng sẵn sàng trộn lụa công nghiệp ngoại nhập vào lụa truyền thống được làm thủ công, gắn nhãn mác “lụa truyền thống” để đẩy giá lên nhiều lần…
Có thể dễ dàng nhận ra Bên đàng dệt mộng được gợi… cảm hứng từ scandal bán sản phẩm không rõ xuất xứ nhưng gắn nhãn mác và giá trị của “lụa tơ tằm Việt Nam” của một thương hiệu lụa gần đây. Tuy nhiên vở diễn không hoàn toàn là “sân khấu hóa” một câu chuyện thời sự mà còn gửi gắm thông điệp về niềm tin và tình người, về những trăn trở làm thế nào để giữ gìn, phát huy các làng nghề truyền thống đang dần mai một hiện nay.
Mượn “bài ca quay tơ” của nàng Quỳnh Nga trong vở cải lương kinh điển Bên cầu dệt lụa làm chủ đề vở diễn, nói lên tâm tình người dân làng nghề. Bên đàng dệt mộng vì thế cũng thấm đẫm chất cải lương, đặc biệt đảm nhận hai vai chính Hoàng và Lụa cũng là hai nghệ sĩ cải lương (Võ Minh Lâm và Như Huỳnh).
Ninh Lộc
Tags