(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua 26/1, Hội Nhà văn TP.HCM công bố kết quả giải thưởng văn học 2014 với sự trở lại của giải dành cho Nhà văn trẻ sau nhiều năm không tìm thấy chủ nhân.
Giải Nhà văn trẻ được dùng để vinh danh các tác giả trẻ dưới 30 tuổi. Năm 2011, lần đầu giải này trao cho tác giả trẻ Trần Minh Hợp với tác phẩm tuổi teen Cô gái bán ô màu đỏ.
Giải thưởng “nhát ngừng”
Năm nay, giải Nhà văn trẻ được trao cho tác giả Tiểu Quyên (sinh năm 1985) với tập truyện Cỏ đồi phương Đông (ảnh, NXB Văn hóa Văn nghệ). Các tặng thưởng được trao cho tập thơ: Cảm thức sông của nhà giáo, nhà thơ Huệ Triệu, Nhen lửa từ trăng của nhà thơ Lệ Bình và tập truyện Truy đuổi tâm trang mỹ nhân của nhà văn Tiến Đạt. Các giải thưởng này sẽ được trao vào ngày 6/2 tới đây.
Sau Trần Minh Hợp, giải thưởng Nhà văn trẻ không tìm ra tác phẩm nào nữa của tác giả dưới 30 tuổi để trao, dù lực lượng viết trẻ tại TP.HCM ra sách đều đều hàng năm. Điều này cũng dễ hiểu nếu so sánh Giải Nhà văn trẻ với giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn TP.HCM. Trong 5 năm qua, giải chính thức của hội này cũng chỉ trao được cho 3 tác phẩm: Được sống và kể lại (năm 2000)– tập truyện ký của họa sĩ Trần Luân Tín viết về những năm tháng chiến đấu của ông ở Quảng Trị, Chất vấn thói quen (2012) – tập thơ của nhà thơ Phan Hoàng. Và năm 2014 này là tập thơ Hát đi em của tác giả Prékimalamak (tên thật Trần Vĩnh) người dân tộc Châu Ro.
Nói thế để thấy, giải thưởng chính thức hàng năm của Hội Nhà văn TP.HCM còn như thế thì huống gì Giải cho các tác giả trẻ. Trong khi, nếu so sánh với Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội luôn tìm ra các tác phẩm và tác giả xứng đáng nhận giải thưởng chính thức của năm; thì có thể nói giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM luôn ở trong tư thế… “nhát ngừng”. Vì suy cho cùng, giải thưởng hàng năm là để tìm ra tác phẩm nổi trội nhất trong năm, chứ đâu phải tìm kiếm tác phẩm “kinh điển” hay “thành tựu trọn đời” mà Hội Nhà văn TP.HCM phải “nhát ngừng” lúc có lúc không cho giải chính thức hay giải trẻ?!
Bỏ sót tác phẩm có tiếng vang?
Nếu xét trên tổng thể các tác phẩm đoạt giải Hội Nhà văn TP.HCM 2014, có thể thấy nhiều tác phẩm có tiếng vang bị bỏ sót khỏi giải thưởng này. Xin trở lại các tác phẩm đã từng đoạt giải chính thức trong 5 năm qua như Được sống và kể lại (năm 2000) – tập truyện ký của họa sĩ Trần Luân Tín, hay tập thơ Hát đi em của tác giả Prékimalamak (năm 2014). Rõ ràng rằng hai tác phẩm này rất ít tiếng vang trên bình diện chuyên môn và dư luận so với các cuốn sách in cùng thời điểm.
Trong khi đó, các tác phẩm xuất bản trong 2014 hoặc có tiếng vang về dư luận và lượng phát hành, hoặc được giới chuyên môn đánh giá tốt thì không có tên trong giải thưởng này. Ví dụ tập thơ Như một dòng sông chảy ngược – Sinh ra để cô đơn của Nguyễn Phong Việt tạo cơn sốt trên mạng xã hội và độc giả trẻ yêu thơ thì không có tên trong giải. Hay như tập thơ Những tấm ván trên cầu Hiền Lương của nhà thơ Ngô Liêm Khoan, được giới học thuật đánh giá cao, cũng không có tên. Thông tin riêng của Thể thao&Văn hóa,Những tấm ván trên cầu Hiền Lương của Ngô Liêm Khoan được Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM tiến cử giải thưởng, nhưng giờ chót tập thơ này không được vinh danh.
Được biết, các hội đồng chuyên môn như Hội đồng thơ gồm nhiều nhà thơ uy tín sẽ đề xuất những tác phẩm chất lượng vào giải thưởng. Tuy nhiên, quyết định sau cùng vẫn là các thành viên lãnh đạo chủ chốt của Hội Nhà văn. Nhiều ý kiến cho rằng, giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm nay chọn giải pháp “an toàn” thay vì mạnh dạn trao giải cho những tác phẩm có góc nhìn riêng và giàu sáng tạo.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Tags