(Thethaovanhoa.vn) - Đây là lời của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng khi nhìn về một số ứng xử, một số hiện tượng (có thể là) chưa hay, còn chướng tai gia mắt trong một số đám tang… rồi bị các nhận định chủ quan nâng lên thành “sự suy đồi đạo đức” hoặc quy luật chung của văn hóa Việt.
Tang lễ đã là một phần tất yếu của nhân loại và người Việt, mà tùy theo truyền thống và hoàn cảnh sống, người ta có cách ứng xử khác nhau. Như nhiều đám tang ở Nam bộ chẳng hạn, người ta đã tiếp cận với thái độ khá an nhiên, bình thản, thậm chí vui vẻ, nhưng không phải tất cả đều như vậy.
Sống gởi thác về
Nhà nghiên cứu Lý Lược Tam cho rằng: “Sở dĩ một bộ phận đông đảo người Nam bộ tiếp cận với đám tang khá bình thản là vì tính khí của họ đã thay đổi theo hoàn cảnh sống.
Những người di cư từ miền Trung vào miền Nam từ nhiều thế kỷ trước, họ vẫn gìn giữ nhiều tập tục cũ, nhưng đã biết nhìn đời sống nhẹ nhàng, phóng khoáng hơn. Cái ăn cái mặc và sự đi lại đã không còn là áp lực quá lớn, nên với các nghi lễ gia tiên cũ, dần dà cũng ứng biến theo. Trong đó có cả việc nhìn nhẹ nhàng về cái chết, bởi một phần do đời sống mưu sinh dễ dàng, sự vắng mặt một người không là áp lực, một phần do quan niệm “sống gởi thác về”.
“Sống gởi thác về” chịu ảnh hưởng một phần từ quan niệm của nhà Phật, vốn xem cuộc đời chỉ là cõi tạm thời; Nam bộ có nhiều người Khmer sinh sống, họ vốn trưởng thành trong giáo dục của Phật giáo. Chính vì vậy, làm sao để sống một đời nhẹ nhàng, vui vẻ, tốt đẹp, để khi chết đi được thanh thản vẫn quan trọng hơn. Nhiều tang lễ với người Nam bộ là tốt lành, vì người ra đi đã thực sự “mãn phần” (tạm hiểu: viên mãn với phần của mình), nên không có gì làm buồn.
Một phần khác, đó là do con nước ở Nam bộ lên xuống rất nhanh, rồi mùa nước nổi, nên “tử là táng”, nhiều người chết buổi trưa thì buổi chiều đã chôn xong, vì lúc ấy nước đang ròng. Nhiều khi con cháu ở Sài Gòn chạy về (chỉ nửa hoặc một ngày đường) thì mồ yên mả đẹp rồi, nên niềm bi thương, sự tiếc nuối khó được cộng hưởng lớn tại đám ma. Tang ma ở Nam bộ vẫn đủ lễ, nhưng rút gọn, nên qua thời gian, mọi thứ trở nên gọn gàng, nhẹ nhàng hơn. Tuy vậy, nhưng tại Nam bộ vẫn còn khá nhiều đám tang đầy đủ các nghi lễ và ban bệ, có khi còn rình rang hơn Trung bộ, Bắc bộ”.
Âm dương đồng nhất lý
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng: “Người Nam bộ chịu nhiều ảnh hưởng bởi triết lý “Sự tử như sự sinh/ Sự vong như sự tồn” (chết như sinh, mất như còn) nên xem sống chết khá bình thường. Tất nhiên căn bản đám ma thì buồn, nhưng với những người đã thực sự hưởng thọ (bước qua tuổi 60), đã tạm hết những nợ đời, mà chết bình yên thì không cần phải quá bi lụy như những trường hợp chết bất đắc kỳ tử, chết yểu.
Nhiều đám tang ở Nam bộ vẫn diễn ra đúng bài bản như ở Trung bộ ngày xưa, nhưng cũng có nhiều trường hợp đã cải biến theo hoàn cảnh sống. Gần đây thì còn nhiều cải biến hơn như việc đưa ca nhạc tạp kỹ, xiếc… vào ban đêm, không khí rất náo nhiệt - tôi chưa nghiên cứu chuyện này nên khó trả lời. Chứ như trước đây, việc các gánh cải lương, hát tuồng đến biểu diễn đưa tang thì cũng là các tuồng tích mang triết lý về sống chết, về siêu thoát, cực lạc. Nhìn chung người Nam bộ thiên về quan niệm “âm dương đồng nhất lý” sống sao chết vậy, nên nhiều tang ma gần như là cuộc mô tả lại các hoàn cảnh mà người chết từng sống, đôi khi vui vẻ, nhẹ nhàng”.
Một địa chỉ mai táng ở TP.HCM (muốn giấu tên) cho biết một số gia chủ khi đến thuê tổ chức đám tang đã có vài yêu cầu đặc biệt, trong đó có chuyện tìm các vũ nữ nhảy khỏa thân, nhưng số này không đông. Hiện nay ở TP.HCM và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, ở nhiều đám tang (không phải tất cả), ngoài biểu diễn võ, ảo thuật, bài bạc, cá độ bằng cách đá gà, đá dế… vẫn hiện diện những cảnh múa khỏa thân. Tuy nhiên, những điều này thường không phản ánh ý muốn của gia chủ và cũng không được chính quyền và dư luận đồng tình. Các “gánh tạp kỹ” này hoạt động tự phát, thường xuất thân từ “Sơn Đông mãi võ”, đồng bóng, chuyển giới… họ lấy tin từ các địa chỉ mai táng rồi tự tìm đến. Giờ hoạt động vui nhộn của họ thường từ lúc nửa đêm về sáng, khi tang lễ đã rất vắng người, đượm vẻ đìu hiu, mệt mỏi. Gia chủ và chính quyền thường không ý kiến về sự hiện diện của họ, một phần do triết lý sống/chết nhẹ nhàng, tạm bợ, một phần đến từ quan niệm “nghĩa tử nghĩa tận”, với mong muốn để người chết được thảnh thơi ra đi. Hoạt động của các gánh tạp kỹ này khá “ôn hòa”, ít gây mâu thuẫn, xích mích… với người dân xung quanh. Sau đám tang là họ “biến mất”. |
VĂN BẢY (ghi)
Thể thao & Văn hóa
Tags