Vợ hiền, dâu thảo
Chuyện của ông bà là một câu chuyện đẹp như thơ về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ và khán giả. 40 năm trước, ông nổi tiếng là “kép đẹp” ca hay, diễn giỏi cũng đã làm “xôn xao” không ít con tim của những nữ khán giả trẻ. Bà là con gái danh thủ Nguyễn Công Danh của đội bóng Ngôi sao Gia Định lừng lẫy một thời và có bà mẹ rất mê cải lương, đặc biệt là những vở cải lương hồ quảng do đoàn Khánh Hồng - Minh Tơ của gia đình Thanh Tòng diễn thường trực ở đình Cầu Quan. Trong một lần theo mẹ xem hát, vai diễn người chồng đau khổ mất vợ gà trống nuôi con trong tuồng Hai dòng sữa mẹ của ông đã “lấy nước mắt” nhiều khán giả trong đó có bà. Hình mẫu người đàn ông thủy chung, lý tưởng được ông thể hiện xuất sắc gây ấn tượng mạnh nơi bà và từ cảm động với vai diễn, bà cũng có cảm tình với anh kép trẻ rất nhập vai ấy. Từ đó bà thường xuyên đi xem ông hát và cũng làm quen được với anh kép trẻ tài năng. Cũng chẳng biết tự bao giờ mà sự cảm mến tài năng người nghệ sĩ đã lớn dần thành tình yêu. Còn ông, qua những lần tiếp xúc, ngoài sự cảm kích đối với tấm lòng người khán giả dành cho mình, còn có một thứ tình cảm khác cứ lớn dần lên từng ngày. Không lâu sau, ông bà nên vợ nên chồng.
NSND Thanh Tòng và cô con gái Quế Trân chụp ảnh lưu niệm với
GS.TS Trần Văn Khê trong một đêm diễn. Ảnh: Thanh Hiệp
“Cô ấy là một người phụ nữ thật tuyệt vời. Cả ba thế hệ nhà tôi: cha mẹ tôi, tôi và các con đều được cô ấy chăm lo chu đáo. Các con nên người như ngày hôm nay hoàn toàn nhờ cô ấy…”, NSND Thanh Tòng không giấu được niềm tự hào, hạnh phúc khi nói về vợ. Và bây giờ, khi các con đã trưởng thành thì bà vẫn chưa chịu nghỉ ngơi khi lại tiếp tục chăm chút cho thằng cháu nội, đã là thế hệ thứ sáu của gia tộc cải lương bầu Thắng - Minh Tơ lừng danh, cũng thích cầm kiếm nhựa quơ quơ, cũng khoái ngâm nga các điệu hát dù chưa rõ lời đúng điệu “con nhà nòi”.
Một “Khán giả trọn đời”
Luôn túc trực bên ông trên khắp nẻo đường lưu diễn, bà giúp ông chuẩn bị phục trang, tận tay đưa cho ông từng chiếc khăn, từng ly nước mát, quạt cho ông... sau mỗi lớp diễn. Bên ngoài sân khấu, ông hết mình với các nhân vật thì bên trong cánh gà bà cũng không rời mắt khỏi những động tác, nét diễn của ông. Có lẽ bà là khán giả khó tính nhất của ông khi “hát cái gì cũng chê”. Bà tỏ ra không hài lòng mỗi khi ông có sơ suất và thường góp ý rất thẳng thắn. Nhìn ông dữ dằn, uy vũ trong các vai võ tướng, lại nghiêm khắc trong vai trò đạo diễn trên sân khấu nên cứ tưởng ông cũng là một “gia trưởng thứ dữ” thế nhưng không khí gia đình ông rất dân chủ, mọi người đều có quyền nói và luôn lắng nghe nhau. Khi cô út Quế Trân theo nghiệp hát thì bà lại bôn ba theo chăm lo cho con gái cưng. Cũng như những ngày theo chồng, bà vẫn luôn là một khán giả kỹ tính muốn con gái phải luôn hoàn thiện mình trên sân khấu. Và những lời góp ý, nhắc nhở vẫn luôn “lấn át” những lời khen. Không phụ lòng người cha - người thầy của mình và đặc biệt là người mẹ suốt đời tận tụy vì con, Quế Trân đã có những bước tiến vượt bậc trong sự nghiệp khi trở thành một ngôi sao cải lương trẻ được đông đảo khán giả mến mộ, sở hữu trong tay một bộ sưu tập giải thưởng sân khấu chuyên nghiệp mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng mơ ước (nổi bật nhất là chiếc huy chương vàng triển vọng Trần Hữu Trang 1999, huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009) và việc trở thành một trong năm công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM đã khép lại một năm 2009 đầy thành công của Quế Trân. Với ông trước đây và bây giờ là cô con gái Quế Trân, bà xứng đáng với giải thưởng danh dự “khán giả trọn đời”.
Đại gia đình của NSND Thanh Tòng, vợ ông - bà Ngọc Nhung
đang bế cháu nội. Ảnh: Thanh Hiệp
Là nghệ sĩ nhưng lại sinh trưởng trong một gia tộc chuộng nề nếp, những “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” đã thấm sâu vào máu từ các tuồng tích đề cao hiệp nghĩa đặc thù của cải lương tuồng cổ, NSND Thanh Tòng có một lối sống mực thước hiếm có. Là một “kép đẹp” có tiếng, ông được nhiều nữ khán giả lẫn bạn đồng nghiệp ái mộ, tuy nhiên với mọi người, ông luôn giữ một tình cảm trân trọng và không hề để xảy ra điều tiếng không hay. Với bà, nếu nói hoàn toàn không có cảm giác ghen tuông trước những bóng hồng vây quanh chồng thì không đúng nhưng với tình yêu, sự tin tưởng vào lòng chung thủy, nhân cách con người, ông khiến bà luôn giữ được hạnh phúc vốn rất dễ bị lung lay vì sự “cả ghen”, thiếu thông cảm như nhiều gia đình nghệ sĩ khác. Chính sự hiểu biết, “thông tình đạt lý” của bà cũng làm ông thấy nhẹ nhõm, thoải mái, những áp lực của công việc làm ông mệt mỏi thì mái ấm gia đình với người vợ hiền yêu chồng, hiểu chồng như bà là một điểm tựa thật êm ái của ông.
Tuy chưa bao giờ con thuyền hạnh phúc của hai người chao đảo nhưng nhiều bận những sóng gió cuộc đời và biến cố dồn dập đến với ông cũng khiến con thuyền có nguy cơ mất lái. Đó là những ngày tháng khi loại hình cải lương tuồng cổ (trước đó là cải lương hồ quảng) do cha ông là nghệ sĩ Minh Tơ và người dượng rể, NSND Thành Tôn, sáng lập còn bị nhiều định kiến cho rằng “lai căng, mất gốc” phải bao phen lênh đênh chìm nổi (có thời gian bị cấm hát). NSND Thanh Tòng đã tìm mọi cách vực dậy đoàn hát và không ngừng nghỉ đấu tranh tìm chỗ đứng cho loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Trước khi đạt được thành công, được sự thừa nhận của giới chuyên môn lẫn các cấp chính quyền, ông cũng đã bao phen “lên bờ xuống ruộng” trước “thế thái nhân tình”.
Là một người luôn sống “trải lòng” nên sự thiếu tình người, thiếu hiểu biết, sự kèn cựa, ganh ghét của một bộ phận người mang tư tưởng cực đoan làm ông mệt mỏi, nản chí và đôi lúc muốn buông xuôi tất cả, thậm chí ông đã từng nghĩ đến… cái chết. Và lúc ấy, bà chính là chiếc ghế để ông ngả lưng và vực ông dậy. Bằng những lời khuyên chí lý chí tình, bà đã giúp ông lấy lại niềm tin mà tiếp tục đi tới. Nhìn lại những ngày tháng đã qua, ông nói: “Nếu không có cô ấy thì chắc tôi đã không vượt qua được mọi thử thách. Hạnh phúc của gia đình tôi ngày hôm nay không hề có bí quyết gì cả, đơn giản là vợ chồng biết trân trọng, yêu thương nhau, thủy chung cùng nhau và thêm một chút may mắn nữa. Tôi thực sự là một người đàn ông may mắn khi có được cô ấy là vợ...”.