Như vậy, sau 8 ngày nghỉ Tết, từ 28 tháng Chạp năm Ất Mùi đến mùng 6 Tết Bính Thân (từ 6/2 - 13/2), cả nước đã xảy ra 334 vụ tai nạn giao thông, làm chết 210 người và làm bị thương 331 người. So với 8 ngày nghỉ Tết nguyên đán năm 2015 (từ 28 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến mùng 5 Tết Ất Mùi), tai nạn giao thông đã giảm 162 vụ (32,7%), giảm 80 người chết (27,6%) và 151 người bị thương (31,3%).
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo, đôn đốc hoạt động vận tải, kiểm tra, nhắc nhở lái xe không chở quá số người quy định, quá tải trọng cho phép, chấp hành nghiêm quy định không uống rượu, bia; chú trọng công tác kiểm tra, phân luồng tổ chức giao thông để khắc phục tình trạng ùn tắc kéo dài trên các trục đường chính vào trung tâm tỉnh, thành phố trong các ngày mùng 6 và mùng 7 Tết (tức ngày 13, 14/2), có giải pháp phù hợp khắc phục hiện tượng ùn ứ phương tiện tại các trạm thu phí.
Ngày 14/2 là ngày cuối cùng của kì nghỉ Tết nguyên đán, mật độ phương tiện từ các tỉnh đổ về những thành phố lớn sẽ rất cao, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, có thể xảy ra nhiều hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị lực lượng chức năng tiếp tục triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 2313/CĐ-TTg ngày 17/12/2015 về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán Bính Thân và lễ hội Xuân 2016; Công điện số 04/CĐ-UBATGTQG ngày 10/2/2016 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong những ngày còn lại của dịp Tết Bính Thân.
Theo đó, cần tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt là thông tin hỗ trợ người dân đi lại, hoạt động bảo đảm an toàn giao thông trong vận tải hành khách, bảo đảm chất lượng dịch vụ vận tải, an ninh trật tự tại bến xe và các điểm đón trả khách, tăng cường công tác bán vé và quản lý giá vé đúng quy định, quản lý luồng tuyến, nhanh chóng xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm phổ biến như nhồi nhét hành khách và tăng giá vé, bảo đảm chất lượng dịch vụ vận tải kể từ khi người dân bắt đầu chuyến đi đến khi kết thúc chuyến đi. Lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng công an khác (cảnh sát trật tự, công an xã...) đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ 1, 5, 14, 51... Tập trung xử lý vi phạm quy định tốc độ khi lái xe; chở quá số người quy định, vi phạm về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy. Lực lượng cảnh sát giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có phương án huy động lực lượng, bố trí tại các khu vực cửa ngõ thành phố, thực hiện phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, nhất là các tuyến cửa ngõ vào thành phố./.