(Thethaovanhoa.vn) - Gần một tuần qua, những tranh luận quanh việc Mỹ Linh hát Quốc ca trước Tổng thống Obama vẫn chưa đi tới hồi kết.
- Mỹ Linh hát Quốc ca theo phong cách thính phòng trước Tổng thống Obama
- Ca sĩ Mỹ Linh sẽ hát Quốc ca trước Tổng thống Barack Obama
Các diva thế giới từng hát Quốc ca như pop/ballad
Luồng ý kiến phản đối cho rằng hát quốc ca phải “hào hùng”, phải “khơi dậy tình yêu dân tộc”, không được đem Quốc ca để hát thử nghiệm.
Đúng là thông thường Quốc ca Việt Nam được hát hoặc tấu lên bằng nhạc cụ với sự hùng tráng, oai nghiêm, như thúc giục mọi người lên đường… ra trận. Nhưng Mỹ Linh có dụng ý riêng của cô, cô hát Quốc ca của thời bình, chứ không phải thời chiến. Còn việc “khơi dậy tình yêu dân tộc” có lẽ không nhất thiết phải “hào hùng”.
Trong thực tiễn, việc khơi dậy tình yêu dân tộc, tình yêu quê hương đất nước nhiều lúc không phải là những giai điệu “giật đùng đùng” mà là những giai điệu sâu lắng, đôi lúc da diết, làm rung động trái tim mọi người.
Việc hát Quốc ca theo cách khác với thông thường cần được hiểu rằng: đó không phải là “thử nghiệm” (để nếu thành công thì mọi người sẽ sử dụng thành quả này), mà chỉ là một cách thể hiện cảm xúc tình cảm khác của người hát trong một sự kiện, bối cảnh cụ thể nào đó, với mong muốn đem lại cho người nghe một cảm xúc thú vị hơn.
Nghĩa là, nếu Mỹ Linh được mọi người “vỗ tay rần rần”, chứ không phải bị “ném đá” thì sau đó mọi người vẫn hát Quốc ca như thông thường chứ không phải hát theo cách của Mỹ Linh.
Về điều này, chúng ta hình như chưa quen, bởi định kiến “như đinh đóng cột” hằn sâu trong suy nghĩ của nhiều người.
Dù Quốc ca Mỹ thường được tấu lên hùng tráng (dẫu bài nhạc này ở nhịp 3/4), nhưng trước 800 ngàn người trong lễ nhậm chức của Tổng thống Obama ngày 21/3/2013 tại thủ đô Washington, ca sĩ Beyonce đã hát nửa phần đầu của bài này với tình cảm sâu lắng, da diết.
Điều đáng nói là Beyonce đã biến bài hát từ nhịp 3/4 thành nhịp 4/4 - thay đổi cả tiết tấu của bài hát.Trong lúc Mỹ Linh chỉ thay đổi tốc độ và cách diễn đạt tình cảm, còn giai điệu và tiết tấu thì giữ nguyên.
Một trường hợp khác, tại lễ trao giải Bóng rổ nhà nghề Mỹ vào năm 1988, Whitney Houston đã hát Quốc ca Mỹ với cách hát A cappella (giống như Mỹ Linh), tiết tấu thì gần như tự do. Lúc hát, có nhiều đoạn hứng khởi, Whitney Houston còn dang tay múa máy, chỉ trỏ.
Ngày 3/2/2002 trước 73 ngàn cổ động viên trong trận chung kết Super Bowl, Mariah Carey cũng hát Quốc ca Mỹ với tình cảm nhẹ nhàng sâu lắng, có chỗ gần như “nức nở”.
Nói những điều trên để thấy rằng, điều mà diva Mỹ Linh làm cũng là điều mà nhiều diva trên thế giới cũng từng làm.Và, cũng để thấy rằng không khí sinh hoạt nghệ thuật ở đất nước họ thật sự cởi mở và thoáng đãng.
