(Thethaovanhoa.vn) - Vở kịch Người đàn bà uống rượu (KB: Hữu Ước, ĐD: Quốc Thảo) của Kịch Hồng Vân (TP.HCM) không đề cập đến khái niệm chính trị to tát, mà chỉ mô tả cuộc đời một phụ nữ đi qua chiến tranh. Từ đó, người xem nhận ra những nỗi đau đằng sau chiến thắng vẻ vang, trong một giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm.
1. Theo “bà bầu” Hồng Vân, vở Người đàn bà uống rượu sẽ tái ngộ với khán giả Hà Nội tại rạp Âu Cơ trong khuôn khổ Liên hoan Sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an năm 2015 vào ngày 23/7/2015.
Như một mặc định tất yếu của nhiệm vụ chính trị, rất nhiều tác phẩm về người lính phía thắng cuộc được viết theo mô-típ tô hồng và thần thánh hóa nhân vật. Ở đó, những người lính bước ra từ cuộc chiến luôn là những tượng đài không tì vết.
Những tác phẩm miêu tả góc khuất của chiếc huy chương chiến thắng kiểu Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh chỉ chiếm số ít. Vì vậy, khi bắt gặp phong cách này người xem thấy phấn khích và thích thú, do được nhìn ngược về cuộc chiến qua lăng kính đa chiều.
Kịch bản Người đàn bà uống rượu do nhà văn - Trung tướng Hữu Ước viết từ năm 2004, được dàn dựng vài lần. Đây là câu chuyện về thân phận con người trong cuộc chiến. Tác giả phê phán kỷ luật quân đội cứng nhắc, nơi cố gắng biến con người thành những cổ máy vô tri, vô giác. Trong giai đoạn đó, người ta buộc phải quên đi nhu cầu tất yếu của bản thân như là tình yêu, tình dục để cống hiến cho mục tiêu duy nhất là giành chiến thắng trước kẻ thù.
Thế nhưng con người dù trong hoàn cảnh nào vẫn không thể biến thành gỗ đá mà luôn có xúc cảm bản năng rất người. Vì thế, trong Người đàn bà uống rượu, có cảnh những người lính trẻ vì khát khao hơi ấm của thân thể người phụ nữ, đã lấy trộm quần áo lót của mấy chị em cứu thương trong tiểu đội của Duyên.
Trong cuộc chiến khốc liệt mà không ai biết ngày mai ai còn ai mất, mùi đàn bà là nỗi thèm muốn cháy bỏng của những gã trai chớm tuổi đôi mươi. Dù sự khắc nghiệt của quân đội có sắt đá đến thế nào đi nữa, thì trái tim người phụ nữ vẫn dạt dào và nồng ấm tình người. Chính vì thế, Duyên đã dâng hiến trinh tiết của mình cho người lính cảm tử vào cái đêm trước khi anh nhận nhiệm vụ một đi không trở lại.
2. Nhưng điều đẹp đẽ và thiêng liêng ấy phải trả giá. Cô bị đuổi khỏi quân đội vì tội chửa hoang. Từ đó, cuộc đời của Duyên biến thành một bi kịch. Cô chỉ còn là chiếc bóng vất vưởng bên lề xã hội, một kẻ thừa thãi trong một đất nước hòa bình mà cô đã từng bỏ cả tuổi thanh xuân của mình để góp sức cùng nhiều người tạo nên nó. Có lẽ trong cuộc chiến ấy cuộc đời đầy bi kịch của Duyên không chỉ là một.
Cái tứ như vậy buộc đạo diễn Quốc Thảo dồn đất diễn vào nhân vật Duyên (Kim Huyền thủ vai), khiến 14-15 nhân vật còn lại khá mờ nhạt. Điều này khiến cho mạch kịch chưa đủ tình tiết xung đột để đẩy lên thành cao trào.
Giá như đạo diễn tạo thêm nhiều tình huống mà cái tôi của người lính trong Duyên bị tổn thương nặng hơn bởi những người trong thời bình. Lúc đó, nỗi đau của người đàn bà uống rượu sẽ được cảm nhận rõ và sâu hơn.
May mà Kim Huyền đã chuyển tải rất tốt tính cách gai góc, bất cần đời của người đàn bà bất hạnh. Được biết Kim Huyền đã tạm dừng diễn sân khấu trong thời gian khá dài, vì vậy, chị gặp áp lực rất nặng nề khi nhận vai diễn nặng ký này. Trong một cố gắng tột cùng, Kim Huyền đã làm tốt nhưng đã kiệt sức vào phút cuối. Trong suất diễn ra mắt khán giả TP.HCM vào tối 18/7/2015, chị đã ngất vào lúc cuối của vở diễn vì phải tập trung quá nhiều năng lượng cho nhân vật.
Tam Anh
Thể thao & Văn hóa
Tags