Trại điêu khắc Quốc tế TP.HCM: 'Đại công trường' đang nhộn nhịp

Thứ Hai, 30/11/2015 13:25 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/12 này, trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015 sẽ chính thức khai mạc và kết thúc trao giải vào 17/12. Đây là mô hình trại điêu khắc quốc tế “bán thời gian” tiết kiệm được khá nhiều kinh phí cho quốc gia đăng cai.    

Mô hình trại điêu khắc xuất phát từ những quốc gia Đông Âu (cũ), khi đó các nhà điêu khắc khối Đông Âu rủ nhau cùng sáng tác tại một quốc gia đăng cai với khoảng 20 -30 người. Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015 với 50 tác phẩm của 50 tác giả đang diễn ra ở Khu tưởng niệm các Vua Hùng (Q.9, TP.HCM) có thể được xem là một đại công trường.

Sự tham gia của 11 điêu khắc gia nước ngoài

Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước, TP.HCM tổ chức trại điêu khắc quốc tế lần đầu tại công viên Gia Định. Nhưng vì tính định hướng để ứng dụng các tác phẩm trong trại 2005 chưa rõ ràng, nên các tác phẩm trong trại này được chuyển về “thường trú” trong công viên Tao Đàn mặc thời gian phủ bụi và rêu đến nay đã 10 năm.

Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM lần này, có sự tham gia của 39 điêu khắc gia trong nước và 11 nhà điêu khắc nước ngoài đến từ: Nga, Iran, Bulgaria, Ukraina, Bỉ, Romania, Nhật, Trung Quốc.

50 nhà điêu khắc này được chọn từ 264 tác giả có tác phẩm phác thảo gửi về tham dự trại. Theo nhiều nhà điêu khắc từng tham gia các trại quốc tế ở nước ngoài cho biết, trại điêu khắc bình thường có khoảng 20 - 30 tác giả - tác phẩm, nhưng có cùng lúc 50 tác giả với chừng ấy tác phẩm được thi công cùng lúc là một… đại công trường.


Một tác phẩm trong trại điêu khắc quốc tế TP.HCM đang nên hình nên dạng. Ảnh: Hoàng Nhân

Các nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM), Hoàng Tường Minh, Trần Việt Hưng, đồng ý kiến cho rằng: Thường thì, một trại điêu khắc sau khi chọn lọc lại, nếu còn được 1/3 tác phẩm đẹp đã là một trại được tổ chức thành công.

Các trại điêu khắc thường có ba dạng: Các nhà điêu khắc cùng thợ tập trung làm việc trong vòng một tháng; Trại bán thời gian khi thợ làm việc 15 ngày và tác giả tham gia trong 15 ngày còn lại để hoàn thành tác phẩm; Trại tác giả không cần có mặt, chỉ gửi phác thảo và ban tổ chức thi công tất cả.

Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015 là trại “bán thời gian”, các tác giả trong và ngoài nước chỉ có mặt vào ngày 1/12 đến 15/12 để hoàn thành “tinh tế nhất” cho tác phẩm của mình. Theo nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, đây là mô hình trại điêu khắc tiết kiệm rất nhiều cho nơi đăng cai nhưng vẫn đảm bảo cho ra tác phẩm tốt nhất.  

Khu Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ có tượng từ trại điêu khắc

Khi tổ chức trại điêu khắc này, chính quyền TP.HCM xác định: “TP.HCM là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí quan trọng của khu vực và cả nước. Trong những năm qua, lãnh đạo thành phố đã và đang cố gắng xây dựng, chỉnh trang cảnh quan đô thị, đáp ứng mong muốn của nhân dân về một thành phố hiện đại, văn minh hơn với nhiều công trình kiến trúc, công viên, tuyến đường mang đậm dấu ấn văn hóa nghệ thuật. Tuy vậy, trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, TP.HCM còn thiếu nhiều không gian công cộng như thiếu đi một yếu tố quan trọng của một đô thị lớn, đó là sự có mặt của các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc”.

Vì lý do như trên mà các tác phẩm trong trại điêu khắc quốc tế lần này, được chính quyền TP.HCM tổ chức một hội đồng tuyển chọn để lựa ra những tác phẩm xuất sắc nhất, nhằm đưa vào đặt ở những tuyến đường trong khu trung tâm, trong đó có đường Hoàng Sa và Trường Sa dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Nói như nhiều nhà điêu khắc quan tâm đến trại lần này, chỉ cần có một số trại được tổ chức quy mô và chất lượng như thế, tương lai các tuyến đường và không gian công cộng ở TP.HCM sẽ không còn đơn điệu. Và TP.HCM cũng mong muốn hệ thống tượng điêu khắc cũng tạo nên điểm nhấn thu hút khách du lịch của địa phương này.

Có mặt tại trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015, phóng viên Thể thao & Văn hóa nhận thấy, tất cả 50 lều trại thi công 50 tác phẩm tại đây đang tất bật hoàn thành. Tiếng máy cưa mài đá, tiếng búa đục đẽo, tiếng hàn, cưa sắt… vang cả một góc trời ở khu tưởng niệm các Vua Hùng.

Khi chúng tôi đến, ban tổ chức trại điêu khắc đang làm việc với hơn 10 tình nguyện viên do Thành Đoàn TP.HCM tuyển đến. Các tình nguyện viên này sẽ như các hướng dẫn viên dành cho 11 nhà điêu khắc quốc tế khi tham gia trại tại Việt Nam. Hy vọng trại điêu khắc lần này sẽ mở ra một tương lai tô điểm thêm cho dung nhan của TP.HCM - một đô thị lớn của nước ta.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›