Giúp trẻ khám phá tranh Tết Việt Nam cổ truyền

Thứ Tư, 30/12/2015 07:36 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/1/2016 tới đây, dự án Cùng bé sáng tạo - Khám phá tranh Tết do các họa sĩ trẻ tâm huyết thực hiện sẽ bắt đầu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tranh Tết là nét đẹp không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Các làng tranh xưa cứ đến Tết lại nhộn nhịp in, quẩy tranh đi bán khắp các nẻo chợ quê. Tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ rồi tranh Kim Hoàng ở đất Bắc, tranh làng Sình ở miền Trung, Huế là những dòng tranh nổi tiếng với nét nghệ thuật đặc trưng.

Chỉ là những bức vẽ đơn sơ, nhỏ bé nhưng chính những đường nét mộc mạc, sắc màu tự nhiên đã hình thành nên một thế giới quan thu nhỏ, chứa đựng những tinh hoa, tư duy và triết lý sống của người Việt. Mỗi bức tranh cũng là một thông điệp, một lời cầu chúc cho năm mới nhiều may mắn.

Không chỉ tìm hiểu tranh dân gian thông qua sách vở và hình ảnh, các em nhỏ sẽ được tìm hiểu và trực tiếp in, vẽ tranh dân gian, đố vui về tranh dân gian và chuẩn bị một không gian văn hóa Tết cổ truyền. Các họa sĩ đồ họa sẽ giúp các em nhỏ làm ra các sản phẩm đậm chất đương đại như thiệp chúc Tết, bao lì xì, hoặc những bức tranh được tạo hình từ cảm hứng dân gian…


Những bản vẽ Tranh Làng Sình sẽ được giới thiệu với các em nhỏ

Nhà sưu tập tranh Nguyễn Thu Hòa cho biết, thời gian gần đây việc chơi tranh dân gian đang trở lại. Tranh Đông Hồ là dòng tranh phục vụ cho số đông, cả kiều bào. Trước đây, tranh Đông Hồ có 2 dòng chính, để thờ và để treo chơi thì nay thường thì người dân chỉ mua về treo chơi, để nhớ lại một thời đã qua.

Tranh Hàng Trống không phải là tranh sản xuất hàng loạt như Đông Hồ mà sau khi in nét chính, phải dùng bút màu tô, vờn ... Vậy nên mỗi bức tranh đều mất thời gian hơn nhiều so với tranh Đông Hồ. Tranh Hàng Trống hiện nay chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiêm (Hà Nội) sáng tác. Những khách hàng đến đặt nghệ nhân vẽ thường là Đình, chùa, miếu, mạo nhất là những nơi thờ mẫu ... tranh thiên về thờ cúng.

Còn Tranh Làng Sình, trước đây chỉ có nghệ nhân Kỳ Hữu Phước sản xuất quanh năm thì nay hơn 70 hộ trong làng cũng cùng tham gia sản xuất. Tranh làng Sình chủ yếu là tranh cúng thế mạng, tuy nhiên bắt kịp nhu cầu của người dân, các nghệ nhân đã sáng tác một số tranh đề tài mới, hội làng, bài chòi, đấu vật, bộ 12 con giáp...

Với vai trò là diễn giả, Nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền (ĐH Mỹ thuật Việt Nam) sẽ trò chuyện về ý nghĩa và giá trị của tranh Tết dân gian và sự khác biệt của các dòng tranh dân gian Việt.

Dự án cũng tổ chức hoạt động bán tranh dân gian cùng tác phẩm của một số họa sĩ tham dự chương trình nhằm gây quỹ thiện nguyện, giúp các em nhỏ ở xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vượt mùa Đông giá rét, đón Tết cổ truyền.

Thanh Giang
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›