(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận nói chung đang rất quan tâm đến việc Liên minh châu Á vì động vật (Asia For Animals Coalition - AFA) có thư gửi Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện kêu gọi cấm dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc.
- Liên đoàn xiếc Việt Nam sẽ giảm xiếc thú hoang dã
- Về việc 'cấm biểu diễn xiếc thú' ở Việt Nam: AfA không hẳn là vô lý
- Phản cảm "xiếc thú" trong trường học
Nhưng với những người đang hoạt động trong ngành này, đặc biệt là bộ môn xiếc thú thì đây là “việc cũ, biết rồi nói mãi”. Bởi ngoài gửi thư, tổ chức này đã đã từng cử người đến tận các rạp xiếc, các đoàn xiếc lưu động, vườn thú, khu du lịch để… "điều tra" về đời sống của các "nghệ sĩ không biết nói".
Từ xiếc ở địa phương đến xiếc trung ương
Năm 2016, AFA cũng đã gửi công văn tới ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Cần Giờ khuyến nghị dừng biểu diễn xiếc thú, sau khi các điều tra viên của tổ chức này ghi lại được những hình ảnh động vật bị bắt biểu diễn những trò diễn nguy hiểm, không đúng với các hành vi tự nhiên của chúng; chó bị bắt nhảy qua vòng lửa; khỉ bị bịt mắt và bắt đi xe đạp; động vật bị bệnh ngoài da và vết thương hở; khỉ tỏ ra sợ hãi người quản trò cầm roi...
Trong công văn gửi lãnh đạo UNESCO ở Việt Nam, ban quản lý Khu DTSQ Cần Giờ cho biết: “Thông qua mô hình xiếc thú, chúng tôi muốn chuyển đến du khách một thông điệp hãy quý trọng thiên nhiên và yêu mến các loài động vật, rằng chúng rất hòa đồng, thân thiện với con người. Những con thú chúng tôi sử dụng biểu diễn xiếc được chăm sóc với chế độ đặc biệt, được những chuyên gia huấn luyện bài bản một cách nhẹ nhàng, tuyệt đối không có tình trạng đánh đập, ngược đãi trong quá trình huấn luyện hay biểu diễn xiếc”.
Vào tháng 3/2017, AFA tiếp tục tiến hành quan sát và phát hiện tại Khu DTSQ Cần Giờ vẫn đang tồn tại các hoạt động biểu diễn xiếc thú.
Ông Dave Neale, Giám đốc Phúc lợi Động vật của AFA cho rằng: "Hoạt động biểu diễn này rõ ràng không có tính giáo dục - đây là hành vi bóc lột động vật tàn nhẫn và cần phải chấm dứt. Các buổi biểu diễn này sẽ cho các em thiếu nhi thấy rằng động vật hoang dã tồn tại để tiêu khiển cho con người, để bị mặc quần áo, bắt diễn trò, để mọi người cười vào, mà không quan tâm gì đến những thứ tốt nhất cho loài vật...".
Cuối năm ngoái, ông Dave Neale cũng đã đích thân đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam khảo sát và về đời sống của các "nghệ sĩ động vật".
NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN vẫn còn nhớ như in lần tiếp đón Dave Neale, ông kể lại rằng, sau khi thăm thú cơ sở vật chất và tận thấy cuộc sống của các thú đang được chăm nuôi ở Liên đoàn, Dave Neale đã có những lời khen dành cho Liên đoàn. Ông nói: "Chúng tôi thấy yên tâm với cơ sở vật chất của các bạn. Ở đây động vật được nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ tốt hơn nhiều so với một số cơ sở mà chúng tôi đã tìm đến khảo sát".
Thế nhưng, trong buổi tiếp xúc với Thể thao & Văn hóa mới đây, NSƯT Tống Toàn Thắng lại đưa ra một tập tài liệu dày hơn 20 trang, là kết quả của cuộc điều tra của AFA về việc các động vật hoang dã, trong đó có các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng "bị ép buộc phải thực hiện các trò diễn xiếc phi tự nhiên, hạ thấp giá trị của động vật tại các vườn thú và rạp xiếc khắp Việt Nam (trong đó có các động vật thuộc biên chế của Rạp Xiếc Trung ương)".
Báo cáo cho biết trong quá trình thu thập thông tin, nhóm điều tra "đã chứng kiến động vật biểu diễn xiếc có những vết thương rõ ràng, động vật trong tình trạng gầy, thiếu cân nghiêm trọng, có những biểu hiện gây tổn thương và sợ hãi khi người huấn luyện cầm roi bước tới gần".
Và căn cứ vào những thông tin ấy, báo cáo cho rằng "ngành công nghiệp này tạo ra lợi nhuận từ mạng sống của động vật và không mang lại lợi ích tốt đẹp. Ngành này sẽ lụi tàn và trở thành quá khứ, hoặc nó sẽ dẫn tới một kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp giải trí tàn ác quy mô lớn”.
