Tranh tượng chen nhau ... khoe sắc
822 tác phẩm được chọn trưng bày trong tổng số khoảng 5.000 đơn vị tác phẩm gửi tham dự vòng loại triển lãm bằng ảnh chụp, bên cạnh đó là 14 tác phẩm dự treo của thành viên Hội đồng nghệ thuật, nghĩa là bạn sẽ được thưởng thức cả thảy 836 tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu được gửi đến từ khắp mọi miền đất nước... mà chỉ mất có 2.000 đồng tiền gửi xe. Quá tuyệt!
Bạn sẽ đi qua 3 tầng nhà của một tòa nhà, có đến 3 tòa nhà như vậy, trong đó có 1 tòa chỉ dành 2 tầng trưng bày, mỗi tầng có diện tích khoảng 500m2, trong mỗi tầng lại được kê thêm rất nhiều tường giả để tăng diện tích treo tranh. Những bức tường này được làm bằng gỗ dán, có xương mảnh bên trong, được bắn đinh chặt xuống sàn và cuối cùng, sơn 2 lớp sơn trắng kiêm bả mattit những chỗ ghép nối. 4 ngày trước khi khai mạc triển lãm, toàn bộ 8 tầng nhà dành cho triển lãm Mỹ thuật toàn quốc của Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam rộn ràng như một công trường lớn. Khi đó, tòa nhà M2 có tập trung đông người nhất, vì hình như là nơi trưng bày cuối cùng. Dưới tầng 1, mọi người đang ồn ào bàn cách treo tranh, vì có một bức sơn mài kích cỡ 160cm x 242cm, chưa kể “quả“ khung bằng gỗ bề ngang dễ đến 10cm, khiến cho bức tranh thực sự rất nặng. Mấy anh thợ phải bắc dàn giáo, nẹp thêm gỗ, bắt vít cẩn thận để đảm bảo cái bức tường giả có thể chịu được bức tranh này. Nửa tháng chống chọi chứ ít gì đâu. May mà góc tường giả nơi treo bức tranh này lại được dựng quanh cây cột cái của tòa nhà, nó có đỡ cho độ nặng của bức tranh tẹo nào không nhỉ? Ở tầng 2, công nhân đang sơn tường giả giữa tiếng máy bắn đinh vít chát chúa vọng từ tầng 3 xuống, trên đó, họ đang lắp tường giả. Quả là một dây chuyền liên hoàn. Mấy anh thợ sơn bảo chỉ khoảng nửa tiếng sau là sơn khô, hệt như chỗ vừa treo tranh cách đó không xa. Có lẽ, tốc độ trưng bày triển lãm thế này chỉ có ở Việt Nam, người viết bài trộm nghĩ.
Có những bức tranh vẫn còn ướt sơn và trong quá trình vận chuyển, bề mặt tranh đã bị “ăn đòn”, dính lỗ chỗ những vết màu trắng. Có những bức tranh được treo ở một góc cầu thang nơi không bóng đèn rọi nào, ngoại trừ bóng của những dàn đèn rọi soi vào mặt kính của nó, khiến cho tấm tranh lụa bên trong nhìn thật tội nghiệp. Có cặp 2 bức tranh của cùng 1 tác giả, cùng 1 phong cách vẽ và được treo cách nhau bởi một bức khác, đem lại cảm giác... khó tả. Bức nọ sát nách bức kia, mỗi bức một kiểu khung, muôn hình vạn trạng và khiến cho mắt người viết bài, sau chừng 1 tiếng rưỡi đồng hồ dạo qua tầng 1 và 2 của tòa nhà M3, nơi bày các tác phẩm đoạt giải, chỉ muốn nổ tung...
Giải thưởng và sự ảnh hưởng ...
Nếu mà tranh luận về sự ảnh hưởng trong sáng tạo mỹ thuật thì chắc chắn không có điểm dừng. Người ta bảo đến P. Picasso còn ảnh hưởng của nghệ thuật thổ dân châu Phi nữa là... nghệ sĩ nhà ta, đã là “gì” đâu mà chẳng chịu ảnh hưởng từ ai đó. Tuy nhiên, có lẽ, sự ảnh hưởng như thế nào để không “lộ liễu”, không thô vụng, mới là sự đáng bàn. Bức tranh về những người H’Mông trên cao nguyên đá - một trong hai giải vàng của ngành hội họa - khiến cho cá nhân người viết thấy thực sự bất ổn. Thứ nhất, đôi mắt của nhân vật, từ già trẻ, đàn ông, đàn bà, nhất là trẻ em, đều cùng một hình thù, cùng một vẻ vô hồn. Không chắc lắm nhưng thấy kiểu vẽ mắt nhân vật giống giống tranh của Lê Quảng Hà những năm 1990. Cái sự vô hồn đó ở người lớn thì còn đi một nhẽ, nhưng ở cả trẻ em nữa thì nên phải đặt dấu hỏi. Về sau, trong cuộc họp báo trước khai mạc triển lãm, một nhà nghiên cứu lâu năm nói, đại ý, khi bà đứng xem bức tranh này, nghe thấy một số nhân viên đang dàn dựng triển lãm bàn với nhau rằng, nhân vật trẻ em trong tranh này như... bị bệnh Down và bà cho rằng cũng cần phải xem xét, cân nhắc đến lại về ý tưởng, về cái mới trong nghệ thuật của bức họa. Trong khi trước đó, một vị có chức sắc lại nhận xét các nhân vật mang vẻ hồn nhiên (!), và ông thích vẻ hồn nhiên ấy.
Có những bức tranh lụa mà người viết chắc mẩm của họa sĩ vẽ tranh lụa gạo cội Nguyễn Thụ, nhưng lật phía sau để xem thông tin tác giả tác phẩm mới té ngửa ra là nhầm to. Có bức hệt như của họa sĩ Công Quốc Hà, nhưng tất nhiên không phải. Hay nhất là được một bác tóc bạc phơ nhờ đọc kỹ cho tên tác giả, tác phẩm, chất liệu của bức điêu khắc đoạt giải vàng, nghe xong, ông ồ lên bảo nó quá giống của một nhà điêu khắc danh tiếng. Về sau, mới biết, bác là nhà nghiên cứu mỹ thuật lão làng Trần Thức. Lại có bức tranh gần như “sao y bản chính” với một serie tranh vẽ bãi xe đạp có những mảnh vải mưa phủ loáng thoáng bên trên, từ năm 2000, của một anh họa sĩ quen. Anh ấy làm series tranh này với chất liệu khắc gỗ, từng triển lãm riêng chung vài lần.
Chuyên nghiệp hay phong trào?
Câu hỏi này tiếp nối câu hỏi tiêu đề bài viết tiếp tục dẫn đến hàng loạt câu hỏi khác: tại sao lại nhiều tác phẩm đến vậy cho một triển lãm mà BTC biết thừa sẽ chẳng có địa điểm nào trên toàn đất nước này kham nổi? Tại sao lại để xảy ra tình trạng mỗi bức tranh một kiểu khung, tổng số có 636 bức tranh đồ họa và hội họa? Tại sao lại có không ít bức tranh, tượng gây hoài nghi về sự sáng tạo hay cóp nhặt thế kia? Tại sao và tại sao... Sẽ có người cười khì bảo cuộc sống vốn là “sự gom nhặt của những câu hỏi” mà mỹ thuật nói chung đâu có nằm ngoài cuộc sống (!)...
Năm nay đã là năm kết thúc của thập kỷ đầu tiên thuộc thiên niên kỷ thứ ba nhưng có lẽ hàng loạt câu hỏi không thể hoặc không cần phải trả lời kia vẫn tồn tại như từ 10 năm trước, tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2000- năm đầu tiên của thiên niên kỷ. Chúng ta lại tiếp tục chờ đợi vậy... Hi vọng là triển lãm năm nay suôn sẻ hơn ít nhất là 5 năm trước (năm 2005) vì không vướng vụ phải trả lại giải thưởng do tác giả “đạo” tranh của một họa sĩ người Nga.
Cuối cùng, cũng phải nói rằng, bạn nên đi xem triển lãm, vì tất cả những gì người viết bài nêu ra ở đây chỉ là chút ít phần nổi của tảng băng chìm nghệ thuật ấy mà, bạn nên đi và kiếm tìm cho riêng mình chút giá trị thuộc phần chìm ấy.
(*) Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010 diễn ra từ ngày 1 đến 15/12/2010 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội). Sau đó, các tác phẩm được giải thưởng và tác phẩm của các tác giả ở TP. HCM cùng các tác phẩm khổ nhỏ sẽ được chuyển vào trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (do diện tích trưng bày ở đây “rất hạn chế”). Dự kiến, triển lãm sẽ được diễn ra trong tháng 1/2011.