Linh vật Việt đầy kho nhưng vẫn sính linh vật 'ngoại lai'

Thứ Năm, 29/10/2015 07:17 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 28/10, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có buổi trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam”. Đây được coi là cuộc “mở kho” của bảo tàng đưa linh vật Việt từ thời Đông Sơn tới các báu vật cung đình nhà Nguyễn ra với công chúng. Cùng thời điểm, phóng viên Thể thao & Văn hóa đã tới làng đá Non Nước (Đà Nẵng). Tại đây, cũng có cuộc “trưng bày” khác: linh vật ngoại lai lan tràn khắp làng đá mỹ nghệ nức tiếng trời Nam.

Hai cuộc “trưng bày” tương phản đã khắc họa rõ những nỗ lực của các ban ngành trong việc thực hiện Công văn 2662 của Bộ VH,TT&DL và tính thực tiễn của công văn này trong đời sống người dân, đặc biệt là người dân khu vực phía Nam.

Linh vật thuần Việt: Phải đặt hàng mới có

Trong cuộc trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, hơn 100 linh vật, hiện vật mang họa tiết linh vật đưa đến cho người xem bức tranh toàn cảnh về linh vật Việt qua các thời kỳ. Song, dễ thấy, những hiện vật được sưu tầm, khai quật ở khu vực Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ có mật độ dày đặc hơn các vùng khác.

Điều này có thể giải thích bằng lịch sử mở cõi. Nhưng, với câu chuyện hiện tại, câu hỏi mà nhiều nhà khoa học đặt ra từ lâu không hẳn vô lý. Rằng, hiệu lực của Công văn 2662 rất yếu khi... “qua đèo Hải Vân”.


Linh vật ngoại lai bày bán tại làng mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng)

Điều này lý giải cho thực trạng ở làng Non Nước. Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), ông Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết: "Hiện làng nghề sản xuất khoảng 80% linh vật ngoại lai, còn lại là một số hình tượng khác".

Còn nghệ nhân Trương Ngọc Phước - Quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, cho hay: “Nhà nước ra công văn khuyến cáo không nên sản xuất linh vật ngoại lai từ lâu nhưng nếu khách hàng có nhu cầu mua thì các nghệ nhân vẫn phải sản xuất, không cấm họ mua được. Nên, với sản phẩm thuần Việt thì có người đặt hàng mình mới làm, còn sản phẩm ngoại lai thì sản xuất đại trà. Tất cả đều tuân theo quy luật của thị trường. Giờ sản xuất ra thành phẩm mà không ai mua thì người dân chỉ còn chết đứng”!

Là một trong những làng nghề lâu đời và nổi tiếng về sản phẩm chế tác đá mỹ nghệ, năm 2014, làng đá mỹ nghệ Non Nước được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành một trong những làng nghề chế tác đá mỹ nghệ lớn nhất trên cả nước.

Hiện, làng có khoảng 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ lớn nhỏ khác nhau với gần 4.000 lao động tham gia sản xuất, tập trung chủ yếu ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.


Tượng rồng trên ấn "Đại Nam hiệp ký lịch chi bảo". Chất liệu hiện vật bằng vàng, thời Nguyễn, năm Thiệu Trị thứ 7 đang bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Đề xuất đặt linh vật ở nơi công cộng

Câu hỏi đặt ra, vậy người dân phía Nam nên dùng linh vật thuần Việt nào để thay thế cho các linh vật ngoại lai? Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho hay: Tôi có khảo sát Tây Nguyên từ năm 1995. Khu vực này có số lượng tượng voi rất nhiều. Tuy nhiên, trong đời sống đương đại, tượng voi xuất hiện rất ít ở các đồ mỹ nghệ.

Theo ông Thế, ngoài văn hóa tượng voi của người Tây Nguyên, khu vực phía Nam còn có những lựa chọn linh vật khác như: hổ; cá sấu (hình tượng xuất hiện phổ biến trong kiến trúc Pháp ở miền Nam, hình tượng này cũng biểu trưng cho sông nước miền Nam).

Cũng theo ông Thế, để Công văn 2662 đi vào đời sống người dân, Nhà nước cần có những chính sách kích cầu. Cụ thể, Nhà nước nên có những chính sách đặt hàng sản xuất tượng voi, cá sấu, hổ theo tạo hình xưa. Số linh vật này sẽ bày ở các địa điểm công cộng. Điều này vừa thay đổi diện mạo văn hóa, vừa tác động vào nhận thức người dân.

Theo quan điểm của ông Thế, để thay đổi nhận thức của người dân về giá trị của linh vật Việt cần phải có thời gian với những nghiên cứu, lộ trình cụ thể trên từng vùng miền thay vì chỉ tập trung triển lãm rầm rộ ở Hà Nội hay tổ chức một cuộc thi sáng tác linh vật thuần Việt “không thật chất” ở Đà Nẵng.

Linh vật ngoại lai ở Non Nước để... xuất khẩu (?!)

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về việc linh vật ngoại lai vẫn lan tràn ở làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho hay: Chúng tôi chỉ khuyến cáo không nên sử dụng linh vật ngoại lai ở di tích và những nơi công cộng. Còn chúng tôi không khuyến cáo nghệ nhân làng nghề không sản xuất linh vật ngoại lai để xuất khẩu. Linh vật ngoại lai ở làng đá Non Nước (Đà Nẵng) cũng có thể để xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này, chúng tôi không có ý kiến.

Hoàng Yến - Mỹ Mỹ 
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›