Ngoài khảo sát tại các rạp xiếc cố định là Rạp Xiếc Trung ương tại Hà Nội và Rạp Xiếc TP.HCM, AFA còn thống kê, khảo sát về đời sống động vật ở các công viên giải trí, vườn thú, đoàn xiếc lưu động và các khu du lịch, các công ty cho thuê động vật biểu diễn xiếc thú.
Theo đó, tính tới tháng 8/2017 Việt Nam có 16 cơ sở được xác định sử dụng động vật biểu diễn xiếc. Có 19 loài động vật được sử dụng và trong đó khỉ là động vật biểu diễn xiếc phổ biến nhất (13 cơ sở).
Cùng với đó, báo cáo đưa ra những nhận định rằng phúc lợi cho động vật trong các rạp xiếc là rất kém.
Những "cáo buộc"
Cụ thể về công tác huấn luyện thú, nhiều huấn luyện viên đã sử dụng phương pháp “huấn luyện tiêu cực”, bằng cách trừng phạt chúng thông qua tác động về thể chất hoặc không cho ăn khi chúng không nghe lệnh hoặc không thực hiện trò xiếc được yêu cầu. Việc sử dụng uy thế, nỗi sợ hãi và đánh đập có xu hướng gây ra ảnh hưởng tiêu cực cả trong ngắn hạn lẫn ảnh hưởng lâu dài, tới phúc lợi động vật.
Đặc biệt, ở các đoàn xiếc lưu động, động vật bị nhốt trong các chuồng nhỏ, khiến chúng vận động rất hạn chế và thậm chí không có nước uống. Chúng phải chịu đựng do bị di chuyển thường xuyên và bị căng thẳng do những thay đổi liên tục về môi trường, tần suất biểu diễn.
Báo cáo còn chỉ ra những “mối nguy” khác như chế độ ăn kém, thực đơn không phù hợp, bị stress, nguy cơ lây nhiễm các bệnh từ động vật sang người và thiếu an toàn cho khán giả…
Tranh cãi về khuyến nghị của AFA
Từ đó, AFA đã đưa ra 8 khuyến nghị gửi đến các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý động vật hoang dã nuôi nhốt ở Việt Nam, trong đó có các rạp xiếc. Dư luận, đặc biệt là không ít người trong nghề cảm thấy... "sốc" với khuyến nghị 2 và khuyến nghị 4.
Cụ thể, khuyến nghị 2 nêu rõ: "Truy tố các chủ rạp xiếc vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về việc sử dụng động vật trong nhóm IB cho mục đích thương mại theo Điều 6 của Nghị định 32 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm…". Khuyến nghị 4 tiếp tục nhắm tới ngành xiếc: "Cấm sử dụng tất cả các loài động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc, nơi động vật bị ép thực hiện các hành vi trái với những hành vi tự nhiên của chúng".
Ngoài ra, theo tác giả của báo cáo, nếu chấm dứt việc đưa các động vật hoang dã trong các tiết mục xiếc, nó không chỉ mang lại lợi ích cho động vật mà cho cả Việt Nam. "Kết thúc đó sẽ cho thấy Việt Nam là một quốc gia hiện đại, có suy nghĩ và tiến bộ. Nó cũng cho thấy những hành vi tàn ác với động vật không có chỗ đứng trong tương lai của đất nước" (trích từ báo cáo).
Bên cạnh những ý kiến đánh đánh giá cao những nỗ lực của AFA trong việc khảo sát, đưa ra những khuyến nghị nhằm bảo vệ động vật, để động vật cũng được đối xử bình đẳng như con người về điều kiện vật chất, cũng như tinh thần, nhiều ý kiến cho rằng, quan điểm tất cả động vật đang được nuôi dưỡng, chăm sóc và "dạy nghề" ở các rạp xiếc đều bị "áp bức, bóc lột" là chưa thực sự khách quan, hay nói cách khác là "vơ đũa cả nắm".
Cần xem xét một cách khách quan “Nên hay không nên cấm xiếc thú là một câu hỏi lớn mà để trả lời được câu hỏi này, cần phải xem xét vào nhiều yếu tố một cách khách quan, toàn diện chứ không thể nghe ai đó phản đối, khuyến nghị đã vội thả thú về rừng. Ngược lại, chúng ta cũng không thể coi thường những khuyến nghị ấy để rồi lơ là việc bảo vệ động vật hoặc bạo hành động vật dưới mọi hình thức…” (Phát biểu của NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN) |
Kỳ 2: Những “nghệ sĩ động vật” được đối đãi thế nào?
Phạm Huy
Tags