(TT&VH) - Năm 1997, họa sĩ Vĩnh Phối có cuộc bày tranh mang chủ đề Không gian và tiết điệu tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. 15 năm sau, Vĩnh Phối lại tái ngộ người yêu mỹ thuật bằng Không gian và tiết điệu lần thứ hai, triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1).
15 năm không bày tranh, trong triển lãm này của họa sĩ Vĩnh Phối vẫn kiên trì con đường mà mình đã theo đuổi hơn nửa thế kỷ qua.
Họa sĩ, Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Vĩnh Phối
Họa sĩ Vĩnh Phối sinh năm 1938 tại Huế, ông tốt nghiệp ngành lụa và sơn mài năm 1958 tại Trường CĐ Quốc gia Mỹ thuật Gia Định dưới sự dìu dắt của danh họa Lê Văn Đệ và từ 1959 đến 1966 được gửi đi tu nghiệp ở La-Mã. Ngoài sáng tác một cách bền bỉ, trung thành với dòng tranh trừu tượng, họa sĩ Vĩnh Phối còn đóng góp rất lớn trong việc đào tạo mỹ thuật. Khi vừa trở về từ La-Mã, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế cho đến năm 1975. Sau năm 1975, ông tiếp tục giảng dạy ở Trường ĐH Nghệ thuật Huế về mỹ thuật, được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và là Phó Giáo sư.
Một tác phẩm của Vĩnh Phối tại triển lãm
Trong cuộc đời mình, họa sĩ Vĩnh Phối đã bày tranh rất nhiều lần và vẫn luôn tìm tòi cách thể hiện tâm hồn phương Đông qua dòng tranh trừu tượng. Những ký hiệu trong tranh Vĩnh Phối rất dễ nhận biết, được ông rút tỉa từ nền văn hóa Đông Sơn, như: đồ hình âm dương, hà đồ, lạc thư, hình trời tròn đất vuông… Có ý kiến cho rằng, tranh trừu tượng của Vĩnh Phối chất ngất một hồn thơ phương Đông đã Tây phương hóa, đã hiện ra trong hình thái, ngôn ngữ phương Tây. Họa sĩ Vĩnh Phối chịu nhiều ảnh hưởng về quan điểm tư tưởng và nghệ thuật của bậc thầy Lê Văn Đệ, rằng: nghệ sĩ Việt Nam cần hòa nhập với đời sống nghệ thuật thế giới, nhưng cùng lúc phải giữ gìn bản sắc văn hóa, tâm hồn của một dân tộc.
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng từng nhận xét: “Khó có thể nhận ra cả cuộc đời dài đầy truân chuyên và ẩn nhẫn của họa sĩ qua các bức họa. Sự theo đuổi nghệ thuật trừu tượng, sớm và liên tục của Vĩnh Phối đã giấu đi tất cả, chỉ còn lại những cảm giác mơ hồ về vinh nhục, thành bại, mà trong cái vui còn xen lẫn chút cay đắng. Đôi bức tranh còn nhận thấy những mô-típ rút từ nền văn hóa truyền thống: con Rồng, khoáy âm dương… Những mô-típ này hòa tan dần cùng các hình thể khác tạo ra cấu trúc xoắn chặt chẽ… Những ý tưởng về văn hóa phương Đông đã ngấm trong từng nhát bút, được thể hiện một cách ngẫu hứng và bột phát. Do đó, dù các bức họa được sang tác từ lâu, nhưng ta vẫn luôn tưởng rằng chúng mới được vẽ xong”.
Trạc Tuyền