Hãy cởi mở để cổ vũ Mỹ Linh tiếp tục sáng tạo
Gần đây, trên một tờ báo, nhạc sĩ Trần Minh Phi có bài viết về vấn đề lý luận phê bình âm nhạc.Một ý kiến trong đó rất chuẩn xác, nếu áp dụng vào trường hợp này: “Có thể khẳng định với nền âm nhạc phổ thông ở Việt Nam (chúng ta phải xác quyết lại dù là phổ thông nhưng nó vẫn là một bộ môn nghệ thuật), chúng ta thấy vắng bóng hoàn toàn lý luận phê bình chuyên nghiệp”.
Có nhiều ý kiến của công chúng âm nhạc thuần túy được trích dẫn như những “nhận xét phê bình” đối với “tiết mục” trình diễn Quốc ca của Mỹ Linh, thay vì họ là người được định hướng để cảm nhận những cái mới mẻ mà nghệ sĩ muốn thể hiện. Một số nhạc sĩ phát biểu ý kiến trên truyền thông, nhưng đa số chưa đưa ra được nhận định mang tính khách quan và có chứng cứ.
Những nhạc sĩ ủng hộ thì cho rằng Mỹ Linh hay, nhưng không nói hay ở chỗ nào. Còn các nhạc sĩ không ủng hộ, có người còn cho rằng đó là “thảm họa quốc tế” nhưng không chỉ rõ điều gì đã gây ra thảm họa. Nhìn chung đa số ý kiến là “theo tôi…” hoàn toàn mang cảm tính. Mà đã cảm tính thì khó thuyết phục người khác.
Nếu nhìn nhận khách quan “tiết mục” Quốc ca do Mỹ Linh trình bày, có thể nói: việc Mỹ Linh hát A cappella (không nhạc đệm) cũng là việc bình thường đối với thế giới (tuy quá mới mẻ ở Việt Nam). Mỹ Linh xử lý bài nhạc với tốc độ chậm, cũng là việc hợp lý, vì cô muốn thể hiện sự nhẹ nhàng, sâu lắng. Mỹ Linh đã hoàn thành bản Quốc ca khá tốt theo ý đồ biểu diễn của mình với chất giọng và cảm nhận của một diva.
Tuy nhiên, cũng có một vài sơ suất nhỏ đã xảy ra.Trước hết, đó là hát ở ton thấp, như chính Mỹ Linh đã nhìn nhận. Ngoài ra việc xử lý sắc thái (mức độ mạnh, nhẹ của âm thanh) chưa thật sự nhuần nhuyễn, đầu câu hát “cờ in máu…” âm thanh hơi gắt; ở chữ “ngừng” của câu “vì nhân dân chiến đấu không ngừng” cao độ chưa chuẩn xác so với bản nhạc.
Điều này chúng ta có thể hoàn toàn thông cảm cho Mỹ Linh, khi cô hát không có dàn nhạc, và có lẽ vì hát trong một sự kiện quá trọng đại làm cho cô hồi hộp.Và khi hồi hộp thì rất khó giữ cột hơi để phát âm chuẩn xác.
Nhìn chung Mỹ Linh đã hoàn thành khá tốt bài Quốc ca theo ý đồ thể hiện của mình, tuy không đạt hiệu quả 100%. Cái lớn mà Mỹ Linh vấp phải là sự tiếp nhận cái mới của đông đảo mọi người. Chúng ta đang hô hào cho tự do sáng tạo nghệ thuật, vậy thì trong trường hợp này, dù kết quả chưa thật mỹ mãn, nhưng mọi người hãy có thái độ cởi mở và cổ vũ để Mỹ Linh tiếp tục sáng tạo trong sự nghiệp ca hát của cô.
Quốc ca Mỹ hùng tráng
Beyonce hát Quốc ca Mỹ với cảm xúc nhẹ nhàng vào ngày 21/1/2013 tại thủ đô Washington trước 800.000 người nhân lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama
Whitney Houston hát Quốc ca Mỹ như trình diễn một bản ballad (tại lễ trao giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) vào năm 1988)
Mariah Carey hát Quốc ca Mỹ chậm rãi, nhẹ nhàng tại trận chung kết Super Bowl vào ngày 3/2/2002 tại New Orleans trước 73.000 người
Mỹ Linh hát Quốc ca Việt Nam theo phong cách thính phòng trước Tổng thống Obama
Hát Quốc ca là một hình thức nghệ thuật |
Hải Long
Thể thao & Văn hóa
Tags