(Thethaovanhoa.vn) - Trên khắp thế giới, các sự kiện văn hóa đang bị hủy bỏ do đại dịch COVID-19. Một số thính phòng hòa nhạc đang cố gắng đối phó với tình thế này bằng cách chia sẻ các màn trình diễn không có khán giả và livestream trên mạng.
Nhà hát opera nổi tiếng thế giới Teatro La Fenice ở Venice vẫn yên tĩnh đến lạ thường khi bộ tứ đàn dây Dafne bước vào sân khấu. Các nhạc sĩ bước lên và cúi chào - mặc dù thực tế là trong phòng hòa nhạc lớn có thể chứa hơn 1.000 người này không hề có khán giả. Khi 4 nghệ sĩ ngồi vào chỗ, nghệ sĩ violin Federica Barbali không thể không cười thầm trước tình huống khó xử và bất thường.
“Tôi đang ở nhà” & “Âm nhạc sẽ không kết thúc”
Trong một khoảnh khắc, bạn có thể nghe thấy tiếng động khẽ nhất trong nhà hát mang phong cách kiến trúc Rococo tuyệt đẹp này.
Nhóm tứ tấu Dafne bắt đầu chơi chuỗi tứ tấu số 4 của nhà soạn nhạc thiên tài Đức Ludwig van Beethoven. Và khi âm nhạc lấp đầy khoảng trống, bạn đột nhiên được nhắc nhở về thực tế rằng bạn đang xem chương trình hòa nhạc này một cách thoải mái tại nhà riêng của mình.
- Đông đảo nghệ sĩ tổ chức hòa nhạc trực tuyến miễn phí giữa đại dịch Covid-19
- BTS hủy các màn hòa nhạc ở Seoul do dịch COVID-19 bùng phát
Nhà hát Teatro La Fenice quyết định phát trực tiếp buổi hòa nhạc trực tuyến trong bối cảnh Italy đang bị phong tỏa toàn quốc vì dịch COVID-19 bùng phát. Các sự kiện văn hóa đã bị hủy bỏ trên khắp Italy và châu Âu trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Song điều đó không có nghĩa là tất cả sinh hoạt công cộng phải ngừng lại và nhằm đảm bảo đời sống văn hóa vẫn tiếp tục, các nhà tổ chức đang đưa ra những định dạng mới để truyền tải các sự kiện của họ.
Trên Twitter, buổi hòa nhạc của nhóm tứ tấu Dafne tại Nhà hát Teatro La Fenice là một trong nhiều điều được chia sẻ với từ khóa “#iorestoacasa” (tạm dịch: “Tôi đang ở nhà”).
Người dân khắp Italy đang sử dụng từ khóa này để nói về cuộc sống của họ trong điều kiện cách ly và thể hiện tình đoàn kết với những người bị mắc COVID-19.
Khán giả còn thể hiện tinh thần đoàn kết trong quá trình xem màn diễn của nhóm tứ tấu Dafne khi phải biểu diễn trong hoàn cảnh độc đáo như vậy. Khi khán giả trực tuyến tiếp tục bình luận về buổi biểu diễn, chủ yếu bày tỏ lòng biết ơn khi được thưởng thức buổi hòa nhạc tuyệt vời, một cư dân mạng nhắc nhở những người xem khác rằng họ vẫn đang xem một buổi biểu diễn âm nhạc như thể họ đang ở trong nhà hát.
Cho đến nay, nhóm tứ tấu Dafne không phải là nhóm nhạc sĩ cổ điển duy nhất dùng đến việc phát trực tuyến như một sự thay thế trong thời điểm đầy tính thử thách này.
Vào đầu tháng 3, Dàn nhạc giao hưởng Giuseppe Verdi ở Milan cũng bị buộc phải trình diễn trong một khán phòng trống vắng khán giả và phát trực tuyến buổi hòa nhạc. Và từ khóa mà dàn nhạc chọn trong màn phát trực tuyến này không thể nên thơ hơn: “#Lamusicanonsiferma” - âm nhạc sẽ không kết thúc.
Trong khi đó, ở đất nước Thụy Sĩ láng giềng, Dàn nhạc Lucerne đã phải tìm một giải pháp khác. Sau khi trở về từ một chuyến lưu diễn ở miền Bắc Italy hồi tháng trước, tất cả các nhạc sĩ trong dàn nhạc đều bị cách ly. Đối mặt với vấn đề bị đảo ngược, cụ thể là có một khán phòng kín khán giả nhưng không có dàn nhạc để chơi trong buổi biểu diễn vở opera Salome của Richard Strauss, Ban tổ chức đã quyết định áp dụng biên pháp thay thế đơn giản: đệm piano thay cho dàn nhạc.
Phát trực tuyến không phải một giải pháp bền vững?
Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19 này, không có quốc gia nào trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề như Trung Quốc, nơi Dàn nhạc giao hưởng Thượng Hải cũng bị buộc phải hủy các buổi diễn. Thay vì biểu diễn trên sân khấu, nhiều nhạc sĩ đã chia sẻ các video về việc luyện tập của họ ở nhà, cũng như nhiều video hướng dẫn trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc.
Chưa kể hồi tháng 1, các bảo tàng ở Trung Quốc đã bắt đầu chia sẻ trên mạng xã hội về các bộ sưu tập với hy vọng giúp những người đang bị cách ly vượt qua sự nhàm chán.
COVID-19 cũng đang tấn công nước Đức nên nhiều nhà hát và thính phòng hòa nhạc đã quyết định thực hiện các biện pháp phòng ngừa tại các cuộc tụ họp công cộng lớn theo hướng dẫn của khu vực. Tại Cologne, Dàn nhạc Gurzenich đã hủy bỏ tất cả các sự kiện dự kiến đón hơn 1.000 khán giả theo khuyến nghị của Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho đến khi thoát dịch COVID-19.
Geoffry Wharton, vị nhạc trưởng của Dàn nhạc Gurzenich trong hơn 30 năm, nói rằng trong sự nghiệp của mình, ông chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì giống như các biện pháp được thực hiện trong thời gian này.
“Tôi đã chứng kiến nhiều màn nhạc phải hủy bỏ nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng như thế này. Trải nghiệm gần đây nhất của tôi là vào ngày 11/9/2001 (ngày nước Mỹ bị tấn công khủng bố). Ngày hôm đó, không ai biết cần làm gì cho phù hợp. Người ta rõ ràng đã nghĩ đến việc hủy bỏ buổi hòa nhạc nhưng các nhạc sĩ đều đã có mặt và các nhà tổ chức đã nghĩ đến việc thay đổi chương trình. Nhưng sau đó, màn hòa nhạc vẫn không bị hủy” - nhạc sĩ kiêm nhà soạn nhạc Mỹ Geoffry Wharton chia sẻ với DW.
Giống như các dàn nhạc ở Italy, Dàn nhạc Gurzenich cũng quyết định rằng, thay vì hủy bỏ, họ lựa chọn sẽ phát buổi hòa nhạc trực tiếp trên mạng. Wharton nói rằng ông rất vui khi thấy dàn nhạc đang thử nghiệm những điều mới. Tuy nhiên, theo ông về lâu dài đây không phải là một giải pháp bền vững.
“Thật tuyệt khi họ đã làm theo cách này, nhưng thực tế công chúng yêu nhạc vẫn muốn được thưởng thức các màn diễn trong thính phòng hòa nhạc. Và khi họ phải ở nhà trong nhiều tháng, mô hình phát trực tiếp có thể không phải là một giải pháp khả thi. Tôi còn lo lắng khi rất nhiều đồng nghiệp và bạn bè của tôi là nghệ sĩ tự do. Không ai biết những gì thực sự sẽ xảy ra với các nhạc sĩ tự do khi các màn hòa nhạc không thể tổ chức được như bình thường” - Wharton nói.
Việt Lâm (Tổng hợp)
Tags