(Thethaovanhoa.vn) - “Anh vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ/ Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau”. Có lẽ chỉ cần hai câu thơ này của Bùi Giáng cũng đủ diễn tả được thông điệp mà phim Nắng 2 (đạo diễn: Đồng Đăng Giao) muốn mang đến cho người xem. Cả hai phần đều chọn ngày 31/8 để công chiếu.
Phần 1 của phim này có tên là Nắng từng có doanh thu gần 70 tỷ đồng, nên phần 2 hứa hẹn sẽ thu hút được người xem, do dàn diễn viên chính vẫn như cũ.
Giá trị của tình người
Nếu so với phần 1, nhìn về tổng thể, đặc biệt ở mức đầu tư sản xuất, Nắng 2 có nhiều điểm nổi trội, chỉn chu hơn. Riêng khía cạnh này, có thể nói Nắng 2 là một trường hợp hiếm hoi của phim Việt, bởi đa phần thường rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, phần sau thường dở hơn phần trước.
Xét về khía cạnh hài hành trình, Nắng 2 cũng đậm nét hơn, vì câu chuyện gắn liền với một chuyến xe từ Sài Gòn đi Phan Rang. Trên chuyến xe đó, Thu Trang (vai Trang), Miu Lê (Linh), Hoàng Phi (Hoàng) đã giải quyết được những mâu thuẫn căn bản của một hành trình bất đắc dĩ. Ở “hậu phương”, bé Kim Thư (vai Nắng), Trấn Thành (Lâm sida) và Kiều Minh Tuấn (Tuấn giang hồ) cũng đã giải quyết căn bản các rắc rối của một hành trình đi giải cứu.
Thông điệp của câu chuyện, tuy đơn giản, nhưng vẫn trở thành vẻ đẹp của phim này, qua cả hai phần. Đó là: Dù sống cuộc đời rất khó nghèo, nhưng không bi lụy, tiêu cực, mà còn rộng mở tấm lòng giúp đỡ nhiều người, ngay cả khi họ đang ở trong tình cảnh hiểm nghèo. Trong Nắng 2, Hoàng là một tay buôn lậu gỗ, đang muốn trốn thoát khỏi sự truy sát của băng nhóm, trong khi mẹ con của Nắng thì buôn ve chai, bán vé số ở vỉa hè.
Hơn nữa, như một sự mơ mộng, phim Việt chiếu rạp đa số diễn cảnh hiện đại, sung túc, thường có khoảng cách khác xa so với đời sống chung. Chọn cách tiếp cận gần như ngược lại, Nắng 2 đi vào giá trị của tình người, nơi mà sự chia sẻ, giúp đỡ được đề cao hơn hoàn cảnh sống. Chính vì vậy mới nói Nắng 2 có sự tương đồng đặc biệt với hai câu thơ tuyệt vời của Bùi Giáng: “Anh vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ/ Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau”.
Cách kể kiểu tấu hài
Dù quay công phu và đẹp mắt hơn phần 1 khá nhiều, nhưng Nắng 2 vẫn không phải là một phim có hướng tạo dựng ngôn ngữ điện ảnh. Chấp nhận ngôn ngữ kể kiểu tấu hài, kiểu phim kịch - truyền hình (sitcom), để đạt mục đích truyền tải được câu chuyện xúc động. Chính vì vậy, “chất điện ảnh” - nếu phải nói vậy - là điểm yếu dễ nhìn thấy của phim này.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào chọn lựa của khán giả tại TP.HCM - nơi quyết định phần lớn doanh thu - cách kể của Nắng 2 chưa chắc kém hiệu quả. Giữa một phim giàu ngôn ngữ điện ảnh mà câu chuyện thiếu sự xúc động, và một phim xúc động mà thiếu ngôn ngữ điện ảnh, họ sẽ chọn phim nào? Chắc đa số sẽ chọn phim có sự xúc động, điều này đã được chứng minh, ít nhất là trong 10 năm qua. Đơn cử như đầu năm 2016, phim Siêu trộm (đạo diễn: Hàm Trần) có kịch bản chặt chẽ, giàu ngôn ngữ điện ảnh, nhưng lại thất bại khi ra rạp, còn Nắng thì bất ngờ thành công về mặt doanh thu.
Nói Nắng bất ngờ thành công là hoàn toàn chính xác, vì năm 2016, ngoài Tấm Cấm: Chuyện chưa kể, đây là phim Việt thứ hai đem lại tín hiệu lạc quan cho nhà sản xuất. Hơn nữa, Nắng được sản xuất với kinh phí thấp, chi phí quảng bá cũng ít, nên khi ra rạp khán giả không quá háo hức. Phần 2 tuy có được sự tự tin và dồi dào hơn về kinh phí, nhưng Nắng 2 cũng không “bung” về truyền thông, vẫn chọn cách âm thầm sản xuất và ra rạp.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags