Đến lượt Morgan Freeman chết... trên Facebook

Chủ nhật, 09/09/2012 07:12 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Ngày 5/9 vừa qua, cộng đồng những người yêu điện ảnh đã được phen đau tim khi tin tức Morgan Freeman đột tử xuất hiện trên mạng xã hội Facebook. Té ra, đó chỉ là tin đồn và ông đã trở thành nạn nhân mới nhất trong trò đùa người nổi tiếng qua đời, tưởng như đã "cũ xì" nhưng thực ra vẫn lừa được vô số người.

Một trang web thuộc mạng xã hội Facebook mang tiêu đề R.I.P. Morgan Freeman (An nghỉ nhé, Morgan Freeman) lập ra vào ngày 5/9 tuyên bố minh tinh này đã chết.

Nạn nhân của tin đồn trên mạng

Mặc dù tác giả trang trên không nói rõ nguyên nhân vì sao Freeman chết, cũng như chẳng có ai xác nhận tin tức do nó đưa ra, vẫn có cả chục ngàn người nhấn vào nút "yêu thích" nó chỉ trong vòng có 1 ngày. Cộng đồng mạng sau đó nhanh chóng hỏi nhau về việc liệu có phải ngôi sao trong phim Shawshank Redemption đã chết thật. Không ít người đã thở phào khi được xác nhận rằng Freeman vẫn còn sống.



Morgan Freeman đã trở thành nạn nhân mới nhất của làn sóng tung tin đồn người nổi tiếng qua đời.

Đây không phải là lần đầu tiên Freeman bị đồn đã chết. Năm 2010, một người dùng mạng Twitter đưa tin rằng hãng tin CNN vừa thông báo về cái chết của Freeman, dù thực tế không phải vậy. Mẩu tin vỏn vẹn mấy chữ "RT @CNN: Tin nóng: Diễn viên Morgan Freeman đã qua đời tại nhà riêng ở Burbank" đã được nhiều người dùng Twitter gửi cho nhau. Chữ RT là viết tắt của các từ re-tweet, cho thấy người dùng chỉ đơn giản đã gửi đi cùng 1 nội dung tin nhắn về Freeman mà người khác đã gửi cho họ.

Thậm chí nhiều hãng tin và người nổi tiếng ở Mỹ như LiveNewsWire và Bruce Feldman của kênh truyền hình ESPN cũng phát đi tin "chết rởm" ngay khi họ vừa nhận được thông báo. Số lượng lớn của các tin tweet đã khiến nhiều người tin rằng CNN là nguồn cấp tin sai. Nhưng CNN bác bỏ việc họ là thủ phạm. Hãng tin sau đó đã phải thông qua tài khoản chính thức trên Twitter để khẳng định họ không có liên quan tới trò đùa. "CNN không đưa tin rằng Morgan Freeman đã chết. Trò đùa này hoàn toàn sai trái. CNN sẽ điều tra tích cực về tin đồn này" - hãng tin tuyên bố hồi năm 2010.

Theo các nhà phân tích, tin đồn ở Twitter, cũng giống như tin đồn mới xuất hiện trên Facebook về Freeman, đã phát tán quá nhanh vì có ít người kiểm tra tính xác thực của chúng. Khi nghe tin Freeman qua đời, người hâm mộ thường đã để xúc cảm vượt qua lý trí và đánh mất đi sự tỉnh táo.

Những trò đùa quá lố

Điều đáng chú ý là trò đùa người nổi tiếng qua đời đang tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Không lâu trước đó, ca sĩ nhạc rap 50 Cent và ngôi sao Eddie Murphy cũng bị đồn đã chết. Theo "hãng tin" Global Associated News (GAN), 50 Cent thiệt mạng vì tai nạn xe hơi trên xa lộ liên bang 50.

"Anh ấy đã được lực lượng cứu hộ tuyên bố chết tại hiện trường và người ta cũng đã tìm thấy giấy tờ chứng minh thân phận trên thi thể anh. Rượu và ma túy có vẻ như không phải thủ phạm gây ra vụ tai nạn này. Cơ quan điều tra An toàn Giao thông cho các phóng viên biết rằng 50 Cent đã mất lái khi đang chạy một chiếc xe của bạn trên xa lộ liên bang và chiếc xe đã bị lật, lăn vòng nhiều lần, khiến anh chết ngay tức thì" - GAN đưa tin.

Tuy nhiên những độc giả tinh ý sẽ thấy rằng dưới câu chuyện có một thông báo nhỏ xíu đăng kèm, nói rằng GAN chỉ là một trang web giải trí và họ đã bịa chuyện về cái chết của sao... cho vui .

Cũng chính GAN đã loan tin về cái chết của Eddie Murphy chỉ cách 50 Cent có mấy ngày. Trang này nói rằng cây hài đã chết do tai nạn trượt tuyết ở Thụy Sĩ bởi không thể kiểm soát nổi ván trượt, dẫn tới việc đâm vào một gốc cây với tốc độ cao.

Tháng 7 năm nay, GAN tiếp tục "tạo bão" khi loan tin Brad Pitt đã qua đời trong một vụ tai nạn trượt tuyết, cũng vẫn với một nguyên nhân đâm vào gốc cây do thiếu kinh nghiệm. Tin tức nhanh chóng lan truyền trên Internet, đặc biệt là tại các mạng xã hội Twitter và Facebook, khiến không ít người hâm mộ lo lắng. Sau màn tung tin vịt này, GAN lại khéo léo tránh trách nhiệm bằng việc chua thêm một giải thích nho nhỏ giống như lúc đưa tin về "cái chết" của 50 Cent.

Và còn rất nhiều sao khác cũng từng bị tin đồn "giết chết" như Bill Nye, Rihanna, Bill Cosby, Reese Witherspoon,  Taylor Swift, Adele và nhiều người nổi tiếng khác. Có thể tác giả những tin này chỉ muốn qua chuyện phao tin đồn nhảm để giải trí một chút, hoặc gây sự chú ý. Nhưng hành động của họ đã vấp phải không ít sự chỉ trích từ cộng đồng người hâm mộ. .

"Những người nổi tiếng cũng chỉ là những người bình thường, có gia đình và bạn bè giống chúng ta" - một người viết trên trang Facebook đưa tin về cái chết giả của Freeman và lời bình luận này được trang web Mstarz.com đăng tải lại - "Các bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu có ai đó nói rằng người bạn yêu quý nhất đã qua đời. Rõ ràng bảo ai đó đã chết để đùa vui là chuyện hết sức không nên làm".

Tường Linh (tổng hợp)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›