(Thethaovanhoa.vn) - 50 năm cầm bút, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã có buổi trò chuyện với độc giả ngày 28/8, nhân dịp tái bản tập phiếm luận "Nhân nào quả ấy".
1. Cuộc trò chuyện diễn ra tại Đường sách TP.HCM, với “MC bất đắc dĩ” là nhà văn Võ Diệu Thanh. Không chuẩn bị kịch bản, nhưng sự dẫn dắt của nhà văn này đã giúp nhà phê bình Vương Trí Nhàn chia sẻ khá nhiều tâm tư với cử tọa, (đa phần là các độc giả trẻ).
Nhân nào quả ấy ra mắt lần đầu vào năm 2004, gồm các bài phiếm luận về cuộc sống và văn hóa nguời Việt, được Vương Trí Nhàn viết trên Thể thao & Văn hóa (TTXVN) và một số tờ báo khác. Bây giờ, được NXB Hội Nhà Văn và công ty Nhã Nam tái bản, những vấn đề của cuốn sách vẫn còn nguyên tính thời sự, sau 12 năm.
Chẳng hạn, 12 năm trước, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn ưu tư: “Báo chí hàng ngày một vài năm gần đây đầy rẫy những bài vở tin tức có liên quan tới các hiện tuợng mà ta quen gọi là tiêu cực xã hội: đó là ăn cắp, tham nhũng, hối lộ, làm hàng giả, gian lận, dối trá (…). Đó cũng là tình trạng mất lòng tin sâu sắc dẫn đến mê tín dị đoan, và mở rộng ra là hiện tượng tha hóa, tức tự thấy mình bị làm hỏng, mình đang xấu đi, - một điều chắc chắn khiến cho những người còn chút lương tri cảm thấy có lỗi mà không biết cách nào thay đổi”.
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn (phải) và nhà văn Võ Diệu Thanh tại buổi giao lưu
Rồi, trong bài Tại sao có nạn chùa giả?, Vương Trí Nhàn lý giải về nguyên nhân của lòng tham lam vụ lợi: “Một khi “hơi đồng” đã bén, mấy ai còn nghĩ đến di tích như một địa điểm văn hóa nữa, mà chỉ còn biết xem nó như một mỏ tiền khai thác không bao giờ cạn kiệt (!)”.
Bây giờ, ông nói thêm rằng: người ta đi lễ hội vì ham vui chứ không vì tín ngưỡng. Người ta còn đem di sản kiếm tiền và thậm chí bịa ra di sản để trục lợi.
2. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn cũng luôn đau đáu về tính chuyên nghiệp trong công việc của người Việt. Ông bảo rằng người Việt không có thái độ làm việc chuyên nghiệp.
Nhà văn Lý Lan từng viết rằng người Hoa ở Chợ Lớn làm thuê cho chủ, khi muốn ra ngoài lập nghiệp riêng phải được chủ đồng ý. Và người làm thuê không được cạnh tranh với chủ cũ, đó là đạo lý của người học việc. Còn người Việt, không thiếu trường hợp học nghề xong lại đi cạnh tranh lại với ân sư của mình, thậm chí mở tiệm ngay bên cạnh nhà chủ nhà thầy.
"Nói đến người Việt, người ta thường nói đến từ “đa di năng”, làm gì cũng được. Tưởng là hay là giỏi, nhưng làm việc không có gì tới nơi tới chốn" - nhà phê bình Vương Trí Nhà chua xót. "Học trong sách thấy người Việt siêng năng chăm chỉ, song người Việt lười biếng trong công việc so với nhiều dân tộc khác, cứ đi ra một số nước sẽ thấy họ làm việc ra sao...."
3. Dù nay đã 74 tuổi với 50 năm cầm bút, nhà phê bình Vương Trí Nhàn vẫn cho rằng, nghề viết hay các nghề khác luôn cần một sự học không ngơi nghỉ.
Ông nói: “Phải học viết, có người nói học sợ ảnh hưởng. Nhưng Xuân Diệu học quá trời thơ Pháp rồi mới làm thơ. Khi viết tản văn, tôi học nhiều từ Nguyễn Khải, Mai Thảo… Và người viết cũng cần điều kiện để hành nghề, các nhà văn khi xưa giữ mục trên báo phải viết thường xuyên, như đóng gạch mỗi ngày, khiến không thể làm biếng”.
Nhà phê bình Vương Trí Nhàn “học viết” bằng cách nghiên cứu về các nhà văn. Khi nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết một bài về nhà văn Nguyên Hồng với tên Một thời đã mất, Vương Trí Nhàn đọc được bài này và “góp ý” với Bùi Ngọc Tấn nên khai triển thành một cuốn sách.
Ông nói: “Chúng ta coi thường sự lặt vặt là không nên, từ sự nhỏ mới thành sự lớn. Tôi mới đi Quy Nhơn, vào quán ăn thấy có giấy chứng nhận “có kiến thức về an toàn thực phẩm”, tôi phục nơi cấp cái giấy này. Lâu nay chỉ có giấy chứng nhận “an toàn vệ sinh thực phẩm”, nhưng “an toàn vệ sinh” thế nào nếu cá nhân không có kiến thức về nó”.
Tròn một con giáp Nhân nào quả ấy đuợc lưu hành, đọc lại và nghe thêm những tâm tư của tác giả, người ta vẫn thấy ông như đang viết cho ngày hôm nay.
Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa
Tags