(Thethaovanhoa.vn) - Trên truyền thông, thỉnh thoảng lại “mọc” lên vài hoa hậu, á hậu có được cái gọi là danh hiệu từ nhiều “cuộc thi chui”. Thậm chí, cuối năm 2015, Oanh Yến – khi đã là mẹ của hai con - vẫn ngang nhiên tham dự một cuộc thi “hoa hậu ao làng” và bức xúc cho rằng, vì sao cô “mang lại niềm tự hào cho nhan sắc Việt” mà lại bị phạt?
- Cấm công bố danh hiệu sắc đẹp do 'thi chui' và ảnh 'phản cảm' lên mạng
- Hàng loạt người đẹp 'thi chui', Cục quyết mạnh tay xử lý
Không còn hoa hậu “tự phong”
Nhưng nếu điều đó xảy ra, thảm cảnh “loạn danh hiệu”, “loạn hoa hậu” như đã từng xảy ra trong quá khứ khoảng 10 năm trước sẽ lặp lại. Có thể chính vì lẽ đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 “xiết chặt” hơn với các trường hợp “thi chui” này.
Cụ thể, theo thông tin đăng tải chiều qua (11/3) trên Chinhphu.vn, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 nêu rõ quy định các người đẹp “không công bố, sử dụng danh hiệu đạt được tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu do tham dự trái phép mà có”.
Oanh Yến sau khi “thi chui” còn tổ chức tiệc ăn mừng
Theo quy định hiện hành, người đi dự thi hoa hậu quốc tế phải “đã đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước” thì mới được cấp phép.
Nhưng thực tế, rất nhiều người đẹp không hề có bất kỳ danh hiệu gì cũng sẵn sàng “vượt rào” để tham gia các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức như kiểu hội chợ ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều cái tên trong số này sau đó còn sẵn lòng nộp phạt, dù số tiền này không nhỏ (lên tới 30 triệu đồng), như: Quế Vân, Lâm Thùy Anh, Cao Thùy Linh, Khánh Ngọc...
Sau khi nộp phạt, nhiều người trong số họ lại ngang nhiên sử dụng danh hiệu hoa hậu, á hậu nhằm kinh doanh, hay “đánh bóng” bản thân. Tiếp tay cho những kẻ “háo danh” có mục đích này, một số trang tin cũng sẵn sàng “tôn” họ lên làm hoa hậu!
Với quy định sửa đổi nói trên, những cuộc thi sắc đẹp... cấp phường hoặc không được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền chắc chắn cũng không được dùng danh hiệu để kiếm lợi.
“Người của công chúng” phải giữ hình ảnh sạch
Không chỉ có thế, Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 còn ra yêu cầu giữ gìn hình ảnh đối với những “người của công chúng”: “Đối với người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thí sinh thi người đẹp, người mẫu ngoài những quy định bắt buộc còn phải có trách nhiệm giữ gìn đạo đức, hình ảnh và danh hiệu của người đạt giải phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam và đúng quy định của pháp luật”.
Đã nhiều lần, các nhà quản lý văn hóa từng tổ chức hội thảo về “trách nhiệm xã hội của những nghệ sĩ biểu diễn”. Tại đó, nhiều người trong giới lên án gay gắt những nghệ sĩ cố tình không mặc nội y khi trình diễn trên sân khấu hoặc ở sự kiện, mặc hở hang... để gây chú ý.
Nhưng tất cả cũng chỉ dừng ở sự... bức xúc mà thôi, vì không có quy định gì cụ thể. Ở Hàn Quốc, nhiều ca sĩ, nhóm hát... bị cấm diễn vì mặc phản cảm, còn ở Việt Nam thì chưa. Đấy là chưa kể đến việc nhiều hoa hậu, người đẹp đội trên đầu vương miện đại diện hình ảnh phụ nữ Việt nhưng cũng có hành vi phản cảm, trái thuần phong mỹ tục...
Để thực thi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 thì thời gian tới, Bộ VH,TT&DL còn phải sửa đổi cả Nghị định 158 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.
Với sự chặt chẽ và cập nhật của các quy định sẽ có hiệu lực thời gian tới, hy vọng, danh hiệu hoa hậu, người đẹp sẽ thực sự mang đúng ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt; còn các “sao” thì cũng có trách nhiệm hơn với hình ảnh của mình.
Hà Chi
Thể thao & Văn hóa
Tags