Kể từ khi đội quân đất nung được những người nông dân bản địa tình cờ phát lộ hồi năm 1974, các chuyên gia đã đặt câu hỏi rằng có phải chúng được làm phỏng theo vóc dáng của các chiến binh thực thụ, hay chỉ là sản phẩm "sản xuất loạt" do các nghệ nhân thực hiện.
Khác biệt từ đôi tai
Giờ đây, một nhóm nhà khảo cổ thuộc trường Đại học London (UCL) đang phối hợp với các chuyên gia từ Bảo tàng lăng mộ Tần Thủy Hoàng để tìm hiểu về quá trình thiết kế các tượng chiến binh này.
Theo các chuyên gia, nếu tượng đất nung dựa trên nguyên mẫu người thật, mỗi bức tượng phải có đôi tai khác nhau, mang sắc thái riêng. Đây là lý do các nhà khoa học đã chú tâm nghiên cứu tới đôi tai của các bức tượng.
Do tượng đặt quá sát nhau trong hầm chôn, nên các nhà khoa học mới chỉ quét hình ảnh các đôi tai của hơn 30 bức tượng. Họ đã tái tạo các đôi tai này dưới dạng hình ảnh 3D để nghiên cứu mà không gây hại tới tượng.
Họ nhận thấy những đôi tai rất độc đáo, mang nhiều đặc điểm khác nhau. Qua đó, họ cho rằng đội quân đất nung này được làm theo vóc dáng của nhiều con người thật ngoài đời.
“Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy đội quân đất nung trông giống chân dung của nhiều chiến binh thực thụ ngoài đời” – nhà khảo cổ Marcos Martinon Torres, thuộc UCL cho biết.
Nhóm chuyên gia này sẽ tiếp tục nghiên cứu trên số lượng chiến binh đất nung lớn hơn và kiểm tra cả nét mặt trên tượng để tìm hiểu xem có phải chúng đã được tạo ra dựa trên các nguyên mẫu khác nhau hay không.
Cuộc nghiên cứu dường như đã củng cố cho quan điểm của sử gia Đức John Komlos, người từng tuyên bố “chiều cao khác nhau của đội ngũ chiến binh đất nung gần bằng với số đo của lính bộ binh Trung Quốc thời đó”.
Các bức tượng đất nung đầu tiên được những người nông dân phát lộ khi đang đào giếng ở gần Tây An. Sau đó, các nhà khảo cổ tìm thấy thêm hơn 2.000 bức tượng khác.
Từ trước tới nay, người ta vẫn cho rằng đội quân đất nung được những người thợ thủ công địa phương "sản xuất hàng loạt", với phần đầu, tay, chân và thân tượng được làm riêng, sau đó ghép lại.
Những người đi theo giả thuyết này cũng nói rằng mỗi xưởng làm tượng đều khắc tên xưởng trên các bức tượng, không phải để "quảng bá thương hiệu" mà nhằm kiểm soát chất lượng. Theo một số chuyên gia, thợ thủ công thời đó đã sử dụng 8 khuôn làm mặt và sau đó dùng đất sét để tạo ra các nét khác biệt trên gương mặt.
Sau khi hoàn thành, đạo quân đất nung dường như đã được đặt theo đội hình chiến đấu giống như ngoài đời, nhằm phản ánh vị trí và nhiệm vụ của họ. Điều này được thể hiện qua các bộ giáp khác nhau mà họ mặc và các loại vũ khí mà họ sử dụng như giáo mác, kiếm và nỏ.
Lăng mộ chìm trong bức màn bí ẩn
Tần Thủy Hoàng (259-210 trước Công nguyên), là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Ông qua đời cách đây hơn 2.000 năm và được chôn tại khu lăng mộ ở Tây An. Xung quanh lăng mộ có khoảng 8.000 chiến binh đất nung to bằng người thật được xếp thành nhóm trong các căn hầm, để bảo vệ Tần Thủy Hoàng.
Khu lăng mộ này còn có nhiều hang lớn chứa tất cả những gì mà Tần Thủy Hoàng cần dùng ở kiếp sau, gồm tượng mô phỏng các cung phi, các bậc quan và người hầu của ông.
Tuy nhiên, cho đến nay khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn chưa hề được khai quật, do chính quyền lo ngại các tác phẩm nghệ thuật tinh xảo thể hiện tín ngưỡng cổ đại có thể bị hư hại, do tác động của các biện pháp khai quật hiện nay. Hồi năm 2012, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố không nhà khảo cổ nào được phép khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng, cho tới khi có đầy đủ công nghệ ưu việt hơn.
Lệnh cấm này đã góp phần làm tăng sự bí ẩn xung quanh lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Người ta từng đồn rằng lăng mộ có một đường hào chứa đầy thủy ngân rất độc, nhằm chống trộm đột nhập. Ngoài ra phòng chôn cất Tần Thủy Hoàng còn có nhiều loại bẫy treo nguy hiểm khác.
Những điều này từng được đề cập tới trong cuốn Sử ký Tư Mã Thiên. Tương truyền rằng Tần Thủy Hoàng đã đặt nhiều bẫy nguy hiểm để ngăn cản những kẻ muốn quấy rối giấc ngủ ngàn thu của ông.
Các nhà khảo cổ hiện đang hy vọng thông qua việc sử dụng nhiều thiết bị tiên tiến như rô-bốt có trang bị camera, họ sẽ tiếp cận được nơi chôn cất Tần Thủy Hoàng và giải mã toàn bộ bí ẩn.
Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa