Trong phiên bản gốc, phim này dự kiến 2.000 tập, phát sóng từ ngày 21/7/2008 trên kênh Colors TV (Ấn Độ), đến nay đã chiếu hơn 1.940 tập. Ngoài Ấn Độ và Việt Nam, phim cũng đã “gây sốt” ở khoảng 20 nước - như vậy làn sóng mê đắm là mẫu số chung?
2.000 tập chỉ là “thiếu niên”
Ông Lâm Chí Thiện (đại diện TodayTV) cho biết Cô dâu 8 tuổi đã được gộp thành 900 tập, mỗi tập dài 45 phút, thay vì 22 phút như phiên bản gốc. Từ ngày 27/6, Cô dâu 8 tuổi phát sóng liên tiếp hai tập một ngày cho khung giờ buổi tối.
Trong lịch sử phim truyền hình của thế giới, đặc biệt ở châu Mỹ, 2.000 tập mới chỉ là tuổi “thiếu niên”, còn dưới 1.000 tập là “trẻ em”, vì số phim dài trên 3.000 tập (“thanh niên”) của họ rất nhiều. Đây là chưa kể vô số chương truyền hình kéo dài trên 50 năm, với hàng chục ngàn tập, mà mỗi tập lại là một biến cố kiểu như phim truyền hình.
Sau đây là vài ví dụ về các phim truyền hình thuộc diện “bô lão”, nếu xét về số tập. Ngày 18/9/2009, Hãng truyền hình CBS (Mỹ) ra quyết định ngừng phát sóng phim Guiding Light (Đèn chỉ đường) sau 72 năm tồn tại, với 15.700 tập, vì rating thấp hơn mức chấp nhận được. Kịch bản gốc của phim này đã là kịch truyền thanh, phát sóng từ năm 1937. Một vài bộ phim khác như As The World Turns kéo dài từ 1956 đến 2010, với 13.858 tập; General Hospital từ 1963 đến nay, hơn 13.333 tập; Days Of Our Lives phát trên kênh NBC từ ngày 8/11/1965 đến nay, hơn 12.000 tập…
Nhìn chung khán giả phim truyền hình ở đâu cũng thích những chuyện thị phi gần gũi, bình dân, với mâu thuẫn thiện - ác và cách giải quyết rõ ràng. Với phim chiếu rạp, bán chừng 1 triệu vé đã rất thành công, với phim truyền hình nhiều trường hợp 2-3 triệu người xem/tập đã là thất bại. Ngay ở Mỹ, theo các điều tra xã hội học tiêu dùng, đã có rất nhiều người về hưu, béo phì, thất nghiệp… chọn phim truyền hình làm bạn đường, mỗi ngày họ xem 2-3 phim khác nhau. Nếu phim ngắn tập thì khó đáp ứng được nhu cầu, bởi mau thay đổi thì mau quên, nên các nhà sản xuất phải kéo dài để giữ chân khán giả.
Cấm chiếu vì dài không sòng phẳng
Trên cộng đồng mạng có nhiều ý kiến muốn nhà đài ngưng phát sóng phim này vì nó quá lê thê, còn đa số các ý kiến khác là bảo vệ tới cùng; nhà đài nói cũng sẽ chiếu đến tập cuối. Việc muốn gây tác động để ngưng phát sóng một phim vì nó dài tập có vẻ không… dân chủ cho lắm.
Mới 15 năm trước thôi, những phim truyền hình Việt như Đất phương Nam (11 tập), Giã từ dĩ vãng (10 tập), Đồng tiền xương máu (13 tập)… đã là rất dài, thì bây giờ “bản chuẩn” phải vào khoảng 30-40 tập/45 phút. Vài phim như Tiệm bánh hoàng tử bé dài trên 250 tập, Gia đình phép thuật dài khoảng 500 tập, kéo dài từ 22/2/2009 đến nay.
Cũng nên nhớ là chúng ta đang nói về phim Ấn Độ, mà nước này thì “dài, rộng, sâu, chậm” đã thành triết lý đặc thù. Với những nước như Việt Nam, ví dụ khi nói đến khái niệm “ngày xửa ngày xưa” thì chỉ cần hạn định vài chục năm, hoặc vài trăm năm là đủ, với Ấn Độ thì phải vài ngàn năm trở lên. Các sử thi, lịch sử, văn học, kịch nghệ, điêu khắc… của Ấn Độ càng thể hiện rõ về “dài, rộng, sâu, chậm”.
Với phim chiếu rạp cũng vậy, độ dài trung bình của Hollywood là khoảng 90 phút đến 120 phút, Bollywood thì thường 180 phút trở lên. Hollywood làm khoảng 700 phim mỗi năm, Bollywood dao động từ 800 đến 1.000 phim mỗi năm.
Với phim truyền hình, ngoài Cô dâu 8 tuổi, Ấn Độ còn có nhiều phim ngàn tập như Kahaani Ghar Ghar Kii, phát sóng hơn 8 năm, hơn 1.660 tập; C.I.D hơn 17 năm, đang tiếp tục, hơn 1.250 tập; Kyunki Saas Bhi Kabhi Bahu Thi hơn 8 năm, hơn 1.830 tập; F.I.R hơn 8 năm, hơn 1.320 tập… Cho nên, có lẽ nhiều khán giả chớ nên “mắc bệnh dễ bị choáng”, mà nhiều khi choáng giả tạo, bởi mọi sự kéo dài để kiếm rating đều có lý của nó. Quyền dễ thực hiện nhất của từng khán giả là tắt tivi, hoặc chuyển kênh khác.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags