Khi nghệ sĩ bị "quỵt" cát-sê

Thứ Năm, 15/10/2009 10:01 GMT+7

Google News

Chuyện bị quỵt tiền công không chỉ xảy ra với diễn viên trẻ, ít kinh nghiệm, ham hố tiếng tăm, mà cả với những nghệ sĩ lớn tuổi và có tiếng. Nghệ sĩ thường chỉ biết diễn xuất, ít am hiểu pháp luật nên dễ bị thiệt thòi nếu gặp phải nhà sản xuất thiếu tin cậy.

* Cát-sê như… bóng chim, tăm cá

Nhiều nghệ sĩ xiếc lao động nặng nhọc nhưng không được trả công xứng đáng. Ảnh minh họa

Diễn viên trẻ Thu Hiền kể, chị được mời đảm nhiệm vai thứ chính trong một bộ phim khá ăn khách mới đây trên truyền hình, được hứa trả 1,5 triệu đồng tiềncát-sêcho 15 ngày quay, đã bao gồm chi phí ăn uống, quần áo và đi lại. Thu Hiền chấp nhận vai diễn dù số tiền cát-sê ít ỏi và lịch quay khá nặng. Nhưng sau khi phim đóng máy, nửa già số tiền đó được dành cho trung gian mời casting, còn lại 700.000 đồng trả công cho 15 ngày diễn của Hiền, với lời khất sẽ trả hết khi phim công chiếu.

Thu Hiền cho biết sau khi được nhắc về số tiền cát-sê còn thiếu, người mời chị nhận vai nói rằng sắp mời Hiền thêm một vai nữa rồi thanh toán luôn. Thu Hiền cho rằng lý do đó khó chấp nhận nên đành bỏ số tiền còn lại và cũng “chào thân ái” người phụ nữ kia.

Ca sĩ Tùng Dương “bật mí” không ít lần anh chấp nhận làm ngơ khi bị nhạc sĩ “ăn quỵt”.

Mới đây, sau lời tuyên bố thẳng thắn về kiểu đối xử bạc bẽo của một vài nhạc sĩ, ca sĩ Tùng Dương “bật mí” không ít lần anh chấp nhận làm ngơ khi bị nhạc sĩ “ăn quỵt”. Theo lời kể của Tùng Dương, anh từng hợp tác với với một vị nhạc sĩ khá nổi tiếng trong một đêm diễn ở Thủ đô, nhưng sau đó nhạc sĩ này “quên” số tiềncát-sê phải trả cho anh, dù có hợp đồng giấy trắng mực đen. Khi Tùng Dương nhắc nhở, nhạc sĩ nọ đưa ra một loạt lý do thuyết phục anh “giảm giá”, trong đó có lý do đêm nhạc ế khách. Tùng Dương cho biết anh đồng ý chỉ lấy một nửa số tiền thỏa thuận, nhưng ngay cả số tiền đã giảm ấy cũng không thấy tăm hơi.

Không chỉ trong điện ảnh và âm nhạc, trong ngành xiếc cũng không ít người kêu ca. Theo một nghệ sĩ đang làm việc tại một đơn vị trong ngành này, mỗi suất diễn tại rạp được trả 50.000 đồng đổ đều cho mọi tiết mục. Khi đi tỉnh, mức chi là 300.000 đồng/người, nhưng nghệ sĩ sẽ kiêm luôn việc bốc vác đồ diễn hàng trăm kg lên xuống xe ôtô. Họ thức dậy lúc 4h, bốc vác, sau đó diễn tới 23 h rồi thu dọn đồ nghề trở lại thành phố. Vất vả như vậy nhưng nhiều khi họ chỉ được nhận một nửa số tiền 300.000 đồng.

* Kẻ bỏ nghề, người bỏ mối làm ăn

Nghệ sĩ hài Trung Dân cũng phàn nàn nhiều lần bị thiếu tiền diễn, nhưng yêu sân khấu nên ông tiếp tục theo nghề

Cùng khóa trong ĐH Sân khấu điện ảnh và là người yêu của diễn viên trẻ Thu Hiền, sau khi ra trường, diễn viên điển trai Anh Phú dự định làm nghề diễn vài năm rồi tính sau. Tuy nhiên, khi chứng kiến người yêu gặp rắc rối, Phú quyết định giã từ nghề sớm. Sau thời gian tiếc nuối, nhớ nhung máy quay, bộ đôi này đã yên bề với cửa hàng thời trang tóc nằm ven Hồ Tây.

Ca sĩ Tùng Dương thì quyết định chấm dứt quan hệ với ông nhạc sĩ nổi tiếng kia sau nhiều ngày chờ đợi, dù trước đó hai người kết hợp với nhau khá ăn ý.

Nghệ sĩ hài Trung Dân cũng phàn nàn nhiều lần bị thiếu tiền diễn, nhưng yêu sân khấu nên ông tiếp tục theo nghề. Ông chia sẻ, các nghệ sĩ thường chỉ biết diễn xuất chứ không am hiểu pháp luật nên dễ bị mắc bẫy nếu gặp phải nhà sản xuất không đàng hoàng. Theo ông, có nhiều chương trình ban đầu mời những gương mặt nổi tiếng nhằm hút khách, nhưng chỉ được khoảng 10 show, khi thu được nhiều quảng cáo là họ cắt ngang với lý do nghệ sĩ bận bịu bỏ hợp đồng và nhanh chóng gọi người khác thay thế nhằm giảm chi phí.“Lỗi không phải do nghệ sĩ, nhưng trong trường hợp này, chúng tôi bị mang tiếng là chảnh chọe, đòicát-sê cao nên họ cho rớt”, ông bày tỏ. Vì thế, sau mỗi lần gặp phải người không đáng tin, ông chọn cách “tránh họ càng xa càng tốt”.
 
Theo Đất Việt

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›