(TT&VH) - Từ trước tới nay, người ta vẫn tin rằng đội quân đất nung là những người bảo vệ ở kiếp sau của Tần Thủy Hoàng (259-210 trước Công nguyên) - Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa thống nhất. Nhưng nhà nghiên cứu Sun Jiachun đang gây nên một cuộc tranh cãi mới khi ông tuyên bố rằng, đội quân đất nung này được sử dụng như những mô hình để huấn luyện quân sự.
Sun Jiachun là nhà nghiên cứu thuộc Sở Địa chất tỉnh Thiểm Tây, Đông Nam Trung Quốc – “xứ sở” của đội quân đất nung. Ông Sun cho rằng, những hầm chôn các bức tượng bằng đất sét này là dấu tích của một ngôi trường quân sự gần khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Tuyên bố của ông Sun đã thách thức giả thuyết vẫn được chấp nhận từ lâu, rằng đây là đội quân bảo vệ hoàng đế ở kiếp sau. Ông cho rằng đội quân này ở quá xa nơi Tần Thủy Hoàng yên nghỉ nên họ không thể là những người thực sự bảo vệ hoàng đế.
“Các chiến binh đất nung được tìm thấy cách các bức tường bên ngoài của lăng mộ Tần Thủy Hoàng ít nhất 1,5 km. Họ được dàn binh một cách sơ sài và không có tướng chỉ huy. Điều này trái với hệ thống quân sự Trung Quốc thời cổ đại và theo truyền thống thì một vị hoàng đế khi băng hà vẫn được cung kính như khi còn sống” - ông Sun nói trong cuộc phỏng vấn của Tân Hoa Xã hôm 1/12.
Theo ông Sun, đội quân binh mã đất nung lớn như vậy chắc chắn phải có một chức năng thực tế hơn. “Vị hoàng đế đầu tiên và các quần thần của ông muốn đội quân này phải phục vụ đất nước của mình, có thể họ được dùng làm phương tiện giảng dạy tại trường quân sự”.
Sau 3 thập kỷ nghiên cứu, ông Sun đã nêu ra giả thuyết của mình trong luận đề mang tên Các chiến binh đất nung: Dấu tích của một ngôi trường quân sự cổ và nó đã được in trong số mới nhất của tờ Lịch sử Quân sự - tạp chí quân sự hàng đầu Trung Quốc.
Trong luận đề của mình, ông Sun nêu chi tiết cách bố trí và cấu trúc của các hầm chứa đội quân đất nung. Cho đến nay, có 114 tượng đất nung đã được tìm thấy ở hầm số 1. Hầm số 1 là một cấu trúc ngầm, nhưng phần mái lại nhô trên mặt đất, trong khi các hố hiến tế xung quang lăng mộ Tần Thủy Hoàng lại ở sâu từ 8 đến 10m dưới lòng đất. Hầm số 1 cao 3,2 m và có diện tích 14.260 m2, có hơn 20 hành lang và 10 bức ngăn. Đây là hầm đầu tiên và lớn nhất trong số 3 hầm chứa đội quân đất nung.
“Tất cả các bức tượng đều hướng mặt về phía Đông, như thể họ đang canh phòng kẻ thù từ hướng đó” – ông Sun nói và bổ sung thêm rằng 3 hầm chứa đội quân đất nung tạo thành các khu huấn luyện và toàn bộ di chỉ này có thể là một trường quân sự.
Theo ông Sun, Hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã lợi dụng địa thế bí mật của mình để đào tạo đội quân chiến đấu cho đất nước. “Các bức tượng đất sét được dùng để tạo nên các cảnh chiến đấu cho những người được huấn luyện”.
Trước khi luận đề của ông Sun được công bố, sử gia nổi tiếng Wang Xueli cũng đã nghiên cứu các bức tượng đất sét theo khía cạnh quân sự. Ông Wang cho rằng, các chiến binh trong hầm số 1 là nhóm ứng chiến. Hầm số 2 là nơi cắm trại và hầm số 3 là doanh trại.
Giả thuyết của ông Sun đã gây nên một cuộc tranh cãi mới về mục đích và danh tính của đội quân đất nung.
Zhang Wenli, một nhà nghiên cứu lâu năm tại Bảo tàng Binh mã đất nung Tần Thủy Hoàng ở Tây An, khẳng định các bức tượng này là những người bảo vệ hoàng đế. Còn Duan Qingbo, giáo sư trường đại học Tây Bắc, nói: “Giả thuyết của ông Sun đã vượt ra ngoài nghiên cứu khảo cổ. Cá nhân tôi tin rằng đây là đội quân bảo vệ hoàng đế đã băng hà, nhưng trong trường hợp nào thì chúng ta cũng cần phải có thêm chứng cứ để bảo vệ cho các tranh cãi của mình”.
Tần Thủy Hoàng là hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa thống nhất và là người sáng lập ra đời Tần (221-206 trước Công nguyên). Đội quân binh mã đất nung của ông được một nông dân tình cờ tìm thấy ở huyện Lintong, Tây An, hồi năm 1974. Đây là một trong những phát hiện khảo cổ ngoạn mục nhất và được mô tả là một trong những kỳ quan của thế giới.
Việt Lâm (lược dịch)