(TT&VH) - Xem lại Cô gái trên sông, vào thời điểm hơn 20 năm sau khi bộ phim ra đời, thấy một Minh Châu thời trẻ mặn mà, vẻ đẹp không phải do điểm son tô phấn.
Phòng chiếu nhỏ của Trung tâm TPD (Hà Nội) một ngày đầu tháng 5/2012 kín người xem, vẫn có những người phải ngồi trên sàn nhà như thường lệ. Minh Châu đến, vừa kịp nhìn quanh, chị nói luôn: “Phim chiếu đã lâu lắm rồi. Không ngờ hôm nay lại có nhiều người đến xem thế này. Cảm ơn các bạn”.
Không rõ bộ phim có ý nghĩa đến đâu trong cuộc đời của chị, chỉ biết, đến bây giờ, khi được hỏi “Cảm xúc của chị thế nào khi lần đầu đọc kịch bản?”, Minh Châu chỉ có thể nói: “Tôi rất cảm động” rồi khóc ngay được. Chị khóc, nước long lanh trong mắt, rồi nói thêm: “Vì thương cô Nguyệt quá”. Nguyệt, cô gái điếm lênh đênh trên sông Hương thời chống Mỹ là vai diễn đáng nhớ của chị.
Mình Châu trò chuyện cùng khán giả ở Hà Nội hôm 6/4.
Thời Minh Châu đóng cảnh khỏa thân
Thời đó Minh Châu rất đẹp (bây giờ vẫn thế). Áo bà ba trắng, tóc ngang lưng đen nhánh, bước đi dưới hàng cây bên bờ sông Hương, chèo thuyền trên sông Hương và cả tắm trên sông Hương. Trong phim, Minh Châu đóng nhiều cảnh khỏa thân, rất gợi cảm. Tiết lộ điều này có thể gây hứng thú cho những khán giả nam. Bởi phim dù cũ rồi nhưng nữ chính đẹp thì vẫn cứ đẹp. Thời nay ít ai biết nếu chưa xem phim. Có thể thời đó không có những tít báo như “Minh Châu khỏa thân nóng bỏng trong phim Đặng Nhật Minh”. Và cũng có thể thời đó người ta không quá quan tâm đến những yếu tố như vậy trong một bộ phim.
Thời đó, người ta vẫn quan niệm diễn cảnh khỏa thân, làm tình trên phim là một điều khủng khiếp. Thực ra, ban đầu chị đã từ chối diễn khiến đạo diễn Đặng Nhật Minh rất giận. Sau đó, quay phim Phạm Việt Thanh phải gặp riêng chị để làm “công tác tư tưởng”, gần như là năn nỉ. “Châu ơi, bây giờ phim thành công hay không chỉ phụ thuộc vào mỗi nhân vật của Châu thôi đấy”. Đến khi quay xong, chị và đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng không nói chuyện với nhau một thời gian, tất cả mọi trao đổi đều nhờ người khác chuyển lời.
Mọi chuyện chỉ được giải quyết khi chị diễn cảnh Nguyệt khóc khi bị Thu, anh cán bộ mà mình yêu và đã cứu sống, từ chối gặp mặt. Đây là cảnh xúc động nhất trong phim khi nhân vật hoàn toàn rạn vỡ và mất hết hy vọng ở cuộc đời. Khi Minh Châu khóc, quay phim và đạo diễn đều rời vị trí, chạy đến ôm lấy chị. Mọi giận dỗi được hòa giải nhờ tình yêu chung với điện ảnh, với thân phận con người.
Huế thời năm 1987 đọng lại trong ký ức của Minh Châu là một Huế đúng như trong những bài thơ. Đẹp, chân tình. Có những người chở xích lô không lấy tiền vì thương đoàn làm phim, có những cô gái giang hồ thực thụ trên sông Hương sẵn sàng trò chuyện, giúp đỡ chị trong quá trình hóa thân vào một “cô gái trên sông”, giống như họ. Đó là một thứ tình yêu điện ảnh rất hoang sơ, rất mộc mạc. Những người như thế, bây giờ đã như thuộc về một thời nào đó xa lắm. Sông Hương tấp nập, tìm răng được chừ? Khi Minh Châu trở lại Huế sau này, những gì của ngày xưa đã không còn nguyên vẹn nữa. “Hiện đại, ồn ào hơn”, chị nói, “Đi du lịch thì bị chặt chém (cười)”.
Hình ảnh trong phim Cô gái trên sông
Số phận của Cô gái trên sông
Minh Châu kể, bộ phim đã đưa chị đi nhiều nước trên thế giới, Mỹ, Đức, Ấn Độ, Nhật… Ở đâu người ta cũng đặt cùng một câu hỏi: “Tại sao phim lại bị cấm chiếu ở Việt Nam?”. Thực ra, dùng từ “cấm chiếu” là nhầm lẫn, nhưng trong hồi ký của mình, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết là “không ai dám chiếu”. Ông viết: “Bộ phim bị coi là đã bôi nhọ hình ảnh người chiến sĩ cách mạng (tuy vậy cho đến nay cũng không có một văn bản chính thức nào ra lệnh cấm chiếu, nhưng rồi cũng không ai dám chiếu lại nó)”. Về sau, phim được minh oan, đoạt giải Bạc tại LHP Việt Nam 18, Minh Châu cũng giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc.
“Nếu bộ phim bị hiểu là phản động thì thực sự đau đớn cho những người làm phim”, Minh Châu chia sẻ.
Người làm phim và sự thật
Một câu hỏi quanh quẩn mãi trong đầu tôi. Làm phim thế nào mới là dũng cảm? Quay cảnh nóng thật bạo, thật sốc, hở hết các thứ cần che trên màn ảnh để thách thức các chuẩn mực cũ? Tôi không nghĩ vậy. Cô gái trên sông cũng có những cảnh như thế, nhưng đó không phải điều duy nhất đáng nói, càng không phải điều đáng nói nhất, khi người ta nhắc đến bộ phim.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng nói: “Trong điện ảnh, tất cả đều là giả, nhưng những cái giả đó được dùng để nói lên sự thật”. Với bộ phim này, ông đã làm được điều đó. Nói lên được những sự thật mà không phải ai cũng dám nói, và nói xong thì cầm chắc đối mặt với rắc rối, nhưng để rồi, cùng với thời gian, giá trị của sự thật đó càng được khẳng định. Chính người xem cũng bị/được thuyết phục, bởi sự thật đó… thật quá, không có một chi tiết nào khiến người xem cảm thấy có sự cường điệu, giả tạo, có bàn tay can thiệp của nhà làm phim.
Sau Cô gái trên sông, trong thời gian tới, Trung tâm TPD sẽ tiếp tục chiếu miễn phí các bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam vào Chủ nhật hàng tuần.
Mi Ly