Ảnh chiến trường của TTXVN - Những khoảnh khắc còn mãi: Sức mạnh của sự thật từ bộ ảnh của Lương Nghĩa Dũng

Thứ Sáu, 11/09/2020 19:14 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đã 45 năm trôi qua, kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhưng những khoảnh khắc hào hùng trên chiến trường chống Pháp, chống Mỹ... được ghi lại trong những bức ảnh của TTXVN vẫn in đậm trong lòng các thế hệ. Những bức ảnh ấy không chỉ đơn thuần là "ảnh tư liệu" mà đã trở thành những biểu tượng cho ý chí, sức mạnh, niềm tim của con người Việt Nam trong những giai đoạn lịch sử nước sôi lửa bỏng. Và do đó chúng mang những giá trị đích thực của nghệ thuật nhiếp ảnh.

Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng - Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V: Khoảnh khắc của mồ hôi và máu

Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng - Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V: Khoảnh khắc của mồ hôi và máu

Với bộ ảnh 'Những khoảnh khắc để lại', liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng (1934 - 1972) của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là gương mặt duy nhất được tôn vinh với giải thưởng Hồ Chí Minh ở lĩnh vực nhiếp ảnh.

“Một kho vàng” - đó là lời của nhà báo Chu Chí Thành khi nói về kho ảnh chiến trường của TTXVN được chụp bởi hàng trăm phóng viên chiến trường, trong đó có nhiều người đã hy sinh, trên khắp các mặt trận. Điều đáng mừng là từ “kho vàng” ấy đã bắt đầu có những bức ảnh quý giá, ghi lại khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ được trưng bày, được in sách...

Cho đến nay cùng với 2 giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật dành cho Lâm Hồng Long, Lương Nghĩa Dũng, còn có các giải thưởng Nhà nước dành cho các nhà nhiếp ảnh của TTXVN, mà gần đây nhất (năm 2017) là Hứa Kiểm và Lâm Tấn Tài. Những giải thưởng cao quý này là một minh chứng cho sự trường tồn với thời gian của ảnh chiến trường Thông tấn xã Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống TTXVN và Thông tấn xã Giải phóng đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu một cách tiếp cận giá trị kho ảnh chiến trường của TTXVN của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, cựu Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, bắt đầu từ những bức ảnh của Lương Nghĩa Dũng.

Năm 1996, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I với hai bức ảnh đặc sắc: Bác Hồ bắt nhịp Bài ca kết đoàn (1960) và Mẹ con ngày gặp mặt (1975). Tại đợt xét tặng năm 2017, lần thứ hai danh hiệu cao quý đó lại được trao cho tác phẩm của TTXVN với bộ ảnh Những khoảnh khắc để lại của nhà báo liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng. Bộ ảnh gồm 5 tác phẩm: Nữ pháo binh Ngư Thủy, Lửa vây máy bay Mỹ, Xốc tới, Xe tăng vào trận địaĐánh chiếm cứ điểm 365. Cũng trong đợt xét tặng này còn có 2 nhà nhiếp ảnh của TTXVN đoạt giải thưởng Nhà nước là Hứa Kiểm và Lâm Tấn Tài, tất cả đều là những bức ảnh được chụp trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Đấu pháo ở Dốc Miếu” của Lương Nghĩa Dung được trao Giải thưởng Nhà nước 2007

1. Còn nhớ, cách đây khoảng 15 năm, bức ảnh Đấu pháo ở Dốc Miếu của nhà báo liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng và bức ảnh Đánh chiếm Đồn Cái Keo của nhà báo Trần Bỉnh Khuôl được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt III. Lúc đó, với cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, tôi đã trình bày ngắn gọn về tác phẩm và sự nghiệp của hai tác giả trước Hội đồng cấp nhà nước và hy vọng nhiếp ảnh chiến tranh chống Mỹ cứu nước Việt Nam sẽ được khẳng định đúng vị trí với hai cánh chim đầu đàn là Trần Bỉnh Khuôl trong Nam và Lương Nghĩa Dũng ngoài Bắc.

Nhưng rất tiếc, khi bỏ phiếu, mỗi tác giả đều bị thiếu một phiếu!

Theo quy định, hồ sơ đăng ký dự giải thưởng nào thì phải giữ nguyên ở cấp đó. Ví như: Nếu tác phẩm không được Giải thưởng Hồ Chí Minh thì cũng không được chuyển xuống cấp Giải thưởng Nhà nước. Điều đó có nghĩa, hai anh Lương Nghĩa Dũng và Trần Bỉnh Khuôl sẽ không được danh hiệu gì. Chúng tôi phải lấy lý do vì hai anh đã hy sinh, không tự đăng ký hoặc đề nghị, nên Hội đồng đã nhất trí thông qua quyết định để tác phẩm của hai anh vào diện Giải thưởng Nhà nước.

Thật đáng tiếc, chỉ thiếu một phiếu thôi mà ta mất đi hai giải thưởng cao nhất trong nhiếp ảnh. Tôi tự trách mình chuẩn bị chưa kỹ và day dứt, nuối tiếc mãi. Để đến năm 2017, mới vơi đi một nửa. Một nửa nữa còn đau đáu về Trần Bỉnh Khuôl.

Chú thích ảnh
Tác phẩm Lửa vây máy bay Mỹ

2. Trước khi nói về những bức ảnh vô cùng giá trị của nhà báo Lương Nghĩa Dũng, tôi xin nói về rất nhiều cái khó của đợt xét tuyển 2017. Thứ nhất, đợt xét tuyển lần trước, bức ảnh Đấu pháo ở Dốc Miếu được coi như tác phẩm số một của tác giả Lương Nghĩa Dũng rồi. Liệu có thể tìm được bức ảnh nào hoặc cụm tác phẩm nào hay hơn, trội hơn, thuyết phục hơn?

Tôi trao đổi với nhà báo Lương Xuân Trường, con trai liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, về hướng tìm kiếm, ngoài cuốn sách Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn của Lương Nghĩa Dũng, xuất bản năm 2012, cần chọn lại các ảnh trọng điểm trong số hơn 2.300 ảnh của ông tại kho tư liệu Ban biên tập Ảnh.

Tôi đã trực tiếp tới Phòng tư liệu ảnh cùng với Trường dò tìm một lần nữa. May thay, chúng tôi đã tìm thấy bức ảnh Đánh chiếm cứ điểm 365. Ảnh mẫu cỡ 4x6 cm nhỏ, in quá đậm, đen kịt, mất hết chi tiết, trông bình thường như nhiều ảnh khác, nên chưa hề được khai thác. Tuy nhiên, khi soi kính lúp rồi phóng to, chỗ đen kịt ấy hiện lên mờ mờ như khói, mà đúng là khói đạn pháo còn đặc quánh chưa tan phủ kín lô cốt và thi thể người lính Sài Gòn.

Khâm phục sự lăn xả của anh, tôi thầm nói: Anh Dũng ơi! Cái chốt của seri ảnh là đây rồi. Thế là bộ ảnh Những khoảnh khắc để lại được hình thành. Đây là bức ảnh số 5, tột cùng bi tráng, tột cùng khốc liệt! Từ bức ảnh chốt ấy, chúng tôi chọn lựa thêm bốn ảnh khác tạo thành một tuyến thời gian đánh dấu từ những năm đầu cầm máy cho đến những ngày cuối cùng của anh tại mặt trận và một tuyến không gian được chuyển dịch từ Bắc vào Nam - nơi in dấu chân anh.
Và cuối cùng, 5 bức ảnh đó đã được trao giải Hồ Chí Minh năm 2017 gồm: Nữ pháo binh Ngư Thủy, Lửa vây máy bay Mỹ, Xốc tới, Xe tăng vào trận địaĐánh chiếm cứ điểm 365.

Chú thích ảnh
Tác phẩm Nữ pháo binh Ngư Thủy

3. Bức ảnh Lửa vây máy bay Mỹ cho thấy trận địa pháo cao xạ 100 ly đang nhả đạn vào máy bay phản lực Mỹ trên bầu trời tỉnh Hải Dương ngày 4/7/1967. Sự dữ dội của trận đánh thể hiện đậm nét ở đầu nòng pháo, lửa đạn sáng rực bung ra từng cụm khói khổng lồ vừa trắng, vừa đen. Đây là khẩu đội 2, phân đội 174 pháo cao xạ Hải Dương. Phía sau khẩu đội này là cả trận địa đồng loạt nổ súng, những quầng lửa, những đụn khói cuồn cuộn dâng cao. Rất hay là bên phải ảnh hiện lên một pháo thủ đội mũ sắt quấn nùn rơm và sau lưng đeo áo giáp rơm để tránh mảnh bom, đạn. Tất cả quyết tâm, tất cả sức mạnh của các chiến sĩ đều trút vào nòng súng. Hôm đó đơn vị hạ được hai máy bay phản lực Mỹ.

Bức ảnh được chụp từ độ cao của đài quan trắc radar. Tại điểm cao này rất nguy hiểm, dễ “ăn” tên lửa Mỹ. Do ham góc đẹp gần như duy nhất này tại các trận địa cao xạ ở đồng bằng mà Lương Nghĩa Dũng đã nhiều lần bị tên lửa hoặc bom hất xuống đất tới ngất xỉu.

Bức ảnh Nữ pháo binh Ngư Thủy được thực hiện trong bối cảnh: Cả đại đội Nữ pháo binh đang nghỉ trưa, anh Dũng và tôi mắc võng nằm trong nhà công sự rộng chừng 40-50 m2, sâu dưới bờ cát khoảng một mét rưỡi. Bỗng hồi kẻng báo động vang lên. Các cô gái từ trong hầm kèo lao ra ụ pháo, nhiều cô không kịp đội mũ sắt cũng lao vào nạp đạn. Tình hình gấp gáp, tàu chiến địch đã câu pháo vào đất liền, chúng vào gần, đã tới đúng tầm bắn của ta. Lệnh đại đội trưởng Nguyễn Thị The dõng dạc: "Chuẩn bị… bắn!" Thế là các khẩu đội rầm rầm nhả đạn.

Khi các nữ pháo binh khai hỏa thì máy bay do thám của đối phương phát hiện ra trận địa, bắn pháo khói xuống đánh dấu mục tiêu để pháo hạm ngoài biển bắn vào và máy bay phản lực lao tới dội bom. Thật không tưởng tượng nổi, chúng tôi lại gặp một trận đánh kép ác liệt như vậy. Chúng muốn tiêu diệt chúng tôi.

Chú thích ảnh
Tác phẩm Xe tăng vào trận địa

Mặc! Càng ác liệt chụp ảnh càng đã. Tôi chụp một khẩu đội, anh Dũng một khẩu đội. Tôi nhăm nhăm đợi đầu nòng pháo lóe lửa thì bấm máy, nhưng ảnh bị rung, nhòa do bom nổ gần dữ quá. Còn anh Dũng đặc tả các nữ pháo thủ trong lúc khẩu pháo chồm lên, khói đạn phụt ngược ổ nạp đạn ra phía sau. Ảnh do Nghĩa Dũng chụp đẹp bất ngờ, thấy rõ hai nữ pháo binh trẻ khỏe với chiếc cặp ba lá trên mái tóc búi gọn đang nạp đạn, giật khóa súng, dáng vẻ đầy bình tĩnh, tự tin. Một vẻ đẹp khỏe khoắn của những cô gái vùng biển, giữ làng, giữ nước mà trước và sau đó không ai chụp được. Hết trận đánh, chúng tôi quay về công sự thì thấy đầu võng của Nghĩa Dũng bị mảnh bom phạt đứt một miếng to. Anh Dũng cười ha hả: "Mình còn nằm trong hầm thì toi rồi Thành ạ!"

Những năm chiến tranh, đêm đêm có các toa tàu quân sự chở xe tăng bọc vải bạt rời ga Hàng Cỏ chạy dọc đường Nam Bộ, qua Công viên Thống Nhất, Hà Nội vào Nam. Nói là vào Nam nhưng đường tàu chỉ đến Quảng Bình là hết, còn sau đó xe tăng vào Quảng Trị bằng đường nào lại là chuyện bí mật. Bức ảnh Xe tăng vào trận địa của Nghĩa Dũng chụp năm 1971 đã hé lộ một phần bí mật đó.

Khe Sanh, Quảng Trị - mặt trận hiểm hóc, ác liệt, muốn đè bẹp đối phương phải có tăng thiết giáp. Ém tăng ở bìa rừng, bí mật xuất hiện bất ngờ sẽ cầm chắc chiến thắng. Bức ảnh cho thấy, hai chiếc xe tăng gặp đoạn đường lầy phía Đông Trường Sơn. Bộ đội và dân quân gấp rút khênh vác gỗ đến ứng cứu. Nổi bật phía trước nòng pháo là hai chiến sĩ khênh một cây gỗ to dài trên vai, chân lội bùn ngập tới đầu gối. Hút sâu giữa ảnh là một chiến sĩ xe tăng đang dấn bó gỗ cành xuống bùn trước bánh xích, bên cạnh có một nữ dân quân vác bó gỗ cành đến hỗ trợ. Từ trong xe, chiến sĩ lái xe tăng ló ra, mặt lộ vẻ bồn chồn… Tăng không thể rẽ ngang tùy tiện, mà phải đi theo đường công binh chỉ dẫn, nếu chệch đường là vấp mìn, đường lầy cũng phải khắc phục vượt qua. Không có địch rình mò trên trời, thì lại có địch lẩn khuất dưới đất. Nhìn qua tưởng là bình yên mà thực sự đầy cam go, nguy hiểm. Đây cũng là một bức ảnh đẹp hiếm thấy về binh chủng tăng thiết giáp.

Chú thích ảnh
Tác phẩm Xốc tới

Bức ảnh Xốc tới nổi bật với hai chiến sĩ Giải phóng đội mũ tai bèo đang truy kích địch tại mặt trận Đường 9. Con đường mòn dưới chân họ ngổn ngang dấu tích của một trạm gác bị trúng đạn và xác lính đối phương. Hai chiến sĩ đang lao về phía trước, một người ôm súng AK, một người ôm khẩu B40, quanh thân họ được nai nịt lựu đạn, bi đông nước, dụng cụ cá nhân… Sự đối lập hình ảnh giữa một bên là bước chân quân Giải phóng và một bên là xác địch bất động chắn ngang đường đã tạo nên sự tương phản mạnh về một tình huống chiến tranh. Tại Đường 9, Lương nghĩa Dũng đã nhiều ngày đi cùng và chụp ảnh các trận đánh của đại đội Lê Mã Lương, đơn vị mũi nhọn của mặt trận.

Bức ảnh Đánh chiếm cứ điểm 365 cho thấy sự khốc liệt tột cùng của chiến tranh. Chiều 30/3/1972, mở màn cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị, Đại đội 1 tiểu đoàn Sơn Mỹ quân Giải phóng Quảng Trị tiến đánh cứ điểm 365. Được pháo binh yểm trợ, sau 30 phút tấn công, vào 17 giờ 30 phút, cứ điểm này đã bị tiêu diệt.

Chú thích ảnh
Tác phẩm Đánh chiếm cứ điểm 365

Trận mở màn phải thắng là quyết tâm của bộ đội. Trận mở màn phải có ảnh là tâm nguyện của Lương Nghĩa Dũng. Anh đề nghị với lãnh đạo chiến dịch cho mình bám sát mũi tấn công. Bởi vậy, khi thấy ba chiến sĩ lao lên cửa lô cốt trong khói đạn mù mịt, anh đã nhanh chóng lấy được khuôn hình chuẩn xác và bấm máy. Đây là thời điểm gay cấn nhất, trong bắn ra, ngoài bắn vào, mà thường ở ngoài trời dễ ăn đạn hơn; cũng là thời điểm bất lợi nhất cho các chiến sĩ công đồn và là thời điểm nguy hiểm nhất đối với phóng viên ảnh.

Bức ảnh thể hiện rõ nét sự dũng cảm tuyệt vời của người lính xung kích, đồng thời cũng cho thấy sự quả cảm xả thân của người chụp ảnh. Nguy hiểm là vậy mà anh vẫn theo sát bộ đội đến ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị. Anh vẫn kịp gửi về Hà Nội những cuộn phim đánh chiếm thị xã Quảng Trị. Nhưng định mệnh khắc nghiệt, sau trận mở màn chiến dịch Quảng Trị, sau bức ảnh để đời này tròn hai tháng, phóng viên ảnh xông xáo của chúng ta đã phải buông tay máy tại phía Nam huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, khi đang cùng đơn vị xe tăng truy kích địch!

CÁC TÁC GIẢ CỦA TTXVN ĐƯỢC TRAO TẶNG GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀ GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC

I. GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH

1. Tác giả Lâm Hồng Long với tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” và tác phẩm “Mẹ con ngày gặp mặt”, giải thưởng năm 1996.

2. Tác giả Lương Nghĩa Dũng với bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại” gồm: “Lửa vây máy bay Mỹ”, “Nữ pháo binh Ngư Thủy”, “Đưa xe tăng vào trận địa”, “Xốc tới”, “Đánh chiếm cứ điểm 365”, giải thưởng năm 2017.

II. GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC

1. Tác giả Văn Bảo với tác phẩm “Từ ‘thần sấm’ xuống xe trâu”, giải thưởng năm 2007.

2. Tác giả Vũ Đình Hồng với hai tác phẩm: “Bác Hồ thăm đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đang trực chiến” (năm 1966), “Bác Hồ với các anh hùng chiến sỹ thi đua các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc” (năm 1965), giải thưởng năm 2007.

3. Tác giả Võ An Khánh với các tác phẩm: “Phóng lựu đạn vào đồn địch, một phát minh độc đáo của chiến tranh nhân dân”, “Hàng vạn nhân dân 3 xã Trần Thới, Phú Mỹ, Tân Hưng Đông biểu tình tuần hành ủng hộ bản tuyên bố 8 điểm với thiện chí hoà bình của đoàn đại biểu tại hội đàm Pari”, “Trạm Quân y dã chiến”, giải thưởng năm 2007.

4. Tác giả Lương Nghĩa Dũng với tác phẩm “Đấu pháo ở Dốc Miếu” (năm 1968), giải thưởng năm 2007.

5. Tác giả Vũ Tạo với tác phẩm “Hiên Ngang”, giải thưởng năm 2007.

6. Tác giả Trần Bỉnh Khuôl với các tác phẩm: “Tấn công đồn Cái Keo, huyện Đầm Dơi, Cà Mau”, “Du kích Cà Mau kéo pháo để tấn công và chiếm cứ điểm Cái Keo của Quân Nam Việt Nam 1965”, giải thưởng năm 2007.

7. Tác giả Dương Thanh Phong với các tác phẩm: “Niềm hạnh phúc trong khắc nghiệt của chiến tranh” (năm 1969), “Khiêng nhà về làng cũ”, “Du kích đội rơm ngụy trang tiếp cận địch” (năm 1966), “Binh lính Sài Gòn hốt hoảng trút bỏ quân trang quân dụng tháo chạy trong ngày 30/4/1975”, giải thưởng năm 2007.

8. Tác giả Hoàng Văn Sắc với các tác phẩm: “Đường ra tiền tuyến” (năm 1968), “Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc” (năm 1969), giải thưởng năm 2007.

9. Tác giả Lê Minh Trường với tác phẩm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (năm 1966), giải thưởng năm 2007.

10. Tác giả Đinh Ngọc Thông với tác phẩm “Chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ đọc thư nhà dưới chiến hào” (năm 1954), giải thưởng năm 2007.

11. Tác giả Chu Chí Thành với bộ ảnh “Từ ngục tối thắng lợi trở về” gồm 4 bức ảnh: “Nghẹn ngào đón mừng chiến sỹ thắng lợi trở về” (Quảng Trị, năm 1973), “Hạnh phúc của những người chiến thắng” (Trung tá Nguyễn Minh Sang và vợ - chị Nguyễn Thị Hà cán bộ địch hậu gặp nhau sau 13 năm cùng bị cầm tù trong các trại giam Mỹ ngụy – Quảng Trị năm 1973), “Thoát khỏi ngục tù” (sông Thạch Hãn, Quảng Trị, mùa xuân năm 1973), “Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng” (Quảng Trị năm 1973), giải thưởng năm 2012.

12. Tác giả Hứa Kiểm với bộ ảnh “Đường 20 - Quyết thắng” gồm 5 bức: “Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sỹ lái xe”, “Công binh vượt lầy”, “Chiến sỹ Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, lái xe vượt Đường 20 - Quyết thắng”, “Mở đường tại ngầm Tà Lê sau trận bom của máy bay B52 Mỹ”, “Xe qua cua chữ A - một trọng điểm ác liệt trong cụm liên hoàn ATP” (cua chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Phu La Nhích trên Đường 20 - Quyết thắng), giải thưởng năm 2017.

13. Tác giả Lâm Tấn Tài với 5 bức ảnh: “Công binh mở đường Trường Sơn cho xe qua”, “Vượt Trường Sơn”, “Biệt động Sài Gòn”, “Hiệp định Paris 1973, Mỹ rút quân”, “Thần tốc tiến về Sài Gòn”, giải thưởng năm 2017.

Chu Chí Thành

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›