Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tự rút khỏi giải Nhì

Thứ Sáu, 05/02/2010 14:11 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Sau hai năm phát động (2008-2009), hôm qua (4/2) Cuộc thi thơ và truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) đã khép lại bằng lễ Tổng kết và trao giải thưởng tại Trụ sở Tạp chí VNQĐ (4 Lý Nam Đế HN). Đáng chú ý trong buổi trao giải là nhà thơ Nguyễn Việt Chiến – người đoạt một trong ba giải Nhì về thơ với tác phẩm  Thời đất nước gian lao trước đó vào ngày 2/2 đã làm giấy đề nghị gửi BBT Tạp chí VNQĐ cũng như Hội đồng chung khảo cuộc thi xin tự nguyện rút tên khỏi danh sách đoạt giải…

1. Cụ thể, lời đề nghị của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến do chính ông đến “nhà số 4” tự thảo được ông Nguyễn Bảo, TBT tạp chí VNQĐ đọc tại Lễ trao giải có nội dung: “Tôi là nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, HV Hội Nhà báo VN, PV báo Thanh niên. Hôm nay ngày 2/ 2/2010, tôi đã đến trụ sở tạp chí Văn nghệ Quân đội, gặp lãnh đạo tạp chí và Ban chung khảo cuộc thi và truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội 2008- 2009 và tôi xin tự nguyện rút tên khỏi danh sách đoạt giải cuộc thi vì sau khi giải thưởng được công bố tôi thấy có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi đã từng đoạt giải cao của tạp chí VNQĐ về thơ nên việc có tên trong một giải thưởng nữa cũng không quan trọng lắm...”.

Như vậy, với sự tự nguyện rút tên khỏi danh sách những tác giả đoạt giải của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, giải Nhì cuộc thi thơ Tạp chí VNQĐ chỉ còn hai cái tên “ẵm giải” là Hoàng Chiến Thắng với tác phẩm Bà tôi và Đoàn Mạnh Phương với chùm thơ Những người lính thời bình, Người không có trong tấm ảnh, Đổi thay.

...Mẹ lại thấy chúng con về
như cánh cò tuổi thơ lưu lạc
đã bao ngày phải xa rời thôn ổ yêu thương
chúng con trở về tìm lại giọt nước mắt xót xa và đắng cay của mẹ

một bên là núi sông ngăn cách
còn bên kia là bóng đêm chiến tranh
vẫn biết đạn bom không có mắt
vẫn biết hận thù không thể phân biệt nổi
đâu là hoa sen và đâu là bùn tối
nhưng các anh vẫn phải ra đi...

(Trích thơ: Thời đất nước gian lao của Nguyễn Việt Chiến)

2.
Mảng văn xuôi để khuyết giải Nhất, chỉ có 3 giải Nhì được trao cho Nguyễn Phú với chùm tác phẩm: Rau cay, Đồi lau sau hoa tím; Nam Ninh với chùm tác phẩm: Chuyện không có trong báo cáo, Mắt trẻ thơ; Nguyễn Anh Vũ với chùm tác phẩm: Cửa Bắc, Ngủ giữa hoa sen cùng 4 giải Ba và 5 giải Khuyến khích .

Nhìn nhận về vấn đề này, Tổng biên tập tạp chí  VNQĐ, nhà văn Nguyễn Bảo cho biết: Truyện ngắn chưa tìm được ngọn cờ đúng nghĩa trên cái chân đế khá rộng và cao của cuộc thi này. Hội đồng chung khảo rất muốn trao ngôi vị quán quân cho một trong ba người đoạt giải Nhì nhưng xét lại cả ba tác phẩm đoạtgiải Nhì thì thấy họ vẫn còn có những hạn chế nhất định. Vì vậy nếu trao giải Nhất cho một trong ba tác phẩm thì e khó thuyết phục của số đông bạn đọc đang kỳ vọng dành cho cuộc thi này. Để khuyết giải Nhất là biểu hiện sự nghiêm túc của các thành viên chấm giải, sự đồng thuận trong đánh giá cuộc thi, phản ánh đúng hiện trạng của truyện ngắn hôm nay và sự tôn trọng đúng mức đối với bạn đọc vốn yêu quý phần văn xuôi của tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhà văn Nguyễn Bảo kết luận: Cuộc thi đã có nhiều cái mới, nhưng cái mới trong mỗi tác phẩm dự thi vẫn là cái còn dở dang, chưa thể đi tới đích.  Cả truyện ngắn và thơ chưa tìm được sự bứt phá, sự đột biến mới lạ, chưa có được tác phẩm đỉnh cao để nhiều người “tâm phục khẩu phục”. Vì vậy, chúng ta không nên bi quan mà hãy kiên nhẫn chờ đợi ở tài năng của mỗi tác giả chứ không phải ở một cuộc thi tổ chức trong vòng hai năm”.

Tạp chí VNQĐ phối hợp với tạp chí Sông Hương phát động cuộc thi thơ lục bát hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010). Cuộc thi dành cho mọi đối tượng, lứa tuổi, không giới hạn đề tài, miễn là thơ lục bát có nội dung phù hợp chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào, kể cả trên Internet. Thời gian nhận thơ dự thi bắt đầu từ đầu tháng 2 đến hết ngày 31/12/2010. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến sẽ được tổ chức tại TP. Huế đầu năm 2011. Các tác giả có thể gửi tác phẩm dự thi đến hai tạp chí Văn nghệ Quân đội (4 Lý Nam Đế HN) và tạp chí Sông Hương (9 Phạm Hồng Thái, Huế).

Nguyễn Phạm

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›