Tác quyền âm nhạc: Nhiều thách thức hơn cả việc đòi nợ thông thường

Thứ Bảy, 31/01/2015 15:45 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - 2014 vừa đi qua với nhiều chuyện lùm xùm trong tác quyền âm nhạc và năm 2015 này cũng chưa có dấu hiệu những chuyện như vậy sẽ lắng nguội. Xung quanh vấn đề tác quyền âm nhạc và cả những ý kiến trái chiều về “công ty đòi nợ thuê” VCPMC (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam), Thể thao & Văn hóa cuối tuần có cuộc trao đổi đầu năm với nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc trung tâm.

* Mặc dù việc thu tác quyền đã diễn ra hơn chục năm nay, nhưng cho đến giờ, nhiều đơn vị sử dụng như một số ông chủ phòng trà vẫn thắc mắc rằng “quán tôi bật đĩa có dán tem, tức là tôi đã trả tiền bản quyền khi mua đĩa. Vậy sao tôi lại phải trả thêm một lần tiền nữa cho các nhạc sĩ? Thật vô lý!”. Ông trả lời sao trước ý kiến này?

- Bởi vì trong xã hội còn có những người không hiểu thế nào là quyền tác giả. Ấn phẩm (đĩa CD, VCD…) có dán tem là ấn phẩm được cấp phép sử dụng. Để sản xuất ra ấn phẩm đó, nhà sản xuất, kinh doanh đĩa phải trả tiền bản quyền, ấn phẩm đó mới hợp pháp và không bị coi là (đĩa) lậu. Còn khi đem ấn phẩm (đĩa) đó ra sử dụng trong môi trường kinh doanh (phòng trà, quán karaoke, nơi tổ chức sự kiện như đám cưới…) thì phải trả tiền là đúng quy định của luật pháp (theo Điều 20).

* Có ý kiến cho rằng, việc thu phí của trung tâm dù dựa trên Nghị định 61/2002/NĐ-CP vẫn chưa thỏa đáng khi “vẫn có thể thương lượng” được. Nếu là luật thì phải “đóng khung” chặt chẽ. Vậy, phải chăng đây là “mấu chốt” của việc đi thu tác quyền luôn gặp khó khăn?

- Tác phẩm âm nhạc là tài sản của tác giả. Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền độc quyền của tác giả cho phép người khác sử dụng tài sản đó của mình. Từ đó, tác giả được quyền cho người khác sử dụng tác phẩm của mình và định giá thông qua các hình thức như thỏa thuận hoặc căn cứ biểu giá đã được lập từ trước. Việc thương lượng (thỏa thuận) với các lý do như: đầu tư tốn kém, vé không bán hết, thời tiết không thuận lợi… xin giảm giá sử dụng là chuyện bình thường của quan hệ giữa chủ sở hữu và người sử dụng tác phẩm để kinh doanh (thương lượng là một từ có nội hàm thỏa thuận, mặc cả, tùy theo cách nói/nghĩ của mỗi người trước một ngôn ngữ).


Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, từng đích thân bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng để đòi tiền tác quyền một chương trình ca nhạc

* Như VCPMC từng chia sẻ với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần, năm 2013 tác quyền tại các phòng trà quán bar, nhà hàng, karaoke, khách sạn chỉ chiếm 10% trong tổng số doanh thu. Trong khi đó, đây lại là nguồn thu khá ổn định và hiện nay, các hàng quán vẫn ngày một mọc ra như nấm. VCPMC sẽ làm thế nào để nguồn thu ổn định này trở thành nguồn thu chính trong năm 2015?

 - Âm nhạc luôn góp cho phòng trà, quán bar, nhà hàng, khách sạn… một gương mặt văn hóa thu hút khách hàng, đối tác để việc kinh doanh được thuận lợi hơn. Không một ông chủ nào không hiểu điều đó. Nhưng, như đã nói, vẫn còn không ít những ông chủ chỉ muốn giảm chi, mà giảm chi dễ nhất là tiền bản quyền tác giả. Họ biết rằng, chẳng mấy khi tác giả, nhạc sĩ lại muốn tranh cãi với họ chuyện tiền nong. Để có sự công bằng, VCPMC luôn cố gắng nỗ lực thay mặt các tác giả làm công việc “tranh cãi” đó hàng ngày. Năm 2015 càng cố gắng hơn. Dĩ nhiên, sẽ đẩy mạnh sự kết hợp với các cơ quan quản lý văn hóa và các cơ quan quản lý địa phương… hơn.

* Là đơn vị duy nhất cho đến thời điểm này đứng ra bảo vệ tác giả tác phẩm nhưng ngoài việc thu tiền, VCPMC chưa có những giải pháp thiết thực trong việc bảo vệ, bảo hộ quyền tác giả?

- Khai thác luôn song hành với bảo vệ. Trên thế giới các nước văn minh cũng vậy. Không có Nhà nước nào bao cấp cho các đơn vị bảo vệ quyền tác giả tập thể (như VCPMC) cả. Nhờ khai thác mà thu được phí và trích hành chính lại để đảm bảo hoạt động của bộ máy và cũng thông qua khai thác mà phát hiện những đơn vị vi phạm, sử dụng và… trốn tránh. Ngoài ra, VCPMC cũng vẫn làm thường xuyên, và đã có kết quả công việc xác định tác giả - tác phẩm. Chỉ nêu ví dụ trong năm 2014, có một số vụ như Ú ủ La hay của Lê Mây, bị một người lấy đem đi dự thi đoạt giải; Bài ca núi Thúy của La Thăng, bị một người lấy làm bài tỉnh ca ở Nhật Bản; bản phối Because I Miss You của Jung Yong Hwa, trưởng nhóm rock CNBLUE Hàn Quốc, bị một người lấy cho bài hát của mình... Những việc bảo vệ như thế rất tốn công sức, vì người lấy luôn cố tình chứng minh ngược lại. Tuy nhiên, VCPMC không nề hà bất cứ một đề nghị nào (xin nhấn mạnh VCPMC không được bao cấp để làm việc đó).  

* Trong hội thảo tác quyền vừa diễn ra cách đây không lâu, chính ông đã thẳng thắn nói rằng “các cơ quan chức năng vẫn đang khước từ việc thực hiện nghiêm túc những quy định luật pháp vào trong các hoạt động kinh doanh văn hóa nói trên”. Vậy, những bất cập hiện nay trong việc thu tác quyền sẽ được trung tâm xử lý như thế nào trong năm 2015?

 - Điều này chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Chúng tôi biết rằng, nhận thức đúng đắn về luật pháp không phải một sớm một chiều. Cũng như xây dựng những công trình văn hóa, phải bắt đầu từ những viên gạch nhận thức đầu tiên, chúng tôi vẫn luôn cố gắng, và hy vọng lẽ phải mà thế giới đã công nhận từ hàng trăm năm nay sẽ được xã hội Việt chấp nhận. Nếu nhận thức xã hội nâng lên, được các cơ quan chức năng ủng hộ mạnh mẽ thì năm 2015 thì khó khăn của chúng tôi sẽ lui đi một chút…

* Làm công tác văn hóa nhưng việc đi thu tác quyền lại được ví như đi đòi nợ thuê, như đi mặc cả mớ rau ở chợ, đi “bắt trộm mà không thấy nạn nhân” kêu cứu. Với tình trạng bất cập như vậy nếu chỉ có thể trông chờ vào ý thức tự giác của các cá nhân, tổ chức thì làm sao hoạt động của VCPMC khả thi?

- Xã hội văn minh ngày nay, người ta không coi việc đòi nợ thuê là xấu. Huống chi đây chỉ là một so sánh khập khiễng và không đầy đủ. Việc làm của chúng tôi có ý nghĩa lớn lao và gặp nhiều thách thức hơn cả việc đòi nợ thông thường gấp nhiều lần. Nhưng nếu xét ở khía cạnh “đòi nợ” thì có một chuyên gia về bản quyền tác giả ở Mỹ nói với chúng tôi rằng: Nếu các nhạc sĩ (tác giả, chủ sở hữu tác phẩm) mà có được một người như ông Phó Đức Phương làm đại diện có tinh thần “đòi thuê” được thể hiện qua chuyện vừa rồi thì may mắn hạng nhất. Nhân đây cũng nói thêm, vụ đòi nợ đình đám ấy, cuối cùng đã kết thúc tốt đẹp. Bên sử dụng đã chuyển đủ tiền cho VCPMC để VCPMC phân phối cho các tác giả.

 * Doanh số 57 tỷ đồng năm 2013 và 62,7 tỷ đồng năm 2014 cho thấy VCPMC đang hoạt động ngày một hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhìn trong khu vực châu Á và thế giới, đây vẫn là một khoảng cách rất xa. Vì thế, nếu trên thế giới, hầu hết các nhạc sĩ đều sống nhờ tiền tác quyền thì ở Việt Nam, số tiền này không “thấm vào đâu” để trang trải cuộc sống...

- Đấy, nếu bạn đã có con số của Hàn Quốc, thì tiền bản quyền thu được mỗi năm của họ gấp 34 lần ở ta, chừng 100 triệu USD/năm, trên 2.200 tỷ/VNĐ. Bởi luật pháp nghiêm minh, chặt chẽ. Xã hội ủng hộ, người dân tự giác chấp hành. Còn ở ta thì bạn biết đấy, VCPMC hoạt động ngày một hiệu quả hơn nhưng vẫn không thấm vào đâu so với thực tế mà vẫn còn vài ý kiến thắc mắc. Chỉ vài thôi, trong số 3.100 thành viên gửi ủy thác quyền, rồi được giới truyền thông “nhảy vào” tung hứng khiến cho vất vả nỗ lực của chúng tôi dày thêm. Nhưng đã dấn thân tự nguyện thì… vẫn phải làm thôi. Xây dựng lâu đài văn hóa đâu phải là việc dễ. Và như các triết gia đã nói, việc không khó thì có gì đáng kể? Để các tác giả có thể sống được bằng tác phẩm và khuyến khích các tác giả có những sáng tác mới cho đời, cả thế giới đã khẳng định rằng: không có gì bằng thực thi nghiêm túc quyền tác giả.

* Xin cảm ơn NS Phó Đức Phương.

Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›