GS-Viện sĩ Phan Huy Lê: Cần cái nhìn toàn diện về lịch sử Việt Nam

Thứ Tư, 19/10/2011 10:29 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Như TT&VH số ra ngày 11/10 đã đưa tin, nhằm góp phần chấn hưng môn Sử và góp phần phần khuyến khích, đào tạo nhân tài sử học cho đất nước và thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (KHLS VN) đã thành lập Quỹ Hỗ trợ Phát triển Sử học Việt Nam.

Nhưng để nền sử học phát triển, theo GS Phan Huy Lê, ngoài việc chấn hưng môn Sử, cần phải truyền bá kiến thức lịch sử đến nhân dân bằng nhiều cách khác nhau trên cơ sở các kết quả nghiên cứu hiện đại, khách quan và khoa học.

Nhận thức về tổng quát lịch sử cũng có sự thay đổi

Từ ngày thành lập cách đây 45 năm, tôn chỉ và mục đích của Hội KHLS VN thì có nhiều, nhưng theo GS-Viện sĩ Phan Huy Lê có 3 chức năng quan trọng bậc nhất. Một là, phải thúc đẩy sự phát triển của nền sử học hiện đại Việt Nam, trong đó bao gồm cả lý luận, phương pháp nghiên cứu và thúc đẩy các công trình nghiên cứu cụ thể và khuyến khích các công trình cần thiết. Thứ hai là phải góp phần mở rộng việc truyền bá kiến thức sử học và giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa cho nhân dân. Thứ ba là chức năng tư vấn và phản biện xã hội.

Về việc truyền bá kiến thức sử học, Hội KHLS VN làm theo hai hình thức. Một là gián tiếp qua các công trình, góp phần tạo nên cơ sở kiến thức để cho các cơ quan truyền thông, báo chí và các cơ quan trực thuộc chức năng này tận dụng. Nếu truyền thông không tham gia vào việc truyền bá lịch sử thì bản thân lịch sử sẽ vẫn “vận động không ngừng”, bởi sử học nó liên tục đổi mới, đổi mới bất ngờ ở rất nhiều lĩnh vực.


Giáo sư Phan Huy Lê

Những nhận thức về tổng quát lịch sử cũng có sự thay đổi rất căn bản, chưa từng có. GS Phan Huy Lê dẫn chứng: “Lịch sử Việt Nam cho đến thế kỷ 19 thường được nhận thức xuất phát từ thời tiền sử, sau đó là từ thời văn minh Đông Sơn với sự ra đời của hai vương quốc đầu tiên là Văn Lang và Âu Lạc. Sau đó từ miền Bắc vào miền Trung, miền Nam với quá trình di dân của người Việt vào trong đó. Tức là lịch sử miền Trung chỉ diễn ra từ thời Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) giữa thế kỷ 16 rồi đẩy mạnh khai phá miền Nam Trung bộ. Sau đó, thế kỷ 17 di dân người Việt vào đồng bằng sông Cửu Long.

Quan điểm như vậy về phát triển lịch sử Việt Nam thì không sai nhưng nhận thức toàn bộ và toàn diện về lịch sử Việt Nam như vậy là phiến diện. Vì quan điểm như vậy có nghĩa là Nam Trung bộ và Nam Bộ chỉ mới bắt đầu vào lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 16 cho đến thế kỷ 17. Nếu như thế, một câu hỏi lớn được đặt ra là trước đó như thế nào? Điều đó không chỉ tạo nên một nhận thức phiến diện mà còn là một khoảng mờ mịt, nguy hiểm trong việc nhận thức về độc lập, chủ quyền của đất nước.

Gần đây, phải trải qua một quá trình vận động tích cực thì nhận thức về lịch sử Việt Nam đã thay đổi về cơ bản. Lịch sử Việt Nam hiện nay được nhận thức xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam hiện nay, bao gồm cả đất liền và hải đảo.

Cấp học bổng, trao giải thưởng sử học

Bắt đầu từ năm học 2011-2012, Quỹ Hỗ trợ Phát triển Sử học Việt Nam sẽ triển khai kế hoạch cấp học bổng cho các sinh viên đỗ thủ khoa chuyên ngành lịch sử ở các trường ĐH, CĐ trong cả nước, chuẩn bị điều kiện cần và đủ để trao giải thưởng cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học bảo vệ luận án đạt loại xuất sắc chuyên ngành lịch sử năm học 2011-2012 và các năm tiếp theo. Quỹ sẽ thành lập Hội đồng để xem xét và trao giải thưởng cho các công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị cao vào năm 2015.

