(Thethaovanhoa.vn) - Ở Việt Nam phim tài liệu đồng nghĩa với phim về quá khứ, về chiến tranh, là thể loại khô khan và chỉ chiếu trên truyền hình hoặc chiếu miễn phí. Các nhà làm phim độc lập đang từng bước thay đổi định kiến này. Năm 2014, lần đầu tiên, trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, một bộ phim tài liệu được phát hành thương mại, năm nay lại có nhà làm phim nối gót.
- Bao giờ phim tài liệu Việt thay đổi cách làm?
- Phim tài liệu Việt Nam: Chấp nhận “hy sinh” để được chiếu
Từ chị Phụng đến Thiện Nhân
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng ban đầu đã bị các nhà phát hành từ chối, cho đến khi Blue Production nhận phát hành. Bộ phim về đoàn hội chợ của những người đồng tính đã khiến khán giả xúc động đến mức họ đã tự lan truyền trên mạng xã hội và rủ nhau đi xem phim.
Thấy phim “hot”, đơn vị phát hành từng từ chối đã nhận lời phát hành phim trở lại. Phim đã bán được 30.000 vé với mức giá rất hữu nghị: 40.000 đồng/vé. Thành công của bộ phim tài liệu này đã khiến nhà làm phim độc lập Nguyễn Hoàng Điệp quyết định phát hành phim truyện Đập cánh giữa không trung ngay sau đó.
Giữa tháng 10 năm nay, phim tài liệu Lửa Thiện Nhân ra rạp đã gây sốt vé nhẹ. Bộ phim nói về Thiện Nhân - cậu bé bị mẹ bỏ rơi, bị súc vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục. Giữa một thế giới rạp toàn phim giải trí, Lửa Thiện Nhân dường như đã đánh thức lòng trắc ẩn của con người và đánh thức cả nhu cầu của người xem.
Nhờ khán giả, ngoài cụm rạp Ngọc Khánh (Hà Nội) và TP.HCM, Lửa Thiện Nhân đã tiến được vào những cụm rạp thương mại. Đạo diễn Đặng Hồng Giang cho biết, có người vì muốn bộ phim tới được nhiều người xem, đã giúp bộ phim vào được cụm rạp Platinum và BHD. Nhiều suất chiếu “đột biến” đều là do các phụ huynh tổ chức cho con em mình xem. Một trường tiểu học ở Hà Nội đã cho 1.000 học sinh đi xem bộ phim này.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang chưa tiết lộ về doanh thu, chỉ biết hành trình của Lửa Thiện Nhân chưa dừng lại, bộ phim này đã tiến vào Đà Nẵng từ ngày 11/11.
Vì sao phim tài liệu ra được rạp?
Xưa nay chưa có một bộ phim tài liệu nào ở Việt Nam được phát hành thương mại. Đó gần như là “định mệnh” với thể loại này. Nhưng rốt cuộc, định mệnh đã thay đổi, bởi những nhà làm phim độc lập tại Việt Nam.
Những trung tâm đào tạo có sự trợ giúp từ nước ngoài như TPD, Varant, Doclab, trong vòng 1 thập kỷ qua đã tạo ra một thế hệ làm phim mới. Nguyễn Thị Thắm đi ra từ Varant, còn Đặng Hoàng Giang tu nghiệp ở Australia về. Cả hai bộ phim của họ đều làm theo phong cách tài liệu trực tiếp (tạm gọi là mới), hoàn toàn khác với cách làm phim tài liệu truyền thống của Việt Nam (tạm gọi là cũ).
Nếu phim tài liệu cũ làm theo một kịch bản chi tiết có trước, trong một khoảng thời gian, một nguồn ngân sách quy định thì những nhà làm phim tài liệu thể loại trực tiếp tự do hơn. Nhà làm phim có thể đeo đuổi nhân vật hàng năm trời, ghi lại chân thực cuộc sống của nhân vật, cho đến khi họ cảm thấy có thể kết thúc phim.
Nhà làm phim Nguyễn Thị Thắm đã dành 5 năm làm phim về chị Phụng, và Đặng Hồng Giang mất 3 năm cho Thiện Nhân.
Lối làm phim cũ dựa theo kịch bản sẽ cho phép nhà làm phim dàn dựng bối cảnh và “đạo diễn” cả nhân vật, có thể chau chuốt về hình ảnh nhưng lại đánh mất đi sự chân thực. Trong khi đó lối làm phim mới bám theo nhân vật để quay, sẽ tràn ngập hơi thở cuộc sống, nhưng đôi khi hình ảnh không đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, những bộ phim tài liệu theo lối mới vẫn không ngừng làm khán giả ngạc nhiên. 6 mùa Liên hoan phim Tài liệu Việt Nam – châu Âu đã từng bước thay đổi quan điểm của khán giả về phim tài liệu. Còn các nhà làm phim thì tìm thấy cơ hội phát triển với thể loại này.
“Nếu hiểu phim tài liệu là phim làm về cái cũ, là khô khan thì oan cho tài liệu lắm, phim tài liệu bây giờ là sự thật + hơi thở cuộc sống, hay vô cùng!” - đạo diễn Đặng Hồng Giang. |
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Tags