(Thethaovanhoa.vn) Quê hương của trùm mafia Toto Riina và là một địa danh trở nên nổi tiếng nhờ tác phẩm "Bố già" của Mario Puzo đã không còn là một lãnh địa của "omerta" (luật im lặng) nữa. Hôm mới rồi, một doanh nhân đã lên tiếng tố cáo mafia đòi tiền bảo kê với hoạt động kinh doanh của ông. 4 tên mafia đã bị bắt. Đó là lần đầu tiên một ai đó dám công khai chống mafia ở Corleone này.
Điều kì diệu nào đã xảy ra ở vùng đất đã lấy cảm hứng để Mario Puzo viết nên thiên thiểu thuyết bất hủ "Bố già", mà trong đó, nhân vật chính, bố già Vito Corleone đã lấy chính tên của thị trấn để làm họ cho mình?
Tố cáo một hoặc vài tên mafia tống tiền mình ở những nơi khác trên đất Italy, kể cả ở Palermo, thủ phủ của đảo Sicily, nơi Cosa Nostra coi như vương quốc của chúng, từ nhiều năm nay đã là một việc rất bình thường. Bất chấp việc mafia đã từng giết chết những người nào phá luật "omerta" để tố cáo chúng, đã đe dọa bất cứ ai dám chống lại chúng, đã tấn công các lực lượng đại diện cho pháp luật, người ta ngày càng đứng lên chống lại chúng nhiều hơn.
Nhưng Corleone không phải là một nơi bình thường. Đây là quê hương và là sào huyệt của những bố già khét tiếng nhất trong lịch sử của hệ thống Cosa Nostra, từ Riina (bố già của các bố già Cosa Nostra từ năm 1982 đến khi bị bắt vào năm 1993), Provenzano (kẻ thay thế Riina, đã bị bắt vào năm 2006 sau 43 năm lẩn trốn) cho đến Bagarella, một kẻ giết người tàn bạo, thủ phạm của cả trăm vụ giết người, trong đó có vụ giết hại thẩm phán Giovanni Falcone ở Capaci vào năm 1992. Và chính vì thế, việc một công dân công khai chống lại chúng sau khi bị đòi nộp tiền bảo kê đã trở thành một sự kiện gây chấn động toàn Italy. Đây là vụ đầu tiên trong lịch sử, và có lẽ sẽ không phải là cuối cùng.
Corleone nhỏ bé, nhưng giống như một thành phố câm lặng trước tất cả. Quyền lực của Cosa Nostra bao trùm lên mọi thứ. Nhìn từ bên ngoài, thị trấn vẫn hoạt động bình thường, nhưng những cửa sổ hầu như đóng kín, cuộc sống trôi qua chậm chạp, và ở đây, người ta ít nói hơn, điều bất thường, bởi người Ý nói rất nhiều.
Trên mặt trận chống tội phạm thì sao? hơn 60 năm đã trôi qua kể từ tháng 8/1949, khi một đại úy trẻ tuổi có tên Carlo Alberto Dalla Chiesa cùng với một nhóm hiến binh tiến vào nơi này để truy tìm tên mafia đã sát hại một lãnh đạo công đoàn (năm 1982, Dalla Chiesa và vợ đã thiệt mạng trong một vụ xả súng của mafia. Khi đó, ông là cảnh sát trưởng của Palermo, thành phố bây giờ có một phố mang tên ông). 35 năm đã qua kể từ ngày nhiếp ảnh gia Letizia Battaglia tổ chức một cuộc triển lãm những bức ảnh chụp các bố già của đảo Sicily trên một quảng trường của Corleone. Nhưng triển lãm vắng tanh. Không một người dân thường nào của thị trấn này dám tới xem những bức ảnh ấy.
Corleone trở thành một nơi kì lạ và dị ứng với máy ảnh. Có rất ít ảnh về Corleone trên mạng. Người dân chắc chắn sẽ khuyên bạn không chụp ảnh ở nơi này. Và tốt nhất là đừng chụp họ hay bất cứ ai. "Sẽ có người không thích điều ấy", họ có thể sẽ giải thích cho bạn điều đó.
Nhưng đó là quá khứ. Mafia bây giờ không còn mạnh như mafia trước kia. Corleone cũng đã thay đổi. Và đó là lí do tại sao những bức tường "omerta" cũng đã sụp đổ ở cái thị trấn nổi tiếng với những "người đàn ông trọng danh dự" này, khi điều mà không ai tin được lại có thể xảy ra, từ một doanh nhân sống không xa ngõ Scorsone, nơi vẫn còn ngôi nhà của bố già Toto Riina: ông đã tố cáo mafia tống tiền ông.
Đó là một doanh nhân khá nhiều người biết đến ở Corleone này và ông đã thể hiện sự phản kháng dữ dội trước sự "mè nheo" của mafia. Lời tố cáo đầu tiên của ông với cảnh sát: "Tệ nạn đòi bảo kê đã khiến tôi ngộp thở. Tôi đã phải đóng cửa hai công ti của mình". Lời tố cáo thứ hai: "Chúng đòi tôi 2 nghìn euro như là khoản chi đầu tiên chỉ để cho việc xây nơi đỗ xe. Sau đó, chúng bắt tôi phải nộp tiền bảo kê mỗi tháng 600 euro".
Lời khẳng định của ông sau khi 4 tên mafia, hầu hết đều ở tuổi trung niên, đã bị bắt: "Sáng nay tôi đọc báo và xác nhận đó là chúng. Chính chúng đã tống tiền tôi". Dưới ảnh của 4 người đàn ông này là tên, tuổi và địa chỉ rõ ràng, với lời buộc tội đòi tiền bảo kê đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và thương mại ở Corleone. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người "câm điếc" ở Corleone đã không còn câm điếc nữa. Thành trì cuối cùng của "omerta" đã sụp xuống.
Báo chí Italy đã gọi đây là một sự kiện động trời ở Corleone, thị trấn cách Palermo, thủ phủ của đảo Sicily không xa. Trong suốt nhiều thập kỉ, các hoạt động kinh tế ở Corleone gần như đã bị đình đốn, nhất là trong khu vực dịch vụ, chủ yếu là với số vốn nhỏ. Cuộc suy thoái kinh tế đã khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa, mức thuế cao khiến những người còn trụ được trở nên khốn đốn, nhưng chính mafia, với hoạt động đòi bảo kê truyền thống của chúng đã giáng lên đầu họ một phát súng ân huệ.
Trong hai năm qua, số cơ sở kinh doanh ở Corleone và vùng ngoại vi phá sản đã tăng 50%, và những ai còn tồn tại được phải im lặng è lưng gánh các khoản bảo kê từ vài trăm đến vài nghìn euro mỗi tháng. Những ai không nộp hoặc nộp chậm luôn chứng kiến một điều quen thuộc: ban đầu thì cửa hàng bị vỡ kính, sau đó thì xe bị đục thủng bình xăng, cuối cùng thì nhà của họ hoặc cửa hàng "đột nhiên" cháy giữa đêm.
Thượng nghị sĩ Giuseppe Lumia, một thành viên của Ủy ban chống mafia của Quốc hội Italy cho rằng, "những người kinh doanh và bán lẻ đã bị dồn vào chân tường vì khủng hoảng và bảo kê cuối cùng cũng đã đứng lên. Những gì xảy ra ở Corleone là một điều đáng chú ý. Chỉ có đứng lên chống lại chúng mới là cách duy nhất để giải thoát khỏi mafia". Một nhật báo phát hành ở Palermo viết rằng, người doanh nhân tố cáo mafia đã từng xin chúng cho giảm số tiền bảo kê xuống, nhưng chúng không chịu, và ông quyết định lên tiếng, điều mà mafia không tin là ông có thể làm. Vì trước đó, chúng đã dọa sẽ giết ông.
Trên thực tế, chúng ta biết gì về Corleone, ngoài việc cái tên ấy gắn với cuốn sách của Mario Puzo và bộ phim kinh điển của đạo diễn Francis Coppola? Thị trấn cách Palermo gần 60 cây số ấy là nơi nổi tiếng nhờ Bernardo da Corleone, một vị thánh; Francesco Paolo Nasce, một học giả; Bernardino Verro, một chính trị gia bị mafia sát hại; Pippo Rizzo, họa sĩ; Francesco Bentivegna, một người yêu nước bị triều đình Bourbon tử hình; Toto Riina, Bernardo Provenzano, Leoluca Bagarella và Vito Ciancimino, những bố già khét tiếng tàn bạo; và đương nhiên, người doanh nhân đã làm sụp đổ bức tường im lặng đã tồn tại hàng bao thập kỉ.
Đấy được coi là một lời phản kháng, một dấu hiệu cho thấy người ta đã không còn sợ hãi trước mafia nữa. Sau khi Riina và Provenzano bị bắt, Cosa Nostra vẫn chưa hoàn hồn. Nhưng người ta vẫn cho rằng, ở trong tù, bằng một cách nào đó, Riina vẫn chỉ đạo đàn em ở ngoài đời và không ngần ngại đe dọa những công tố viên đang tiếp tục cuộc chiến chống lại mafia.
Bây giờ, một nửa gia đình Riina không còn ở Corleone nữa, bạn bè không dám thể hiện là đã từng chơi với hắn, họ hàng của Riina cũng đã bỏ nơi này ra đi, vì không muốn dính líu đến tên tuổi của hắn nữa. Toàn bộ tài sản của Riina và Provenzano, bao gồm nhiều trang trại, nhà riêng, các mảnh đất, các công ti và nhiều tài khoản ngân hàng, đã bị tịch thu. Báo chí Italy viết rằng, các cuộc chiến mạnh mẽ chống lại mafia, cũng như thái độ phản kháng của nhiều doanh nghiệp bị chúng bắt nộp tiền bảo kê, đã giáng những đòn trí mạng lên chúng.
Nhưng những kẻ kế vị Riina và Provenzano vẫn ngoi lên. Ba tháng trước, cảnh sát đã bắt được một tên mafia đang nhăm nhe lên nắm quyền bố già. Hiện tại, cảnh sát cho rằng, băng Cosa Nostra của thị trấn Corleone đã có thủ lĩnh mới. Tên hắn là Antonino di Marco. Và bản thân hắn cũng đã nói. Không phải trực tiếp với cảnh sát, mà lời của hắn đã bị thu trộm trong một cuộc họp với các đàn em để phân chia các nguồn lợi từ việc khai thác các gói thầu xây dựng cơ bản mà một số quan chức địa phương biến chất đã "biếu" chúng.
Trong cuộc họp ấy, hắn yêu cầu, mafia bây giờ cần phải biết hành xử hơn. Hắn nói: "Chúng ta là một gia đình. Cần phải tỏ ra thanh thản và biết tôn trọng lẫn nhau. Cần phải tỏ ra có học hơn". Vậy đấy, đây không còn là Corleone của Mario Puzo hay Toto Riina. Đây là Corleone của năm 2015...
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Tags