(Thethaovanhoa.vn) - Bộ VH,TT&DL vừa phê duyệt sản xuất phim truyền hình Ý chí độc lập (19 tập) do nhà nước đặt hàng, với tổng kinh phí là 28,484 tỷ đồng. Nếu bộ phim này thành hiện thực thì truyền hình Việt sẽ có thêm một phim bom tấn?
- Sản xuất phim truyền hình: Số lượng tăng chóng mặt, chất lượng hên xui
- Sản xuất phim truyền hình: Không còn là miếng bánh màu mỡ
- Phim truyền hình Việt: Sẽ đến lúc 'sòn sòn' 30 tập phim/ngày
Mặt bằng chung của phim truyền hình
Nếu không so sánh với các phim truyền hình được đầu tư đặc biệt hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như: Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long (19 tập, kinh phí dự kiến 200 tỷ đồng, sau rút xuống còn 100 tỷ), Thái sư Trần Thủ Độ (30 tập, dự kiến 51 tỷ, cuối cùng là 57 tỷ), Huyền sử thiên đô (dự kiến 72 tập, 42 tập đầu sản xuất hết 60 tỷ)… Thì trong mặt bằng phim do tư nhân hoặc các đài truyền hình thực hiện, thì kinh phí của họ so với phim Ý chí độc lập không thấm vào đâu.
Những phim truyền hình có đầu tư lớn và tương đối thành công khi lên sóng của khu vực phía Nam như Người đẹp Tây Đô, Đất phương Nam, Trùng Quang tâm sử, Ngọn nến hoàng cung, Lục Vân Tiên, Dưới cờ đại nghĩa, Vó ngựa trời Nam… cũng thường dao động từ 250 triệu đến 350 triệu đồng/tập.
Phim “bom tấn” Đường Hồ Chí Minh trên biển (40 tập), chi hết 16 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Quý Hòa (Tổng Giám đốc của Đài Truyền hình TP.HCM) thì đây là mức đầu tư cao nhất của đài từ trước đến thời điểm phim bấm máy, 400 triệu đồng/tập.
Một phim “bom tấn” khác là Bí mật tam giác vàng (40 tập, gần 20 tỷ đồng - 500 triệu đồng/ tập) đã được xem là “hàng hiếm” ở phía Nam. Chính vì vậy, tại buổi họp báo ra mắt, ông Trần Minh Tiến (Giám đốc Lasta, đơn vị sản xuất) mới nói rằng: “Bỏ lợi nhuận sang một bên đi. Tôi làm phim này vì sở thích”.
Ở phía Bắc, các hãng và các nhà đài cũng chỉ dám chi từ 140 triệu đến 180 triệu cho một tập phim truyền hình. Điều này càng cho thấy kinh phí của Ý chí độc lập là đặc biệt, hy vọng ê-kíp thực hiện sẽ làm được một phim tương đối tươm tất.
Dường như các phim cổ trang - lịch sử được các nhà sản xuất và nhà đài phía Bắc mặn mà hơn, dù kết quả thế nào thì việc đầu tư này vẫn xứng đáng khích lệ như hành động dũng cảm. Tuy nhiên, vấn đề của truyền hình Việt Nam hiện nay là khả năng thu vốn cho phim cổ trang - lịch sử còn rất yếu, vì đa số nhà đài chiếu miễn phí, quảng cáo chưa thể bù đắp.
Với dòng phim này, nhiều nước xác định như một chiến lược tuyền truyền của cộng đồng hoặc quốc gia, họ sẵn sàng bỏ kinh phí để đầu tư mà không bị áp lực về thu hồi vốn.
Ý chí độc lập vẫn còn trên giấy
Nếu so với giá phim của các phim truyền hình chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ý chí độc lập “chưa là gì” cả . Nhưng nếu so với mặt bằng giá phim truyền hình phổ biến ở phía Nam và phía Bắc thời gian qua, thì đây là một đầu tư rất lớn, theo kiểu của một phim bom tấn.
Chiều 28/10, trao đổi với Thể thao & Văn hóa, nhà văn Nguyễn Xuân Hưng (Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết dự án phim Ý chí độc lập vẫn còn ở trên giấy, dù việc chuẩn bị thì hãng đã chủ động bỏ tiền ra làm.
Khi được hỏi Ý chí độc lập có kịch bản như thế nào mà cần đến kinh phí 28,484 tỷ đồng, ông Hưng cho biết không trả lời cụ thể được. Phải đợi kinh phí thực tế thì hãng và ê-kíp sản xuất mới tính toán chi tiết được.
Song hành với việc phê duyệt kinh phí cho phim truyền hình Ý chí độc lập, Bộ VH,TT&DL còn đặt hàng các phim truyện 90-100 phút như Không ai bị lãng quên, Người yêu ơi, Địa đạo, Xã tắc… Việc đặt hàng vẫn rất cần thiết, vì có những đề tài không đặt hàng thì các hãng phim không thể tự làm, do khó thu hồn vốn. Nói như đạo diễn Đinh Thái Thụy (phim Mỹ nhân): “Nhà nước vẫn “mạo hiểm” đầu tư vào dòng phim còn kén khán giả như thế này cũng vui rồi”.
Phim lịch sử phải tốn nhiều tiền |
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags