"Mật mã" trong chiếc đĩa gốm thời Lý

Chủ nhật, 19/08/2012 07:21 GMT+7

Google News

(TT&VH) - LTS: Trong sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có một chiếc đĩa gốm thời Lý trang trí ám họa (vẽ chìm) hoa phù dung và một hàng chữ chạy vòng tròn dưới lòng đĩa. Chỉ qua chiếc đĩa gốm ấy, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã "giải mã" rất nhiều vấn đề về đời sống văn hóa thời Lý - Trần. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông.

1. Dòng chữ trong lòng đĩa viết: Tố xuất phù dung dạng thanh khí/ Mại mãi khách nhân giai phú quý. Nghĩa là : Làm gốm men ngọc vẽ hoa phù dung/ Khách mua bán đều là người phú quý.

Không nhiều đồ gốm thời Lý (1010 - 1225) có đề chữ như vậy, và đối với tôi đây là trường hợp hi hữu. Thanh khí là gốm men xanh, có nghĩa là men ngọc, men celadon - một loại gốm đặc trưng của nghệ thuật thời Lý. Tuy nhiên qua thời gian, chiếc đĩa gốm này chỉ còn lại màu vàng ngả từ nhạt sang đậm từ giữa lòng đĩa ra ngoài. Một bông hoa phù dung choán đầy lòng đĩa, với bốn lớp cánh được khắc họa chìm và nằm dưới lớp men bóng, nom rất tinh nhã.

Chiếc đĩa gốm này không có dấu của những con kê lòng, mà được nung đơn chiếc, nên lòng trơn men, chứng tỏ nó là đồ quý hiếm dành cho nhà quyền quý. (Thông thường người ta nung cả chồng bát hay đĩa, và kê giữa hai chiếc bát đĩa bằng ba bốn viên sỏi cho chúng khỏi dính vào nhau sau khi nung. Trong những trường hợp gốm tiến vua, dành cho triều đình, hay đặt hàng đắt tiền, mới nung đơn chiếc và do đó lòng gốm không có dấu của con kê). Với chất lượng độc bản và những hàng chữ đề trên đĩa chứng tỏ thời kỳ này sự buôn bán gốm có thể phát đạt.



Đĩa gốm men ngà thời Lý, ảnh nguồn Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

2. Chúng ta chưa rõ nền kinh tế thương mại thời Lý thế nào, và nói chung trong các thời kỳ phong kiến Việt Nam chưa bao giờ thương mại được đánh giá cao. Tuy nhiên sự có mặt rộng khắp của gốm Lý - Trần cho thấy chúng khá được ưa chuộng và được nhiều nơi trong nước sử dụng.

Chúng tôi thấy rất nhiều gốm Lý - Trần được các sắc tộc Mường, Thái sử dụng và chôn theo người chết. Hiện có rất nhiều di vật gốm Lý - Trần lưu lạc ở Hà Tây (cũ) trong các vùng Mường, ở các vùng núi Hòa Bình, Thanh Hóa và Sơn La. Chắc chắn sự thông thương giữa miền xuôi và miền ngược đã từng có thời kỳ rất phát đạt, khi nhiều sắc tộc thiểu số thiếu những công nghệ nhất định phải mua một số mặt hàng từ miền xuôi.

Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi từng cho biết, làng Bát Tràng hàng năm sản xuất gốm, làm ăn phát đạt, mối lợi rất to. Việt Nam không có những lò gốm nội phủ (Quan diêu) dành riêng cho vua chúa quan lại như Trung Quốc, mà chỉ có những lò gốm dân gian nói chung (Dân diêu). Ở Trung Quốc chất lượng của gốm sứ Quan diêu và Dân diêu là hoàn toàn khác nhau. Các lò gốm dân gian Việt Nam hàng năm có trách nhiệm cung tiến lên triều đình những món đồ tốt nhất được trừ vào thuế và được triều đình bảo hộ, còn lại thì tha hồ buôn bán.

Chiếc đĩa gốm trên chắc chắn không phải là vật cung tiến, khi nó được đề hàng chữ như vậy, mà chỉ là một đồ vật buôn bán cao cấp. Và rất có thể là một kỷ vật làm ăn của chủ lò gốm nào đó, qua một đợt giao hàng thành công.

3. Vào thời Lý 36 phường buôn bán đã hình thành ở Thăng Long, tiền thân của 36 phố cổ sau này. Con số 36 có lẽ chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, vì sau này các phố cổ buôn bán gì đó bắt đầu từ chữ Hàng (như: Hàng Hòm) nhiều hơn thế, song cách đây hơn một nghìn năm có 36 phường buôn bán với các mặt hàng khác nhau đã là nhiều.

Chiếc đĩa có chữ trong lòng nói về sự buôn bán có ý nghĩa chúc tụng này cho biết ít nhất nghề buôn bán đồ gốm là phát đạt. Những kiểu dáng phong phú và tính thẩm mỹ cao của những đồ gốm Lý -Trần cho thấy đời sống sinh hoạt tương đối cao, thậm chí rất quý phái. Những đồ gốm luôn cho thấy thức ăn đựng trong đó có chất lượng thế nào và con người sử dụng đồ gốm ấy có phong độ như thế nào.

    Phan Cẩm Thượng

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›