“Đối thoại” về dịch thuật "Chúa nhẫn"

Thứ Bảy, 13/04/2013 12:12 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - "Tôi không mua sách vì nghĩ đây chưa phải là một sản phẩm hoàn chỉnh" - một độc giả nói về bản dịch Đoàn hộ nhẫn, tập đầu tiên trong bộ ba Chúa nhẫn sẽ lần lượt được phát hành đầy đủ ở Việt Nam. "Nếu đã quyết định đưa ra thị trường thì ít nhất bản thân nhóm dịch đã tin là sản phẩm này hoàn chỉnh" - phía công ty Nhã Nam phản hồi.

Sau hơn 2 tháng tưởng chừng như yên ắng, tọa đàm Chúa tể những chiếc nhẫn - Kiến tạo một thế giới vào sáng 12/4 tại Hà Nội về tác phẩm văn học kỳ ảo ăn khách này lại khuấy lên những tranh cãi lâu nay.

Các diễn giả kiêm dịch giả là Trần Tiễn Cao Đăng, Lê Quang và An Lý (người đảm nhận phần dịch thơ và biên tập Đoàn hộ nhẫn) đều đối thoại trực tiếp với khán giả về các chi tiết cụ thể trong sách hoặc tổng thể bản dịch. Trong 2 dịch giả chính của cuốn sách thì Nguyễn Thị Thu Yến tới dự nhưng ngồi ở hàng ghế khán giả còn Đặng Trần Việt vắng mặt.

Vì nhà tổ chức thông báo về sự kiện này chỉ một ngày trước khi diễn ra nên buổi tọa đàm không đông người đến dự lắm, trái ngược với buổi ra mắt sách đồng thời ở cả Hà Nội và TP.HCM hồi cuối tháng 1.



Từ trái sang: Các dịch giả An Lý, Lê Quang và Trần Tiễn Cao Đăng tại tọa đàm vào sáng 12/4 tại Hà Nội.

Bản tiếng Việt không quá khó hiểu với... người Việt

"Đến nay tôi vẫn chưa mua quyển sách này vì có cảm giác đây vẫn chưa phải một sản phẩm hoàn chỉnh" - độc giả Nguyễn Thái Minh Tuấn, một giảng viên của trường Đại học Bách Khoa nêu ý kiến trong buổi tọa đàm. Độc giả này so sánh bản dịch Đoàn hộ nhẫn với Anh chàng Hobbit (The Hobbit) cùng hệ thống với Chúa nhẫn của J.R.R. Tolkien: trong khi Đoàn hộ nhẫn dịch rất nhiều tên riêng ra tiếng Việt thì Anh chàng Hobbit lại để nguyên.

Đáp lại, dịch giả An Lý cho biết chính Anh chàng Hobbit (của một nhóm dịch khác nhưng cũng do Nhã Nam ấn hành) mới là bản dịch khiếm khuyết, còn Đoàn hộ nhẫn đã cố gắng khắc phục, mong muốn truyền tải tốt hơn dụng ý của Tolkien qua việc dịch tên.

Với câu hỏi "Nhiều độc giả phản hồi trên các mạng xã hội và cả ngoài đời rằng đây là bản dịch tiếng Việt mà người Việt đọc vẫn còn thấy khó hiểu" của TT&VH, dịch giả An Lý trả lời: "Nếu liệt kê tất cả tên địa danh, tên người vào một chỗ thì sẽ thấy khó hiểu, nhưng khi đọc, những cái tên đó được đặt trong văn cảnh cụ thể nên tôi nghĩ là sẽ dễ hiểu hơn".

"Khi nhóm dịch công bố thông tin về cuốn sách trên Facebook thì nhận được rất nhiều lời bình luận, nhưng khi chúng tôi lập trang blog riêng để đón nhận các góp ý thay đổi về cách dịch cụ thể thì qua 2 tháng vẫn không thấy gì" - chị cho biết.

"Cách dịch chỉ là một trong những nguyên nhân khiến bản dịch khó hiểu. Với một bản gốc trúc trắc như bộ Chúa nhẫn thì bản dịch cũng phải trúc trắc, còn độc giả đòi hỏi bản dịch phải sáng rõ dễ hiểu thì lại là phản lại bản gốc mất rồi" - dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nói với TT&VH. "Nếu độc giả chỉ dựa vào một, hai lỗi sai mà vội vàng kết luận là bản dịch không đạt thì ở đây không có cửa cho một cuộc đối thoại. Cánh cửa đó đã bị đóng ngay từ đầu".


Cuốn Chúa tể những chiếc nhẫn - Kiến tạo một thế giới

Bản dịch "mất mát" khoảng 1/4 ý nghĩa so với bản gốc

Từ trước đến nay, vấn đề gây tranh cãi lớn nhất xung quanh Đoàn hộ nhẫn vẫn là cách dịch tên riêng của địa danh và nhân vật. Đây là đề tài chính của các tranh luận trên Facebook và các diễn đàn.

"Nếu đánh giá sơ qua thì bản dịch mất mát so với bản gốc khoảng bao nhiêu?" - câu hỏi của MC, dịch giả Lê Quang. "Có lẽ cũng phải mất đi khoảng 1/3, 1/4 dù con số cũng chỉ là tương đối. Như từ "Elf" dịch là tiên chẳng hạn, thì tiên trong truyện cũng có phần người chứ không hẳn tiên như lâu nay chúng ta vẫn nghĩ" - dịch giả Thu Yến, một trong 2 người dịch chính, trả lời.

Bộ sách Chúa nhẫn do công ty Nhã Nam phát hành là bản dịch chính thức đầu tiên của bộ truyện tiếng Anh nổi tiếng của tác gia người Anh thể kỷ 20 J.R.R. Tolkien.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cũng trong tọa đàm, nhóm dịch đã công bố tài liệu photo Danh pháp trong Chúa tể những chiếc nhẫn (An Lý dịch) của chính tác giả J.R.R. Tolkien soạn để hướng dẫn dịch giả các nước (TT&VH đã có thông tin về tài liệu này trong bài “Khó như dịch Chúa nhẫn”, TT&VH 1/2/2013). Theo nhóm dịch, khi đã hoàn thành bản dịch và đang biên tập thì họ mới phát hiện ra tài liệu này và nhanh chóng sửa sang bản dịch theo các chỉ dẫn của Tolkien.


Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›