Ngược về quá khứ, tất cả những cái gì diễn ra trên không gian lãnh thổ này đều thuộc chủ quyền của Việt Nam, đều thuộc về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Như vậy, Nam Trung bộ và Nam bộ không chỉ bắt đầu vào lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 16-17 mà phải ngược lên thời tiền sử. Điều đó cũng có nghĩa là trong thời kỳ cổ đại, trên lãnh thổ Việt Nam có 3 trung tâm văn hóa lớn: Văn hóa Đông Sơn (với Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc) ở phía Bắc, văn hóa Sa Huỳnh và nước Lâm Ấp (Chăm Pa cổ) ở miền Trung và văn hóa Óc Eo (Vương quốc Phù Nam) ở Nam bộ. Đó chính là ba bộ phận tạo nên lịch sử cổ đại Việt Nam và cũng là ba dòng chảy để góp phần tạo nên cái hợp lực của lịch sử và văn hóa Việt Nam”.

GS Phan Huy Lê nhấn mạnh: “Đó là một nhận thức làm tôi rất mừng vì nó càng ngày càng được phổ biến. Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng, SGK cũng mới chỉ đưa phần lịch sử Chăm Pa vào, còn  lịch sử Óc Eo, Phù Nam chỉ mới bổ sung chứ chưa đưa vào. Tất nhiên, cần phải có thời gian vì để thay đổi nhận thức lịch sử không hề đơn giản”.

Cập nhật… lịch sử

Với việc phổ biến kiến thức lịch sử trực tiếp, Hội KHLS VN cũng làm được một phần lớn mà cụ thể là tạp chí Xưa và Nay đã làm tốt về việc cập nhật những hiểu biết mới nhất về lịch sử Việt Nam. Các hội lịch sử địa phương thì việc phổ biến kiến thức lịch sử họ vẫn làm thường xuyên, bằng việc liên tục ra các tập sách về lịch sử, hoặc tham gia biên soạn trực tiếp những cuốn địa chí, lịch sử địa phương.

Chẳng hạn Hà Nội đã trực tiếp xây dựng phần lịch sử văn hóa Hà Nội để đưa vào chương trình phổ thông. Một số nhà sử học Việt Nam còn là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, truyện lịch sử và điều làm GS Phan Huy Lê thích thú nhất trong việc truyền bá kiến thức lịch sử đến nhân dân chính là những bộ tranh lịch sử. Tất nhiên chưa phải là thành công lắm, nhưng ít nhất là đã có được cái hình thức mang tính hấp dẫn đối với tuổi trẻ và với từng lứa tuổi một.

GS Phan Huy Lê nhấn mạnh: “Nhân dân ta rất yêu mến lịch sử, rất tự hào về lịch sử dân tộc, của đất nước mình. Nhưng hiểu biết một cách khoa học về lịch sử văn hóa Việt Nam phải không ngừng nâng cao. Nâng cao trên cơ sở các kết quả nghiên cứu hiện đại. Hiện nay, nhiều người không phân biệt rõ ràng giữa khoa học lịch sử với các thần thoại, truyền thuyết. Tôi lưu ý là hai cái này liên quan với nhau nhưng không phải là một. Đã nói đến lịch sử là phải nói đến cái gì đó khách quan, có cơ sở khoa học. Còn thần thoại và truyền thuyết nó thuộc về lĩnh vực văn học dân gian, có tính hư cấu và không ngừng lưu truyền trong nhân dân, được bổ sung qua đời này, đời khác. Hai lĩnh vực đó trong nhân dân có quan hệ mật thiết với nhau nhưng nếu xem chúng là một thì thật sai lầm, đưa đến những nhận thức hỗn loạn về phương diện khoa học lịch sử”. 

Sẽ thành lập NXB về sử học

Ngày 22/10 tới, trong khuôn khổ kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ngoài chương trình nghệ thuật đặc biệt Sóng vọng biển Đông, Hội sẽ tổ chức Triển lãm ảnh về biển, đảo Việt Nam. Sau đó 1 ngày (23/10), nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011), Hội cũng sẽ trao tặng Quân chủng Hải quân Việt Nam một chiếc trống đồng. Ngoài ra, nhà sử học Dương Trung Quốc còn cho biết, Hội đang xin ý kiến Thủ tướng về việc thành lập một NXB chuyên về lịch sử trong thời gian tới.

Huy Thông (ghi)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›